Thu nhập cao nhưng CNLĐ đang bị vắt kiệt sức

22:04 | 18/09/2015
Thời gian vừa qua xuất hiện làn sóng CNLĐ trong các khu CN và CX Hà Nội “nhảy việc” sang các công ty có vốn đầu tư từ Hàn Quốc mới được thành lập do thu nhập cao, tuy nhiên số CN trụ được không nhiều bởi cường độ làm việc quá cao.
Tăng lương phải giúp tăng mức sống của NLĐ
Nâng cao vai trò Công đoàn khi tham gia bảo vệ quyền lợi NLĐ tại tòa án

Có thể nói, các công ty có vốn đầu tư của Hàn Quốc mới được thành lập đã tạo thêm việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là các lao động ở vùng xa tập trung về các khu công nghiệp, tuy nhiên mặt trái của nó không hẳn không có. Sức hút từ các công ty này còn khiến cho rất nhiều lao động chủ chốt ở các công ty cũ, hoạt động lâu năm “ chạy sô” sang , các công ty cũ này lâm vào tình trạng liên tục phải tuyển lao động thay thế.

Thu nhập cao nhưng CNLĐ đang bị vắt kiệt sức
Ảnh minh họa

Tìm hiểu tại một số công ty Hàn Quốc chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho các dòng sản phẩm điện thoại tại khu công nghiệp Quang Minh –Mê Linh- Hà Nội (chủ yếu là các công ty cung cấp hàng cho tập đoàn Sam Sung ) được biết, thu nhập của một công nhân ở các công ty này đạt từ 8, 5 triệu đồng / 1 tháng, trong khi mức lương trung bình của các công ty cũ khoảng 4 đến 5 triệu đồng / 1 tháng.

Người lao động đi làm là vì lương nên dẫn đến tình trạng nhảy việc. Tuy nhiên, số lao động trụ lại được ở các công ty này đã giảm nhanh chóng. Nhiều CN làm được 1-2 tháng lại bỏ về công ty cũ chấp nhận mức lương thấp hơn. Qua tìm hiểu, lý do bởi để có mức thu nhập cao CN phải làm việc 12 tiếng / ngày và 29 ngày / 1 tháng, tức là chỉ được nghỉ ngày chủ nhật.

Thu nhập cao nhưng không thể chịu đựng được cường độ công việc liên tục như vậy trong một thời gian dài nên nhiều CN đành bỏ việc. Lê Thị Nga, công nhân Cty Katolec cho biết, tôi sang một công ty của Hàn Quốc làm thử một tuần nhưng không chịu được. Đi làm từ lúc trời chưa sáng đến tối mịt mới về, đấy là còn làm ca ngày, nếu làm ca đêm thì sẽ làm 12 tiếng liên tục trong vòng 2 tuần, rất mệt. Do vậy, tôi lại quay về xin làm ở công ty cũ, lương thấp hơn nhưng đảm bảo sức khỏe và còn có thời gian chăm con. Còn Hoàng Thị Hạnh, công nhân thời vụ, cũng cho biết, ban đầu thì rất ham vì thu nhập cao, nhưng được một hai tháng thì tôi gần như kiệt sức.

Tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất lại là có thu nhập cao để đảm bảo cuộc sống là thiết thực, nhưng tình trạng người lao động bị vắt kiệt sức trong guồng quay công việc, sẽ khó duy trì công việc lâu dài và ổn định. Theo quy định của Bộ luật Lao động, một người lao động không được phép làm thêm quá 200 giờ / 1 năm, nên các doanh nghiệp này đang vi phạm luật. Cơ quan chức năng, tổ chức Công đoàn cần tìm hiểu và can thiệp để bảo đảm quyền lợi của NLĐ.

Nguyễn Thị Tiện
CN Cty KATOLEC VIETNAM (Khu CN Quang Minh)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này