“Cò” nhà trọ và những kiểu “móc túi” sinh viên

13:59 | 08/09/2015
Kết thúc “Cuộc đua” nộp hồ sơ vào đại học đợt đầu tiên, nhiều tân sinh viên lại bắt đầu vào một cuộc đua…tìm nhà trọ. Dẫu biết, việc tìm nhà trọ không còn “sốt” như thời điểm mùa thi, thế nhưng, nhiều bạn trẻ chân ướt, chân ráo lên Hà Nội lùng sục cả tuần vẫn không tìm được phòng trọ ưng ý. Bí bách, họ đành phải qua các tay môi giới, tay “cò” nhà trọ và phải chịu thêm nhiều khoảng phí “trên trời”, thậm chí phải “ngậm quả đắng”…
Xe “dù” lộng hành, cò mồi tát khách

“Phí” dẫn đường

Như thường lệ, mỗi dịp đầu tháng 9, hàng nghìn tân sinh viên nhập trường lại đau đầu với việc tìm nhà trọ. Trong khi sinh viên ngày càng nhiều, phòng trọ lại không thể “nở” thêm ra, thì việc tìm được căn phòng hợp lý gần trường, giá rẻ, sạch sẽ…trước thềm năm học mới là rất khó. Nắm bắt được nhu cầu này, một bộ phận không nhỏ cánh xe ôm, người bán trà đá “bỗng” trở thành những tay môi giới nhà trọ. Các tân sinh được liệt vào “danh sách đỏ” để cánh môi giới bày các chiêu trò nhằm mục đích vụ lợi.

Dạo quanh khu vực một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội như: Học viện Tài chính, Đ.H Mỏ, Học viện Báo chí, Đ.H Thương mại…trong vai một người tìm nhà trọ, không khó để người viết bắt gặp những tờ rơi, số điện thoại và cả những lời “gạ gẫm” dẫn đường của cánh xe ôm, người bán trà đá, cùng hình ảnh “lơ ngơ” của các bạn tân sinh viên đang luồn lách vào những con ngõ nhỏ tìm nhà trọ.

“Cò” nhà trọ và những kiểu “móc túi” sinh viên
Những căn phòng mà “cò” nhà trọ kiêm xe ôm thường dẫn khách tới các căn nhà tồi tàn, lụp xụp không thể ở được.

Lân la hỏi đường, một anh xe ôm, tên Hà, đứng trước cổng trường Đ.H Thương Mại, Hà Nội, hồ hởi: “Sinh viên mới nhập học phải không, tìm được phòng trọ chưa, chưa tìm được thì anh dẫn đi, ở trong ngõ gần nhà anh đang còn một phòng cho thuê. Yên tâm đi, giá rẻ, phòng sạch sẽ, an ninh tốt, chủ nhà lại rất dễ tính…” nhưng nói trước phải “bồi dưỡng” anh ít tiền xăng xe, tiền nước... Khi tôi ra điều ậm ừ thì tay “cò” bồi thêm: “Tiền phí đưa trước 200k em nhé”. Nghe vậy tôi mặc cả: “Bọn em là sinh viên mới, làm gì có tiền, thôi anh bớt cho em 100 nhé?” “Này qua trung tâm môi giới còn mất 500-700k mà chưa được phòng ưng ý đấy, anh lấy 200k là rẻ rồi vào xem không ưng anh chở đi xem phòng khác, khi nào được thì thôi, nếu không đồng ý thì thôi”, tay “cò” nói chắc nịch.

Lạng lách một vòng vào sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Hồ Tùng Mậu, căn nhà cấp 4 tuềnh toàng hiện ra trước mắt, thấy chúng tôi có vẻ không ưng, tay “cò” liền nói: “Giá 1,2 triệu đồng như vậy là quá ổn rồi em ạ. Không ưng thì thôi anh dẫn qua bên này nói trước nhé giá đắt hơn đấy”. Nói rồi tay “cò” gạt chân chống xe rồi rồ ga… Cứ vậy cả buổi sáng lòng vòng không tìm được nhà trọ, nhưng chúng tôi biết được một số mánh khóe “dụ con mồi” của đám “cò tạm”. Tỏ vẻ không đồng ý với căn phòng vừa rồi, chúng tôi đành hẹn “tay cò” buổi chiều đi tiếp rồi “chuồn” thẳng.

Muôn kiểu “móc túi”

Không chỉ bị “cò” lừa mất tiền phí xem nhà, các bạn sinh viên còn ăn “quả đắng” khi mất cả tiền đặt cọc. Nhiều tay “cò” khi môi giới tỏ ra là “người nhà” với chủ nhà trọ, vì thế, khi thấy sinh viên ưng ý với phòng mình vừa giới thiệu liền dùng mọi thủ đoạn để móc túi bằng chiêu thức đặt cọc tiền nhà. Đỗ Văn Tiến (Bình Lục, Hà Nam) kể: “Sau khi biết kết quả đỗ đại học, em lên Hà Nội tìm nhà trọ ngay. Mặc dù có người bạn thân dẫn đi nhưng một tuần tìm kiếm với ba lần phí môi giới cho “cò” mà chẳng tìm được nhà vừa ý. Khi vừa ý rồi thì lại đặt cọc tiền cho “chủ nhà trọ” dởm là bà bán trà đá. Lúc dọn đến ở thì phòng chẳng có mà tiền cũng mất luôn. Đến hỏi bà bán trà đá xin lại tiền đặt cọc thì bà này tỉnh queo nói không biết”.

Cũng giống như Tiến, Thanh Hiên (Cẩm Khê, Phú Thọ) vẫn còn ầm ức khi kể lại câu chuyện tìm nhà trọ. Hiên bảo: “Tiền môi giới để họ dẫn đường là 100 nghìn, em phải đi xem 4-5 phòng trọ, gần khu vực đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, mới được cái phòng trọ ưng ý, giá phòng là 1.500 nghìn đồng/tháng. Tuy nhiên, lúc đó chỉ có mỗi bà cụ ở nhà mà hỏi gì cụ cũng bảo không biết. Lúc sau tay xe ôm bảo em: Nhà người bác họ anh, nếu em ưng rồi thì đặt cọc tiền nhà không mai mốt có người đến là họ lấy mất ngay. Để tạo lòng tin, tay cò bấm điện thoại cho em nói chuyện với một người phụ nữ nào đó xưng là chủ nhà… Sẵn tiền, em đặt cọc luôn 500 nghìn cho tay xe ôm. Ba ngày sau em quay lại mới tá hỏa là bị lừa”.

Qua tìm hiểu, nhiều tân sinh viên khác, khi chân ướt, chân ráo lên Hà Nội tìm nhà trọ, đã bị những người “tốt bụng” là những tay “cò” mùa vụ là xe ôm, người bán trà đá, móc nối nhau giới thiệu phòng trọ nhằm kiếm tiền từ các loại phí tự đặt ra. Tiền mất, nhà trọ không tìm được, thậm chí có nhiều sinh viên nữ còn bị “gạ gẫm” bởi những tay “cò” dê xồm, rút cuộc vừa mất tiền lại vừa ấm ức. Trước thực trạng ấy, khi tìm nhà trọ, các tân sinh viên cần hết sức cẩn thận với những lời đường ngọt của “cò”. Nên nhờ người quen dẫn đường, hoặc khi cần đến “cò” giới thiệu thì nên làm việc rõ ràng, gặp trực tiếp chủ nhà trọ viết giấy cam kết cẩn thận khi muốn đặt cọc tiền nhà, như thế vừa tránh mất tiền oan lại vừa tránh gặp phải những “quả đắng” không đáng có.

Lạng lách một vòng vào sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Hồ Tùng Mậu, căn nhà cấp 4 tuềnh toàng hiện ra trước mắt, thấy chúng tôi có vẻ không ưng, tay “cò” liền nói: “Giá 1,2 triệu đồng như vậy là quá ổn rồi em ạ.

Không ưng thì thôi anh dẫn qua bên này nói trước nhé giá đắt hơn đấy”. Nói rồi tay “cò” gạt chân chống xe rồi rồ ga… Cứ vậy cả buổi sáng lòng vòng không tìm được nhà trọ, nhưng chúng tôi biết được một số mánh khóe “dụ con mồi” của đám “cò tạm”. Tỏ vẻ không đồng ý với căn phòng vừa rồi, chúng tôi đành hẹn “tay cò” buổi chiều đi tiếp rồi “chuồn” thẳng.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này