Nhân lực tay nghề cao: Cơ hội và thách thức

22:04 | 25/09/2015
Thị trường lao động Việt Nam đang ở thời kỳ cao điểm trong năm khi vừa đón một loạt nhân lực mới tham gia vào từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường nghề trong cả nước. Tuy nhiên lực lượng này đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là việc làm.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng
Ngành y tế Bố trí nhân lực, phương tiện trong dịp lễ
Chất lượng nhân lực ngành y tế: Bao giờ đáp ứng yêu cầu của thị trường?

Theo nghiên cứu về thị trường lao động Việt Nam, tính đến hết quý I/2015, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp. So với cùng kỳ năm trước con số này tăng 114.000 người. Số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000. Tỷ lệ trình độ chuyên môn thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%. Tỷ lệ thấp nhất nằm ở nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ là 1,97%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó chúng ra thấy rõ thực trạng không phải cứ học đại học là có được một công việc tốt vì tốt nghiệp đại học mà vẫn thất nghiệp là một thực trạng khá phổ biến.

Nhân lực tay nghề cao: Cơ hội và thách thức
Ảnh minh họa

Năm 2015, Việt Nam đã và đang tham gia một cách tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định đối tác kinh tế với các nước trong khu vực như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ ký kết trong năm 2015 hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành vào cuối năm 2015. Theo đó các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp mới sẽ ra đời. Trong xu hướng đó, các ngành thuộc lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG), công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến và phụ trợ, dệt may, xây dựng, vận tải và nông sản xuất khẩu sẽ hưởng lợi. Những lĩnh vực cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, dịch vụ, y tế, du lịch, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh… sẽ là những ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn trong những năm tới.

Bên cạnh đó, việc tham gia AEC sẽ tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam chiếm 1/6 tổng lực lượng lao động của khu vực. Có 8 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển trong khu vực Hiệp định công nhận kỹ năng nghề trong 8 ngành này giữa các nước trong khu vực ASEAN. Đó là kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch.Điểm yếu của lao động Việt Nam chính là thiếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ và thứ hai là kỹ năng nghề nói chung là thấp…

Như vậy, có thể nói nhu cầu nhân lực tay nghề cao đang tăng nhanh trong 5 năm tới. Thị trường lao động Việt Nam đang ở thời kỳ cao điểm trong năm nay khi vừa đón một loạt nhân lực mới tham gia vào từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường nghề trong cả nước. Lực lượng lao động này sẽ phải đối mặt với những thách thức trên. Đồng thời, đội ngũ lao động kế cận sẽ phải lựa chọn hướng đi để phù hợp với xu thế khi gia nhập vào thị trường này trong vài năm tới.

P.Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này