Nguy cơ hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh

06:51 | 19/09/2015
Không chỉ những trẻ sinh non, trẻ thấp cân so với tuổi thai có nguy cơ hạ đường huyết mà theo Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, những trẻ cân nặng khi sinh to… cũng có nguy cơ hạ đường huyết. 
Cho trẻ sơ sinh tiếp xúc ngay với mẹ: Giảm đáng kể tử vong
Điều trị đái tháo đường ở trẻ sơ sinh bằng thuốc uống
Chuyện những gia đình 'nhặt' được trẻ sơ sinh

Nguy cơ ảnh hưởng tới hệ thần kinh của trẻ

Chị Nguyễn Thị Loan, 40 tuổi ở Hoàng Mai, sinh con cân nặng chưa đầy 2kg. Khi có mang thai, chị ăn được ít và thường xuyên nôn. Những lần đi siêu âm đầu, bác sĩ cho biết thai nhi phát triển bình thường nhưng đến những tháng 5-6 chị thường xuyên mệt mỏi, ăn ít và nhiều lần suy nhược cơ thể. Chị cho biết, do không ăn được nhiều nên càng về sau thai nhi phát triển chậm, đi siêu âm định kỳ bác sĩ kết luận bị suy dinh dưỡng bào thai. Khi sinh, con chị chỉ nặng gần 2 kg, gia đình chưa hết lo lắng vì bé gầy yếu thì lại nhận được thông báo của bác sĩ cho biết con chị bị hạ đường huyết (HĐH).

Nguy cơ hạ đường huyết  ở trẻ sơ sinh
Trẻ bị hạ đường huyết đang được điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương

Không giống như chị Loan, chị Hoàng Thị Thao, quê Thái Bình, từ khi có thai cho đến khi sinh, thai nhi đều phát triển bình thường và chị ăn uống cũng khá tốt. “Vì ăn uống được lại có người chăm nên cả mẹ và thai đều tăng cân hơn dự kiến. Trở dạ chị sinh con nặng 4,2 kg. Cứ nghĩ sinh con to là khỏe mạnh ai ngờ sau khi sinh được mấy ngày thấy cháu có những biểu hiện lạ như co giật, ngủ li bì, có lúc con khó thở, lo lắng cho sức khỏe của con chị đã cho con đi khám tại bệnh viện Nhi Trung ương mới biết con bị HĐH.

Theo GS.TS Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc bệnh viện Nhi trung ương, HĐH khi đường trong máu dưới 300mg/L. Trẻ sơ sinh bị hạ đường huyết có nghĩa là lượng đường trong máu thấp hơn mức bình thường. Nếu không được điều trị, nó có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Tình trạng này kéo dài sẽ gây tổn thương não của bé, nặng hơn có thể bị tử vong. Nói rõ hơn, bệnh thường là sự suy giảm sản xuất glucose hoặc dự trữ glycogen ở gan trong thời kỳ bào thai; hoặc sự gia tăng nhu cầu sử dụng glucose. Bình thường, mức độ sử dụng glucose ở trẻ sơ sinh cao hơn người lớn; trong đó não là nơi sử dụng glucose như một nguồn năng lượng chủ yếu. Đường máu giảm xuống mức thấp nhất khoảng 1-3 giờ sau sinh rồi tăng dần lên lúc trẻ được 72 giờ tuổi. Đối với trẻ sơ sinh non tháng, thấp cân, dự trữ glycogen thường giảm, khả năng phân hủy glycogen tạo đường cũng giảm nên trẻ dễ bị hạ đường máu trong những giờ đầu sau sinh.

Cân bằng đường huyết bằng sữa mẹ

Theo GS.TS Khanh, những trẻ có nguy cơ HĐH là trẻ được sinh ra từ người mẹ bị bệnh đái đường; trẻ cân nặng khi sinh; cân nặng thấp hơn so với tuổi thai; đẻ non; trẻ bị bệnh nặng hoặc stress; nuôi dưỡng tĩnh mạch không đầy đủ; trẻ đa hồng cầu.

Còn bác sĩ Nguyễn Thị Hiền, BV Thanh Nhàn, cho biết thêm, nguyên nhân gây nên tình trạng HĐH ở trẻ nhỏ được hiểu như mỗi tế bào trong cơ thể cần được cung cấp đường (hoặc glucose) để hoạt động tốt. Chúng ta lấy glucose từ thực phẩm khi ăn, còn bé sơ sinh có được nó từ sữa. Sau khi chúng ta ăn hoặc sau khi bé được bú, lượng đường trong máu sẽ tăng lên tự nhiên. Theo thời gian, lượng đường huyết này sẽ bắt đầu giảm xuống. Đường huyết giúp cân bằng các hormone trong cơ thể, đặc biệt là insulin. Khi mọi thứ hoạt động nhịp nhàng, lượng đường trong máu rất ổn định, khi mất cân bằng, HĐH có thể xảy ra.

Với bé sơ sinh, lượng đường trong máu của bé giảm xuống trong vài giờ đầu tiên sau sinh và điều này là bình thường. Hầu hết các bé sơ sinh khỏe mạnh đều không bị ảnh hưởng gì với trường hợp này. Nếu bé được bú mẹ bất kỳ khi nào bé muốn thì cơ thể bé sẽ duy trì được lượng đường ổn định. Tuy nhiên, một số bé có nguy cơ cao, chẳng hạn, sinh ra từ những người mẹ bị bệnh tiểu đường khiến bé có quá nhiều insulin khi chào đời, làm lượng đường trong máu của bé thấp. Ngoài ra, bé có thể bị HĐH như trẻ bị lạnh quá mức hoặc hạ thân nhiệt, bị nhiễm trùng…

Theo GS.TS Khanh, biểu hiện của HĐH ở trẻ sơ sinh không đặc hiệu, thường có đường máu thấp và trở về bình thường sau điều trị. Một số trẻ có biểu hiện li bì, rên nhẹ hoặc khóc thét, giảm trương lực cơ, run rẩy, co giật, tím tái, có cơn ngừng thở, vẻ mặt hốt hoảng, suy hô hấp hoặc có trường hợp không có biểu hiện lâm sàng.

Trong dự phòng HĐH ở trẻ sơ sinh, việc chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ ngay sau đẻ là rất quan trọng. Sự thiếu hụt dinh dưỡng của bà mẹ trong thời kỳ thai nghén có thể làm cho thai nhi chậm phát triển trong tử cung, đẻ non, đẻ con thấp cân (cũng là điều kiện thuận lợi gây nhiễm độc thai nghén) hoặc tẩm bổ quá mức dẫn đến việc trẻ sinh to và cân nặng cũng là nguyên nhân gây ra cho trẻ bị HĐH. Vì vậy, chế độ ăn cần đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để đảm bảo sự tăng cân bình thường của thai nhi, tử cung, bánh rau, nước ối và khối lượng tuần hoàn máu của mẹ.

Đối với trẻ sơ sinh nên cho bú sớm ngay sau đẻ để phòng tránh HĐH, nếu trẻ không bú được thì vắt sữa mẹ cho ăn bằng cốc, thìa. Với những trẻ sinh ra quá nhẹ cân, cho trẻ tiếp xúc da kề da ngay sau đẻ để chống hạ thân nhiệt. Riêng đối với bà mẹ có tiền sử bệnh tiểu đường cần phải có chế độ ăn hết sức nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ trước trong và sau khi sinh. Bên cạnh đó, việc đi khám định kỳ sẽ giúp sản phụ cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn cho bé, đồng thời có thể phòng tránh một số bệnh không mong muốn cho sản phụ.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này