Tài nguyên không phải là vô tận

11:03 | 12/09/2015
Tài nguyên không bao giờ là vô tận, và việc khai thác thế nào để thế hệ con cháu mai sau không bị trả giá đang là vấn đề mang tính thời sự. Số liệu của Bộ Tài chính đưa ra về trữ lượng nguồn tài nguyên hiện có của quốc gia trong báo cáo tổng kết về mức thuế suất thuế tài nguyên khiến chúng ta không khỏi giật mình.
Vì sao Bộ Tài nguyên và Môi trường không chịu trả trụ sở cũ?
Cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện làm sổ đỏ đất công cho mình

Cụ thể, từ năm 2012 trở về trước, Việt Nam là nước xuất khẩu than. Song từ năm 2013 kim ngạch xuất khẩu than giảm mạnh do nhu cầu than trong nước tăng, đặc biệt phục vụ nhu cầu đốt than để sản xuất điện. Năm 2014, lượng than đá xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn, dự kiến năm 2015, 2016 xuất khẩu khoảng trên 1 triệu tấn. Hơn nữa, lũ lụt chưa từng có vừa qua ở Quảng Ninh báo động hệ lụy phải trả khi khai thác than triền miên, không chú ý đến môi trường, trong nhiều thập kỷ qua. Tổng trữ lượng sắt đã được đánh giá và thăm dò của Việt Nam hiện nay khoảng 1,3 tỷ tấn.

Tài nguyên không phải là vô tận

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng quặng sắt cho ngành luyện kim trong nước năm 2015 khoảng 7,2 triệu tấn, năm 2020 khoảng 18 triệu tấn, năm 2025 khoảng 32 triệu tấn; trữ lượng quặng titan khoảng 650 triệu tấn (với khoảng 78 triệu tấn zircon), trong đó trữ lượng quặng titan có thể huy động vào khai thác khoảng 440 triệu tấn (với khoảng 52 triệu tấn zircon); vàng có tổng trữ lượng khoảng 154 tấn, trong đó trữ lượng thăm dò chỉ đạt 42,7 tấn; quặng đồng có trữ lượng ước tính khoảng 1 triệu tấn. Dự báo nhu cầu đồng đến năm 2020 sẽ tăng khoảng 156.000 tấn/năm; trữ lượng quặng niken khoảng 4,5 triệu tấn và được tập trung chủ yếu tại mỏ niken Bản Phúc (tỉnh Sơn La).

Do việc đầu tư xây dựng nhà máy luyện kim niken không khả thi vì vốn đầu tư một nhà máy lớn (phải có trữ lượng niken từ 18 triệu tấn trở lên mới nên xây dựng nhà máy luyện kim niken). Hiện cả thế giới có 12 nhà máy luyện kim niken. Do đó, tại Việt Nam, niken được khai thác đưa vào sản xuất, chế biến để xuất khẩu (năm 2014, sản lượng tinh quặng niken xuất khẩu khoảng 74.800 tấn với kim ngạch khoảng 87,3 triệu đô la Mỹ, số thu thuế xuất khẩu khoảng 375,6 tỉ đồng). Theo dự báo, nhu cầu trong nước về niken năm 2020 khoảng 5.300 tấn và năm 2025 có thể lên tới 6.700 tấn. Ngay đến nguyên liệu nhôm và bauxite trữ lượng không nhiều nhưng hiện khai thác không có lãi. Tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng và dự án alumin Nhân Cơ (Đắc Nông) chỉ có lãi vào các năm 2018 và 2021. Còn theo các chuyên gia, trữ lượng dầu khí vẫn không phải là quá nhiều. Trong khi đó, theo chuyên gia sinh vật học, GS Võ Quý, nguyên giảng viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, với tốc độ phá rừng, khai thác bừa bãi như thời gian qua phải mất nửa thế kỷ mới có khả năng khôi phục.

Với tốc độ dân số ngày một tăng như hiện nay và với việc nền kinh tế phát triển dựa cơ bản vào việc khai thác các tài nguyên thô, một lúc nào đó khi tài nguyên bị cạn kiệt đồng nghĩa với việc các thế hệ sau phải gánh chịu những gì mà chúng ta ở hiện tại đang gây ra.

Tuệ Giang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này