Nhà cổ, sống khổ mỗi ngày

14:19 | 06/10/2015
Năm 2004, 274 ngôi nhà dân ở khu phố cổ Hà Nội được đưa vào “danh sách đỏ” cần được bảo vệ, người dân không được tự ý sửa chữa, phá dỡ. Tuy nhiên sau hơn 10 năm, chỉ có 4 ngôi nhà được phục dựng, số còn lại vẫn “dài cổ” chờ đến lượt được bảo tồn (!?).
Biệt thự cổ “kêu cứu”
Rời xa "mảnh đất vàng", dân phố cổ Hà Nội lo làm gì để sống
Người dân phố cổ tiếp tục được kinh doanh tại khu nhà mới

Biểu tượng kêu cứu

Được cho là xây dựng từ những năm 1880, ngôi nhà ở số 47 Hàng Bạc nay đã tròn 135 tuổi, là một trong những ngôi nhà cổ nhất mảnh đất kinh kì. Thế nhưng thay vì niềm tự hào, những thành viên của ngôi nhà cổ này lại thường thở dài ngao ngán: “Mang tiếng ở nhà cổ, nhà khổ thì đúng hơn”. Đánh giá về kiến trúc ngôi nhà, nhiều chuyên gia cho biết, nếu xét kiến trúc thuần Việt thì đây là ngôi nhà cổ nhất phố cổ. Đặc trưng của lối kiến trúc thời đó là lối đi được bố trí ở giữa nhà, mặt tiền nhô cao, không có vỉa hè bởi thời xưa lòng đường cũng là… vỉa hè, về sau người Pháp mới quy hoạch theo kiểu mới. Đặc trưng này được thể hiện rõ theo bức ảnh tư liệu phố cổ Hà Nội mà một cô gái Pháp đưa sang Hà Nội năm 2001, bức ảnh được đề chụp năm 1883.

Nhà cổ, sống khổ mỗi ngày
Ngôi nhà cổ nhất Hà Nội đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại cái không gian cổ kính đó đã nhanh chóng bị biến mất bởi thực trạng không thể “hoàn cảnh” hơn của ngôi nhà này. Theo như lời kể của ông Đỗ Ngọc Thanh, một trong những người chủ sở hữu căn nhà cổ, thì đến nay gia đình đã có 4 thế hệ sống dưới căn nhà này. Từ những năm 60 của thế kỉ trước, các phần phụ trong khu bếp của ngôi nhà với diện tích 205m2 đã sập và tiếp tục đổ sập đến phần diện tích phụ ở giữa nhà.

Hiện nay, tại lối đi dẫn vào nhà hai bên tường vữa bong nham nhở, lộ những mảng gạch cổ, thậm chí ngước lên phía trên còn có thể thấy được bầu trời. Ở bên trong, cầu thang gỗ không còn, các hộ dân phải làm tạm một cầu thang sắt cỏn con để leo lên căn gác xếp bên trên. Mái nhà giờ chỉ còn lại một khoảng trời trống trải, cỏ cây um tùm bên những thanh xà cháy dở. Để đối phó với tình trạng ngày một xuống cấp của ngôi nhà, các hộ dân không còn cách nào khác là tiếp tục chắp vá bằng đủ các loại vật liệu khác nhau. Hiện ngôi nhà là nhiều mảnh ghép lộn xộn gá vào nhau, trải qua bao năm tháng, mưa gió, “ngôi nhà di sản” ngày nào giờ đã mục nát khiến những con người sinh sống trong ngôi nhà luôn thường trực một nỗi sợ sập nhà.

Băn khoăn đi hay ở?

Trước đây, sống trong ngôi nhà cổ này có lúc lên tới 40 người, hầu hết đều là họ hàng con cháu một nhà của ông Thanh. Nhưng rồi một số người do không chịu được cuộc sống chen chúc, tạm bợ đã thuê nhà ở chỗ khác. Hiện tại căn nhà này còn 7 hộ và gần 30 nhân khẩu vẫn sinh sống. Điều đáng nói là từng ấy con người lại sống trong 1/3 diện tích còn lại của 206m2 diện tích ngôi nhà. 2/3 diện tích đã hoang phế không thể sử dụng. Đã nhiều năm rồi, những hộ gia đình ở đây vẫn phải chịu cảnh khi nắng mùi hôi nồng nặc bốc lên, khi mưa, thì nhà ngập. Đã không dưới hai lần, mái sau của ngôi nhà này bị sập. Thậm chí, UBND phường Hàng Bạc còn gắn biển cảnh báo nguy hiểm “cấm qua lại” ở ngay bên trong ngôi nhà.

Nhà vợ chồng ông Thanh, bà Quế gồm 9 người sống trong một không gian chỉ vẻn vẹn 16m2. Tuy mang tiếng là hai hộ nhưng chỉ cách nhau một bức vách không thể mỏng hơn. Quen với cuộc sống, không khí nhộn nhịp, sầm uất nơi phố cổ, nhiều người dân dù rất muốn được di dời nhưng trên thực tế điều kiện tài chính lại là một sức cản rất lớn.

Bà Nguyễn Thị Quế chia sẻ, dù đi hay ở trong lúc này cũng đều rất bất cập. Ở đây, phố xá sầm uất, nhiều khách qua lại nên còn buôn bán được, có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống nhưng chật chội, nhà cửa xuống cấp, nguy hiểm lắm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội mới chỉ bảo tồn được 4 ngôi nhà, còn lại hơn 200 ngôi nhà vẫn là danh sách “nằm chờ”. Theo tìm hiểu của PV, nhiều hộ nằm trong “danh sách đỏ” như nhà số 31, 47, 60, 66, 70 Hàng Bạc; nhà 28, 70, 84, 86 Mã Mây; nhà 13 Hàng Đường... đa phần đều có nguyện vọng được chính quyền bố trí nơi ở mới. Bên cạnh đó, có 51 chủ hộ của các ngôi nhà trong “danh sách đỏ” có đơn đề nghị được rút khỏi danh sách nhà cần bảo tồn, để người dân chủ động việc phá dỡ, xây lại mới, cải thiện chỗ ở.

Trước những phản ánh của người dân tại địa chỉ số 47 Hàng Bạc, ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban Quản lý Phố cổ cho biết, Ban Quản lý Phố cổ vẫn làm việc liên tục với phường và thường xuyên có những đợt kiểm tra, các khu vực nguy hiểm đã được gắn biển cảnh báo. Chúng tôi cũng đã đề xuất dự án bảo tồn ngôi nhà số 47 từ năm 2012 và được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt và luôn trong tâm thế sẵn sàng triển khai nếu hai bên có được sự thương thảo, thống nhất.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội mới chỉ bảo tồn được 4 ngôi nhà, còn lại hơn 200 ngôi nhà vẫn là danh sách nằm trên giấy. Theo tìm hiểu của PV, nhiều hộ nằm trong “danh sách đỏ” như nhà số 31, 47, 60, 66, 70 Hàng Bạc; nhà 28, 70, 84, 86 Mã Mây; nhà 13 Hàng Đường... đa phần đều có nguyện vọng được chính quyền bố trí nơi ở mới. Bên cạnh đó, có 51 chủ hộ của các ngôi nhà trong “danh sách đỏ” có đơn đề nghị được rút khỏi danh sách nhà cần bảo tồn, để người dân chủ động việc phá dỡ, xây lại mới, cải thiện chỗ ở.

Thực tế, từ vụ sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo gây thương vong cho nhiều người vừa qua, các nhà quản lý cần có những biện pháp thiết thực hơn nữa, bởi lẽ nhiều ngôi nhà nằm trong “danh sách đỏ” đã không chờ được nữa, trong khi tính mạng và tài sản của người dân cần được đảm bảo.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này