Ô nhiễm tiếng ồn: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

16:50 | 22/09/2015
Các chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo, tiếng ồn đô thị được ví như kẻ sát nhân giấu mặt, mọi người thường chấp nhận chung sống với nó, chứ ít khi để ý đến tác hại tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.
Người dân điêu đứng vì cá chết hàng loạt
Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông
Sông Mai Giang bị đầu độc

Ô nhiễm nặng

Hiện nay ở nước ta, nhất là ở đô thị, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã đến mức báo động. Tiếng ồn có thể được hiểu đó chính là những âm thanh có cường độ và tần số khác nhau, hỗn loạn gây cảm giác khó chịu cho người nghe, ảnh hưởng xấu đến quá trình làm việc và nghỉ ngơi của con người. Trong số những tiếng ồn hỗn loạn đó, có âm thanh của loa phát thanh của UBND phường.

Chị Phạm Tuyết Mai, sống ở Đê La Thành, quận Đống Đa, than thở, nhà tôi ở ngay sát mấy cửa hàng ăn, thời trang… âm thanh phát ra từ quán hàng cộng với tiếng nhạc xập xình suốt ngày làm đau hết cả đầu, đã vậy tiếng loa phát thanh của phường oang oang, càng khó chịu.

Ô nhiễm tiếng ồn: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Loa phát thanh của UBND là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm tiếng ồn

Còn bác Kiều Thị Ninh, phường Phú La, quận Hà Đông, bức xúc, khi ông nhà tôi còn sống, ông ấy bị tai biến nên rất cần yên tĩnh nhưng cái loa phát thanh của phường lắp ngay trên đầu nhà cứ oang oang, khiến ông nhà tôi chỉ có nước ôm đầu. Người khỏe nghe còn đau đầu huống chi là người ốm.

Đồng hành với tiếng loa phát thanh gây phiền hà cho người dân phải kể đến âm thanh còi xe, đặc biệt là còi xe tải. Đi dọc những con phố như Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến hay Phạm Văn Đồng… nhiều tài xế xe tải vô tư bấm còi inh ỏi gây ảnh hưởng tới người dân sống xung quanh khu vực và những người đang lưu thông trên đường. Nhiều vụ TNGT đã xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ tiếng còi xe quá lớn làm người tham gia giao thông giật mình, loạng choạng.

Còn nói về tiếng ồn tại các khu công nghiệp, chế xuất, chị Nguyễn Thị Thu, đang làm công nhân may, cho hay, chúng tôi ngày nào cũng phải nghe tiếng ồn của đủ các loại máy. Một chiếc máy may quần áo chạy 8 tiếng liên tục nghe đã rất khó chịu huống hồ là cả một phân xưởng với hàng trăm chiếc máy chạy từ sáng đến tối, nhất là những ngày tăng ca vô cùng khó chịu. Ban đầu vì không quen tôi thường xuyên phải mua thuốc đau đầu uống, sau nghe mãi cũng phải quen.

Người dân hiện đang phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn hàng ngày, hàng giờ và những âm thanh này không phải chỉ đập vào tai người nghe luân phiên mà nó là sự hỗn loạn vô tổ chức. Ngoài những âm thanh kể trên, có thể liệt kê ra vô số âm thanh khác như âm thanh từ các công trình xây dựng, tiếng karaoke từ hàng quán, từ các gia đình và còn vô vàn các tạp âm khác nhau đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân.

Nguyên nhân gây bệnh

Các cơ quan có chức năng quản lý xã hội cần đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên đường phố (không cho lạm dụng còi xe; không cho các loại xe cũ nát, động cơ kêu to và xả nhiều khói được lưu hành); không cho dùng các loa phát thanh công suất lớn để thông tin trên đường phố; hạn chế những tiếng ồn phát ra từ các nhà hàng, vũ trường… nhất là về ban đêm…

Mọi người phải đội mũ chống ồn khi làm việc ở các công trình xây dựng, nhất là các công nhân hiện đang làm việc ở nhà máy, xí nghiệp… Ở mỗi gia đình, không nên mở nhạc to và thời gian kéo dài. Thiết kế chống ồn cho nhà cửa ở các thành phố (tường và cửa kính cách ồn cũng như tường và cửa kính cách nhiệt).

Tiêu chuẩn về tiếng ồn cho phép được dao động đến 75dB trong thời gian từ 6h – 18h, dao động 70dB từ 18h – 22h, vào buổi tối từ 22h – 6h phải dưới 50dB. Tuy nhiên, hầu hết ở các thành phố lớn, tiếng ồn luôn vượt hàng chục lần so với chuẩn qui định. GS.TS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đã thực hiện thí điểm ở nhiều nút giao thông để đo mức âm phát ra từ những chiếc loa phát thanh của phường. Kết quả cho thấy mức áp âm đều vượt mức cho phép. Cụ thể, mức áp âm đo được tại vị trí ngã ba đê Yên Phụ, ngã tư Đại Cồ Việt, Lê Duẩn, Giải phóng, Xã Đàn có mức áp âm thấp nhất là 80,8 (dBA) và cao nhất là 102,3 (dBA) tất cả đều vượt nhiều lần ngưỡng quy định.

Ngoài ra, theo nguyên cứu của Viện Công nghệ thông tin, Đại học quốc gia, tiếng ồn ảnh hưởng đến con người không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất vật lý mà chủ yếu phụ thuộc vào sự cảm thụ tâm lý của con người. Nhìn chung, bất cứ tiếng ồn nào có trong môi trường đều là ô nhiễm vì nó hạ thấp chất lượng cuộc sống. Tiếng ồn tác động lên con người ở 3 khía cạnh: Che lấp âm thanh cần nghe làm suy giảm phản xạ tự nhiên của người với âm thanh; gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch. Tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc. Tiến triển bệnh với biểu hiện giai đoạn đầu giảm sức nghe, không nghe thấy tiếng động nhỏ. Giai đoạn tiếp theo là tai bị nghễnh ngãng, sau khi ngưng tiếp xúc với tiếng ồn một thời gian vài tiếng hay lâu hơn mới phục hồi thính giác. Cuối cùng là tai trong bị tổn thương, dây thần kinh thính giác teo lại, người bệnh không nghe được tiếng nói chuyện.

Tiếng ồn còn có thể làm suy yếu về thể lực, suy nhược thần kinh và làm giảm hiệu quả làm việc đối với một số người. Nếu tiếng ồn đạt tới 100 dB thì nó không chỉ gây bệnh tâm thần mà còn gây tổn thương đối với phần tai trong. Đặc biệt, một số người có thể khó chịu ngay cả với những tiếng thầm thì, hoặc tiếng tích tắc của đồng hồ. Tiếng ồn có thể làm gián đoạn suy nghĩ, do đó sẽ làm giảm hiệu quả công tác. Tất cả các tác động này dẫn đến những biểu hiện xấu về tâm lý, sinh lý, bệnh lý, ảnh hưởng đến hiệu quả lao động, có nghĩa là ảnh hưởng đến cuộc sống của con người.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này