Tham gia TTP: Cơ hội nào cho lực lượng lao động?

21:14 | 09/10/2015
Tham gia TPP nguồn vồn đầu tư sẽ tăng mạnh, các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ mở rộng sản xuất- kinh doanh. Tuy nhiên, các sản phẩm lưu chuyển trên thị trường TPP sẽ rất khắt khe và vì thế tiêu chí lao động để sản xuất ra các sản phẩm cũng sẽ cao hơn rất nhiều. Cơ hội việc làm thu nhập sẽ tăng song sẽ không có chỗ cho những lao động không chịu mở rộng kiến thức, tay nghề nếu muốn tạo ra thu nhập tốt.
Cơ hội và thách thức: Từ câu chuyện dệt may

Nếu như Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết trước đây, một trong những yêu cầu của nước này là các mặt hàng dệt may, da giày… từ Việt Nam xuất sang phải đáp ứng tiêu chí về môi trường, độ an toàn đối với người lao động, thì các tiêu chuẩn trong TPP sẽ còn khắt khe hơn.

Tham gia TTP: Cơ hội nào cho lực lượng lao động?

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trong các điều khoản của TPP có cả chương về lao động. PGS- TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng viện Công nhân và Công đoàn bình luận: “Khi tham gia TPP, phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, cũng như thực hiện quyền của người lao động (NLĐ) đây chính là những quy chế quan trọng để các công ty, doanh nghiệp phải nâng cao điều kiện làm việc, tái sản xuất sức lao động cho công nhân. Đồng thời, NLĐ sẽ có cơ hội cải thiện các quyền lợi hợp pháp của mình cả về thu nhập tối thiểu, môi trường làm việc và môi trường sống, cũng như về hiệp hội và công đoàn, kể cả tìm kiếm cơ hội việc làm mới trong nước hoặc ở các nước thành viên TPP”.

Còn trên bình diện việc làm, chắc chắn khi TPP có hiệu lực cơ hội việc làm tạo ra cho người lao động là rất lớn. Nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; thậm chí cả khối doanh nghiệp nhỏ và vừa như thủ công mỹ nghệ. Ước tính của các cơ quan hoạch định chính sách cho hay, nếu cuối hoặc đầu năm 2016 Quốc hội các quốc gia TPP chính thức chấp nhận TPP thì trong vòng 1- 5 năm tới nhu cầu lao động sẽ tăng 10- 30% so với hiện nay.

Theo tính toán, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. GDP tăng, đầu tư nước ngoài tăng, xuất khẩu tăng chắc chắn thu nhập của người lao động cũng tăng.

Vấn đề đặt ra hiện nay, để có cơ hội tốt hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ tay nghề của NLĐ. Muốn có cơ hội việc làm tốt, quan trọng nhất hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề phải đào tạo được những kỹ sư, công nhân lành nghề thực sự, nhất là về tay nghề và ngoại ngữ. Nếu không có khi bị thua trên sân nhà, vì khi đó ASEAN trở thành thị trường lao động tự do. Nói một cách ngắn gọn, tham gia và thực thi TPP sẽ giúp Việt Nam và các thành viên thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ những công việc được trả lương cao hơn, cải thiện sức sáng tạo, năng suất, sức cạnh tranh, tăng mức sống, giảm đói nghèo, cải thiện tính minh bạch trong điều hành, bảo vệ môi trường và NLĐ; tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội về điều kiện lao động, thu nhập, việc làm thì thách thức lớn nhất đối với lao động Việt Nam nằm ở nội tại người lao động. Đó là đa số lao động Việt Nam hiện nay xuất phát từ nông nghiệp, trình độ ngoại ngữ khá yếu, tay nghề cũng vậy và cũng đa số đang là lao động làm việc phổ thông. Lao động có tay nghề, có hàm lượng chất xám cao chưa nhiều. Ngay cả đến hệ thống các trường đại học cũng vậy. Đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với ngành giáo dục- đào tạo. Không những thế, đi kèm với trình độ lao động là xu thế cạnh tranh lao động khốc liệt hơn. Và vì vậy, muốn giành cơ hội khi tham gia TPP, bản thân hệ thống các trường đại học - cao đẳng - trung học dạy nghề phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này