Kỹ năng xin việc: Tạo ấn tượng từ khâu hồ sơ

10:41 | 22/09/2015
Hiện nay, nhiều hội chợ việc làm được tổ chức, nhằm tạo cơ hội cho các công ty gặp gỡ và phát hiện những ứng viên tiềm năng. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn bộc lộ sự non yếu về kỹ năng, tạo lợi thế thuyết phục nhà tuyển dụng như chuẩn bị hồ sơ còn sơ sài, thiếu kiến thức thực tế khi trả lời phỏng vấn...
Có nên giấu bằng khi xin việc?
Bằng giỏi là điều kiện cần chứ chưa đủ khi xin việc

Hồ sơ vẫn còn “mờ nhạt”

Thực tế cho thấy, nhiều người cho rằng, việc chuẩn bị hồ sơ xin việc là khâu đơn giản nên thường chủ quan dẫn đến nguồn “nguyên liệu” đầu vào này vẫn còn sơ sài, không hấp dẫn nhà tuyển dụng. “Hồ sơ tuyển dụng thường có nhiều thông tin thừa, còn những thông tin nhà tuyển dụng cần lại không có...” là nhận xét của ông Nguyễn Chí Thanh, quản lý kinh doanh khu vực Hà Nội (Công ty cổ phần Phượng Hoàng) sau khi tiếp nhận hàng trăm hồ sơ tuyển dụng vào công ty trong thời gian gần đây.

Kỹ năng xin việc: Tạo ấn tượng từ khâu hồ sơ
Ngày hội việc làm báo Lao động Thủ đô luôn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và người lao động

Sở dĩ có tình trạng trên là do người tìm việc, phần lớn họ rập khuôn hoàn toàn theo những mẫu đơn xin việc sẵn có, hơn một nửa thông tin trình bày trong đơn xin việc lặp lại ở sơ yếu lý lịch. Do đó, hồ sơ xin việc không có được những thông tin về năng lực cũng như những kinh nghiệm của bản thân, trong khi đó những thông tin về gia đình, quá khứ của người lao động (NLÐ) lại quá nhiều.

Ông Nguyễn Chí Thanh đưa ra lời khuyên: “Hiện nay, một vị trí được rao tuyển đôi khi có hàng trăm hồ sơ xin việc nộp vào. Ðể bộ hồ sơ gây được ấn tượng cho nhà tuyển dụng, người tìm việc cần làm bật hình ảnh của mình bằng cách cung cấp thật nhiều thông tin bản thân, về những khả năng mà mình có thể đáp ứng vị trí công việc. Có như thế, cơ hội được mời phỏng vấn sẽ cao hơn các ứng viên khác”.

Còn theo bà Nguyễn Hà Ngân, Phó Phòng Cung ứng lao động quốc tế 1 (Công ty Xuất khẩu Lao động và Du lịch OLECO), những kỹ năng trình bày trong hồ sơ mới chỉ đáp ứng phần nhìn (đọc) mà các nhà tuyển dụng sẽ kiểm chứng những kỹ năng đó bằng phỏng vấn trực tiếp. Đối với những sinh viên theo học tại các trường cao đẳng, đại học...nếu không có những trải nghiệm ở hoạt động xã hội thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu này. Đối với những ứng viên đã từng làm việc ở đơn vị nào đó, nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng hơn nếu ứng viên đó minh chứng bằng câu chuyện thực tế, những tình huống đáng nhớ...

Không nên ngại thử sức

Với ý nghĩa tạo cơ hội kết nối sinh viên, người lao động với doanh nghiệp, ngày hội hướng nghiệp và việc làm do báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ quận Hai Bà Trưng tổ chức với chủ đề “Mang tương lai đến gần bạn” đã nhận được sự quan tâm của hơn 700 học sinh, sinh viên của 4 trường PTTH: Đoàn kết - Hai Bà Trưng; THPT Thăng Long, THPT Mai Hắc Đế, THPT Tạ Quang Bửu; và 6 trường ĐH: Bách Khoa, Xây Dựng, Viện đại học mở, Kinh tế Quốc Dân, Kinh doanh công nghệ, Kinh tế KT công nghiệp và nhiều ứng viên tự do có nhu cầu tìm việc. Tại ngày hội, đã có 500 cuộc phỏng vấn và gần 200 vị trí được tuyển dụng.

Hiện nay, nhiều người có xu hướng chọn ngành nghề đang hot trên thị trường. Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, nhiều thí sinh tập trung nộp hồ sơ vào những ngành hot với mong muốn sẽ dễ dàng xin việc sau khi ra trường đã chứng minh xu hướng đó vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, chị Dương Bích Ngọc, Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn tài chính Cathay Life Việt Nam, cho rằng, sự lựa chọn này không sai nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi lẽ ai dám chắc sau 4 năm học đại học, nhu cầu thị trường về nguồn nhân lực này không có sự thay đổi.

Chị Ngọc minh chứng cụ thể tại ngày hội việc làm và hướng nghiệp của báo Lao động Thủ đô mới diễn ra gần đây, công ty tiếp nhận nhiều ứng viên đã tốt nghiệp từ 1,2 năm, chuyên ngành tài chính – ngân hàng của các trường top như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương mại... nhưng vẫn chưa xin được việc. Mục đích ban đầu khi các bạn tham gia phỏng vấn chỉ là tìm một công việc để ...chống thất nghiệp. “Trong quá trình tiếp cận, chúng tôi đã giúp các ứng viên có cái nhìn đúng về công việc. Những ngại ngần ban đầu về một công việc không đúng chuyên ngành mình học nhanh chóng qua mau, nhiều bạn đã chủ động ghi tên vào những lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn...của công ty với mong muốn sớm được thử sức trong lĩnh vực mới... Do đó, các ứng viên cần chủ động tìm hiểu về doanh nghiệp trước khi đến phỏng vấn cũng như vị trí mình ứng tuyển để tự lượng sức mình cho phù hợp”.

Một ưu điểm nữa là tại những hội chợ việc làm, NLĐ có thể được các doanh nghiệp cho phép hoàn thiện hồ sơ sau để tập trung vào nhiệm vụ chính là thể hiện năng lực của mình. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Chí Thanh, khi tham gia hội chợ việc làm, để cung cấp thông tin cơ bản về doanh nghiệp cũng như giảm bớt áp lực tâm lý căng thẳng cho ứng viên, doanh nghiệp thường chủ động giới thiệu cơ bản về công ty như quy mô, hoạt động, yêu cầu vị trí tuyển dụng...Khi phát ra những thông tin đó đồng nghĩa với việc mong muốn ứng viên sẽ có phần giới thiệu về bản thân mình mang tính tương tác với nhà tuyển dụng như: “Tôi có năng lực gì để đáp ứng nhu cầu? Tuyển dụng được tôi, doanh nghiệp sẽ được gì?...”. Có thể bạn chưa có kinh nghiệm nhưng bạn hoàn toàn có thể nói về sự đam mê của mình dành cho công việc này, đó cũng là một cách tiếp lửa cho các nhà tuyển dụng... “Ngoài ra, các ứng viên cần chú trọng về tác phong tự tin khi tham gia phỏng vấn, tránh mắc lỗi như cúi gằm mặt, nhìn vào một điểm mơ hồ nào đó, hai tay cất dưới gầm bàn...Nhận được sự tương tác này từ phía ứng viên, doanh nghiệp vừa có nhiều thông tin về bạn lại vừa kiểm tra khả năng ứng xử của bạn”, Ông Thanh cho biết thêm.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này