Công nhân chật vật mưu sinh

18:03 | 27/08/2015
Thoát ly khỏi đồng ruộng xuống thành phố mưu sinh, những mong có được công việc ổn định, kiếm được chút tiền gửi về quê giúp đỡ bố mẹ, nhưng với thu nhập ít ỏi, giá cả tiêu dùng đắt đỏ, cuộc sống của những CNLĐ ngoại tỉnh ở chốn thị thành vô cùng chật vật, khó khăn.  
Chưa chốt được phương án tăng lương tối thiểu
Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016: Nhiều ý kiến trái chiều
Các bên đã tăng cường thương lượng, đối thoại

Chạy ăn từng bữa

Theo chân chị Nguyễn Thu Hà, công nhân trong KCN Sài Đồng, quận Long Biên về nhà trọ sau giờ tan ca, tôi tận mắt chứng kiến bữa ăn đạm bạc của gia đình công nhân 4 người (bố mẹ và hai con nhỏ) chỉ với đĩa rau muống luộc và 3 quả trứng rán. Được hỏi “Hai đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, sao chị không mua thêm ít thịt, cá cho có chất?”, chị Hà thở dài: “Thịt, cá chỉ được ăn vào kỳ lĩnh lương hoặc tháng nào tăng ca nhiều, thu nhập nhích lên chút xíu chứ bình thường cả nhà chỉ ăn trứng, đậu phụ, rau muống”.

Công nhân chật vật mưu sinh
Bữa ăn của công nhân thường kham khổ, đạm bạc

Vợ chồng chị Hà từ Thanh Hóa ra Hà Nội làm công nhân đã được 12 năm. Thời gian đầu, con nhỏ, anh chị phải gửi con ở quê nhờ ông bà chăm sóc. Khi con lớn đến tuổi học hành, cần sự bảo ban trực tiếp của bố mẹ, anh chị đón hai con lên Hà Nội ở cùng, từ đó gánh chi tiêu nặng lên gấp bội.

“Mỗi tháng tổng thu nhập của vợ chồng chỉ xấp xỉ 8 triệu đồng nhưng phải chi tiêu đủ thứ: tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền học hành của hai đứa con nên phải tằn tiện lắm mà vẫn luôn trong cảnh ăn bữa nay lo bữa mai, đóng được khoản tiền này rồi lại lo sang khoản khác. Mỗi lúc xảy ra việc gì lớn như có người ốm đau phải cần tới vài triệu để khám chữa là phải vay. Vay rồi trả, trả thì hết tiền tiêu nên lại phải vay, và cái vòng nợ nần, vay trả cứ bám riết”- chị Hà buồn bã nói.

Tiếp lời vợ, anh Hùng- chồng chị Hà nói thêm: “Sắp vào năm học mới rồi mà chúng tôi vẫn chưa có tiền để mua sách vở, đồng phục cho con. Nhà lại những 2 đứa đi học. Lo quá. Hơn tháng nay tôi đã nhận đi làm thêm chân bảo vệ đêm ở một nhà hàng để có thêm thu nhập nhưng nói thật, đi làm đêm thiếu ngủ, ngày đến công ty mệt, làm việc vật vờ lắm, chắc không trụ được lâu, cố để lo xong mùa khai giảng cho con đã rồi tính tiếp”.

Cũng chật vật với cuộc sống ở chốn thị thành là vợ chồng Nguyễn Thị Vân- Trần Minh Thắng- công nhân KCN Bắc Thăng Long, đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Vân cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng được trên 7 triệu đồng/tháng, riêng tiền nhà trọ và điện nước đã mất 1,2 triệu đồng/ tháng, gửi về cho ông bà 2 triệu tiền sữa nuôi con, còn lại ăn uống và các chi tiêu sinh hoạt khác gói gọn trong khoảng hơn 3 triệu đồng.

Công nhân chật vật mưu sinh
Tiền ít, khi đi chợ công nhân chỉ dám mua rau

Dù sinh con đã hơn một năm nhưng do không có điều kiện bồi dưỡng từ khi mang thai cho tới lúc sinh nở, nên dấu ấn của trận “vượt cạn” khó nhọc vẫn thể hiện rõ qua vóc dáng gầy gò, làn da xanh xao vì thiếu máu của Vân. Khi được hỏi về tình hình của con, Vân rơm rớm nước mắt: “Con chưa được 1 tuổi đã phải cai sữa sớm để mẹ đi làm, giờ cháu ở nhà với ông bà nội. Mà ông bà nội cũng chẳng mạnh khỏe hay dư dả gì, chẳng qua vì điều kiện con cái khó khăn quá nên phải cưu mang. Thế nên chúng em ở đây mà lòng dạ lúc nào cũng cồn cào, bố mẹ, con cái khỏe mạnh thì không sao, lúc ông bà trái gió trở trời, hay con ốm đau là vợ chồng lại lao đao vì tiền không có”.

Dự định của vợ chồng Vân là khi nào con được 3 tuổi sẽ cho xuống ở cùng bố mẹ, nhưng đó cũng chỉ là “mong muốn”, bởi nếu với mức lương hiện tại của hai vợ chồng, để chi trả cho việc thuê người trông trẻ hoặc gửi con vào nhà trẻ thì hật sự khó khăn. “Nhiều khi nhớ con, thương con mà không biết làm thế nào, mong sao lương sẽ ngày càng tăng còn giá cả dần bình ổn thì thì mới hi vọng đón con xuống được”, Vân ngậm ngùi nói.

Đặt mình vào NLĐ

Thực tế đời sống của hai gia đình nói trên cũng là tình cảnh chung của đại bộ phận CNLĐ hiện nay. Theo khảo sát mới nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiền lương trung bình của NLĐ tại các doanh nghiệp là 3 triệu 817 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, NLĐ có thêm các khoản thu nhập khác như: tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần, thưởng năng suất, một số loại trợ cấp, phụ cấp khác. Các khoản này chiếm từ 20-25% tổng thu nhập của NLĐ. Như vậy, nếu không làm thêm giờ, thu nhập của NLĐ rất thấp, đời sống rất khó khăn, không đủ sống chứ không thể nói tới tích lũy.

Ông Nguyễn Đình Thắng- Phó Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội cho biết, TP Hà Nội hiện có 9 KCN-KCX với hơn 140 ngàn công nhân, thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng. Trong điều kiện giá cả tăng cao, cơ sở vật chất hạ tầng và các dịch vụ công còn thiếu thốn, đời sống của CNLĐ vô cùng chật vật.

Dẫn ví dụ ở KCN Bắc Thăng Long, ông Thắng cho biết nơi đây có khoảng 60 ngàn công nhân, phần lớn đều trọ tại xã Kim Chung, Đông Anh, nhưng ở đây rất thiếu nhà trẻ, mẫu giáo. Phần lớn công nhân không có hộ khẩu tại Hà Nội nên phải gửi con học trường tư với chi phí rất đắt. “Gửi con từ 6 tháng tuổi hết 2,5 triệu đồng/tháng; gửi con từ 1 tuổi trở lên hết 2 triệu đồng/tháng. Nhiều chị em công nhân bật khóc khi nói về con cái khi phải gửi con về quê cho ông bà trông dùm vì không có đủ tiền gửi con ở gần nơi làm việc. Chúng tôi cảm thấy rất đau lòng” - ông Thắng nói.

Công nhân chật vật mưu sinh
Nhiều công nhân phải xoay sở làm thêm ngoài giờ mới đủ sống

Về tiền thuê nhà trọ, ở Hà Nội thì có duy nhất 1 khu nhà ở công nhân, NLĐ ở xã Kim Chung do TP xây dựng, đảm bảo được 12.000 chỗ ở do thành phố đầu tư, ngoài ra có vài công ty cũng xây dựng chỗ ở cho công nhân, đáp ứng được khoảng hơn 3.000 công nhân. Vì vậy phần lớn công nhân phải thuê nhà với giá rất cao, ví dụ thuê ở khu thôn Bầu, xã Kim Chung, phòng 10-12m2 giá 700 ngàn đồng/tháng; nước giếng khoan 60-80 ngàn đồng/người/tháng. Tiền điện, nước, tiền nhà tăng; tiền chợ cũng tăng nên đã làm xáo trộn rất nhiều cuộc sống của công nhân. Nhiều anh, chị, em đã phải làm thêm giờ để tăng thu nhập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

“Công nhân giờ sống rất khổ sở. Mình nói gì, làm gì thì phải thử đặt mình vào hoàn cảnh ấy, xem mình có sống được không. Chúng ta hãy đến khu nhà trọ công nhân vào mỗi buổi chiều, khi họ tan ca và đi chợ. Họ chỉ dám mua quả trứng, miếng đậu phụ, mớ rau, quả cà để về ăn. Thương lắm” - ông Thắng bộc bạch.

Từ những trăn trở trên, ông Thắng bày tỏ: “tôi rất đồng tình và ủng hộ phương án tăng 16% của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Qua trao đổi với nhiều lãnh đạo DN, họ đều cho rằng phương án này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”. Quan điểm của ông Thắng cũng là quan điểm đông đảo cán bộ CĐ và CNLĐ rất mong được Hội đồng lương Quốc gia xem xét thấu đáo, để có thể chăm lo tốt hơn cho CNLĐ- lực lượng vẫn được xem là vốn quý của doanh nghiệp.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này