Dịch vụ ứng tiền nhanh của các nhà mạng: Cho vay lãi suất cao?

12:19 | 17/09/2015
Nhằm hỗ trợ khách hàng được tốt nhất, thời gian qua các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinafone…liên tiếp tung ra các dịch vụ tiện ích, trong đó có dịch vụ ứng tiền nhanh đã giúp người sử dụng điện thoại di động “thoát hiểm” khi đang liên lạc mà hết tiền đột xuất. Thế nhưng, khi khách hàng thanh toán (trừ vào lần nạp sau gần nhất) thì “tá hỏa” với cách tính phí quá cao của nhà mạng. Nhiều người cho rằng, đây là một hình thức “cho vay” lãi suất cao…
Dịch vụ viễn thông- truyền hình chiếm tỷ lệ khiếu nại lớn nhất

Khách hàng liệu có là thượng đế?

Trong kinh doanh từ xưa đến nay, khách hàng luôn được coi là “thượng đế”. Bởi vậy, để đảm bảo uy tín, thương hiệu và mở rộng thị phần của mình, doanh nghiệp thường tìm mọi cách nhằm làm hài lòng khách hàng. Với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thông tin di động cũng vậy, để giữ chân và lôi kéo khách hàng, nhà mạng thường tung ra những gói cước ưu đãi cùng các dịch vụ tiện ích đi kèm như tải nhạc, giảm giá cước, ứng tiền…Thế nhưng ít ai nghĩ rằng, tất cả những dịch vụ nhằm giữ chân khách hàng ấy, chung quy đều nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Đành rằng, mục đích của kinh doanh là lợi nhuận, tuy nhiên thu lợi từ việc “bắt bí” khách hàng khi họ rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đó là một kiểu kinh doanh tận thu và không thiện chí. Phải thừa nhận, dịch vụ ứng tiền nhanh trở thành “cứu cánh” cho nhiều khách hàng sử dụng điện thoại di động khi họ hết tiền đột xuất. Tuy nhiên, mức phí dịch vụ được các nhà mạng đưa ra lại không “mềm”, khi phí dịch vụ dao động từ 10 – 30% giá trị tiền ứng. Nhiều khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ ứng tiền nhanh cho rằng, cách trừ phí này được coi như một kiểu “xiết nợ” có thỏa thuận.

Dịch vụ ứng tiền nhanh của các nhà mạng: Cho vay lãi suất cao?
Khách hàng thường bị thu mức phí quá cao khi sử dụng dịch vụ ứng tiền nhanh

Theo chia sẻ của anh Mạnh Tiến (Quang Trung, Hà Đông), anh đang sử dụng mạng di động Mobifone theo gói cước trả trước, nhiều lần khi đang đàm thoại thì tài khoản hết tiền. Lúc đó phía tổng đài 9015 của Mobifone có gửi tin nhắn đề nghị thuê bao sử dụng dịch vụ ứng tiền với mệnh giá là 50.000 đồng. Tuy nhiên, tin nhắn cũng ghi rõ số tiền sẽ được nhận chỉ là 37.500đ và thuê bao sẽ phải chịu mức phí là 11.250đ (tiền còn lại là cước tin nhắn), số tiền này sẽ được trừ trong lần nạp tiền lần sau. Vì quá gấp, anh Tiến đành miễn cưỡng sử dụng dịch vụ. “Nhà mạng luôn gọi khách hàng là thượng đế, cung cấp các dịch vụ là tốt, nhưng mức phí thu lại quá cao, đặc biệt trong tình huống cấp bách của khách hàng, thì liệu đó có thể coi là vì thượng đế hay không?”, anh Tiến bức xúc.

Thu Hằng, sinh viên trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, cho biết: “Trước đây em sử dụng mạng di động Vinafone và từng sử dụng dịch vụ ứng tiền nhanh. Mặc dù mỗi lần chỉ ứng 50.000đ, nhưng phí dịch vụ lến đến 15.000đ. Sau khi chuyển sang sử dụng mạng Viettel cũng vậy, mức phí khi ứng tiền có ít hơn một chút, nhưng cũng dao động từ 10%-30% số tiền ứng. Em thấy dịch vụ ứng tiền là rất tiện ích, hỗ trợ rất nhiều cho người dùng khi tài khoản đột ngột hết tiền mà chưa kịp nạp thêm. Thế nhưng, mức phí bị trừ đi sau mỗi lần ứng như vậy là hơi nhiều”.

Lãi xuất cao hơn cả tín dụng đen

Nếu tính theo mức phí áp dụng thấp nhất cho thuê bao ứng tiền trong ngày là 10%, thì mức lãi suất tháng lên đến 300%. Còn mức cao nhất lên đến 900%. Đây là mức lãi suất khủng, thậm chí cao hơn cả mức lãi suất tín dụng đen.

Truy cập vào website của một số nhà mạng, dễ dàng nhận thấy các gói dịch vụ tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là dịch vụ ứng tiền nhanh. Với dịch vụ Fast Credit của mobifone, khi thuê bao trả trước rơi vào trạng thái có số dư tài khoản thấp hơn 5000đ, hệ thống sẽ gửi thông tin yêu cầu ứng tiền, việc ứng nhiều hay ít phụ thuộc vào cách tính của hệ thống đối với thời hạn sử dụng của các thuê bao. Mỗi thuê bao sẽ được ứng từ 5000 - 50.000đ, mức phí không ghi cụ thể nhưng nằm trong mức giới hạn 10% - 30%. Tương tự như vậy mạng Viettel, Vinafone cũng có những mức phí áp dụng tượng tự khi khách hàng sử dụng dịch vụ ứng tiền nhanh.

Đánh giá về vấn đề trên, luật sư Đỗ Phương Thúy (Đoàn luật sư TP. Hải Phòng) cho rằng, các nhà mạng gọi là phí dịch vụ nhưng thực chất đó là một hình thức cho vay có tính lãi. Mặc dù mức phí dịch vụ từ 10% - 30%/1 lần ứng, không giới hạn về ngày trả. Tuy nhiên, với tốc độ sử dụng di động như hiện nay, rất ít khách hàng để quá 1 tuần hay 10 ngày mới nạp tiền. Thậm chí có người nạp tiền luôn trong ngày, hoặc 1 ngày sau. Nếu tính theo mức phí áp dụng thấp nhất cho thuê bao ứng tiền trong ngày là 10%, thì mức lãi suất tháng lên đến 300%. Còn mức cao nhất lên đến 900%. Đây là mức lãi suất khủng, thậm chí cao hơn cả mức lãi suất tín dụng đen.

“Đây là hình thức nhà mạng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của khách hàng để áp mức phí, hay cho vay với lãi suất cao. Nếu xét theo luật thì hoạt động này là không đúng, còn đúng luật thì phải là tạm ứng không tính phí. Hoạt động thu phí dịch vụ cao lên đến 30% không phải nhằm hỗ trợ khách hàng và đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nếu doanh nghiệp xem trọng khách hàng, thì nên xem việc ứng tiến là một dịch vụ giúp khách hàng “thoát hiểm” những lúc bí bách, chứ không nên lợi dụng thời cơ để trục lợi. Để điều chỉnh vấn đề này, rất cần sự vào cuộc của các ngành để khách hàng thực sự được hưởng lợi từ các dịch vụ tiện ích của nhà mạng”, luật sư Thúy cho hay.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này