Trưởng thành từ nhà tù đế quốc

09:17 | 31/08/2015
“Sống và chiến đấu trong vùng bị địch tạm chiếm, trong nhà tù đế quốc, tôi được rèn luyện và trưởng thành. Suốt cuộc đời cách mạng của mình, tôi luôn nhớ và thực hiện lời thề với Đảng…”, ông Đỗ Đăng Long (SN 1928, nguyên Trưởng ban Tổ chức chính quyền TP Hà Nội) tâm sự.
Nhà tù Sơn La - chứng tích cuộc kháng chiến chống Pháp
Người trở về từ nhà tù Phú Quốc
Trưởng thành từ nhà tù đế quốc
Ông Đỗ Đăng Long

Trong căn nhà nhỏ trên gác 2, ở phố Tràng Thi, tuổi gần 90, ông Đỗ Đăng Long vẫn nhớ như in nhũng năm tháng hoạt động cách mạng, đặc biệt là thời gian bị giam trong nhà tù Hỏa Lò và trại an trí Thanh Liệt. Ông Long nhớ lại, đầu tháng 7/1949, đồng chí Bí thư Huyện ủy Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình, thông báo quyết định của Tỉnh ủy điều một số cán bộ tăng cường cho Đảng bộ Hà Nội, trong đó có ông Long.

Ngày 14/7/1949, đoàn cán bộ, gồm 10 người, rời quê hương, theo đường giao liên đi bộ đúng 7 ngày mới tới địa điểm liên lạc của Hà Nội, đóng tại một xã ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Ông Long được bố trí về văn phòng Thành ủy, làm ở bộ phận tổng hợp theo dõi các quận ngoại thành. Nhiệm vụ của ông là đọc một số báo cáo của các Quận ủy, tổng hợp, trình bày với đồng chí Bí thư Thành ủy Trần Quốc Hoàn hai ngày một lần những nội dung về tình hình đấu tranh chống địch, tình hình địa phương, các cuộc càn quét bắt giết cán bộ và nhân dân…

Đầu năm 1950, ông Long được điều về Ban Tuyên huấn Thành ủy làm Chánh văn phòng kiêm Bí thư chi bộ, có nhiệm vụ đến các chi bộ cơ quan Thành ủy, các văn phòng Quận ủy làm công tác hướng dẫn cán bộ nghiên cứu, học tập chính trị. Năm 1950, ông Long được điều vào nội thành hoạt động. “Anh Trần Quốc Hoàn ân cần dặn dò tôi đủ mọi điều về hoạt động bí mật ở nội thành. Tôi ghi nhớ từng lời anh dặn dò, chỉ bảo. Tôi hứa với anh, với Đảng tuyệt đối trung thành, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Tôi bồi hồi cảm động vì sắp phải xa anh, biết bao giờ gặp lại anh và chỉ mong sớm đến ngày thủ đô được hoàn toàn giải phóng”, ông Long tâm sự.

Trưởng thành từ nhà tù đế quốc

Sau đó, để có cơ sở hoạt động hợp pháp, ông Long làm gia sư cho hai cháu nhỏ con tỉnh trưởng Bắc Ninh. Ông làm căn cước, biên lai học tiếng Anh trường Lê Bá Công, biên lai học đệ nhị trường tư thục Thăng Long luôn để trong người. Ông Long được giao cho một số cơ sở mà cán bộ phụ trách đã chuyển công tác khác. Công việc thuận lợi nhưng chưa được bao lâu thì ông Long bị bắt. Khi ông đang đi qua Cửa Nam, hai tên cảnh sát chặn lại và đưa ông về Sở Mật thám Hà Nội. Những ngay sau, tên lính tây lai Buốc-gioa khét tiếng của Sở Mật thám, liên tục gọi ông lên thẩm vấn, tra tấn đủ mọi thứ đòn, chủ yếu là tra điện, kẹp cả vào chỗ hiểm, tra nước cho tắc thở, rồi lại quẳng vào xà lim. Sau nửa tháng bị tra tấn, ông Long bị chuyển về phòng giam A trong Sở Mật thám. Tháng sau, chúng đưa ông sang Hỏa Lò giam tiếp vài tháng rồi đưa về trại an trí Thanh Liệt, nơi giam giữ cán bộ kháng chiến không thời hạn vì không có đủ chứng cứ đưa ra tòa xét xử.

Trưởng thành từ nhà tù đế quốc
Nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội

Những ngày bị giam giữ, ông Long luôn tìm cách liên lạc với cán bộ bị bắt, giúp đỡ nhau giữ gìn sức khỏe, dạy nhau học chính trị, học tiếng Pháp, tiếng Anh, học thêu, học hát và tổ chức các buổi kể chuyện, văn thơ động viên nhau. Hồi ở Hỏa Lò, ông Long còn lấy chăn đỏ làm cờ, cùng trại trưởng tổ chức chào cờ hát Quốc ca đêm 30 Tết Nhâm Thìn (1952). Sáng mồng một Tết, cả trại ngồi xếp hàng rồi tất cả anh chị em bị cai ngục dùng dùi cui phang tới tấp vào đầu, vào mình. Toàn bộ tù nhân bị phạt cắt tiếp tế ngày Tết vì các trại cùng chào cờ hát Quốc ca…

Ông Long kể lại: “Những đêm đông mưa rét, nằm sàn xi măng lạnh giá trong xà lim tối om, quần áo tả tơi, đau đớn, mệt nhọc, đôi lúc giật mình khi có tiếng mở cửa lôi tù lên phòng tra tấn.

Tôi cắn răng chịu đựng, nguyện tuyệt đối không khai gì có hại cho cách mạng, không khai báo cơ sở, địa điểm liên lạc, không biết ai là Bí thư Quận ủy nội thành… giữ vững khí tiết người đảng viên cộng sản, người cán bộ kháng chiến”.

Rồi ngày được tự do cũng tới. Nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh nước Pháp (14/7/1952), Thủ tướng bù nhìn Nguyễn Văn Tâm ra Hà Nội dùng chiêu bài mị dân, thả một số tù chính trị. Một số cán bộ từ Thanh Liệt bị đưa về Sở Mật thám tập trung nghe huấn thị. Tất cả bàn bạn với nhau không chào cờ ba que, không hô khẩu hiệu dù có bị giam giữ lại. Ông Long được tự do, nửa tháng phải đến Sở Mật thám trình diện, liên tục trong vòng hai tháng. Sau đó, ông lại bắt liên lạc với Quận ủy nội thành. Quận ủy chủ trương để ông ra vùng tự do công tác vì đã bị lộ. Ông Long suy nghĩ nhiều vì mình chưa làm được bao nhiêu đã bị bắt, nếu được ở lại hoạt động, giữ được bí mật thì vẫn còn lợi hơn là đồng chí khác vào. Chính vì vậy, ông xin ở lại và nguyện vọng được Quận ủy chấp thuận. Ông Long đã có kinh nghiệm, thận trọng hơn và cũng mạnh bạo hơn, vừa khẩn trương tuyên truyền vận động quần chúng xây dựng cơ sở, bồi dưỡng kết nạp Đoàn. Đồng thời được giao thêm cơ sở khác, tiếp tục vận động đấu tranh chống địch bắt thanh niên đi lính, vận động đào ngũ, chống thuế, vận động treo cờ các ngày kỷ niệm…

Phong trào phát triển mạnh, khí thế sôi nổi nhất là lúc quân và dân ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 6/1954, một cán bộ cơ sở bị bắt, trong người có các tài liệu về Điều lệ Đảng. Địch phục kích ngày đêm tại nhà cơ sở, ông Long suýt bị bắt. Lúc này, Thành ủy quyết định cho ông ra căn cứ để chỉnh huấn. Ông Long kể: “Tháng 8/1945, tôi trở lại nội thành, bắt liên lạc với cơ sở đang nóng lòng chờ ông và tiếp nhận thêm một số cơ sở mới. Từ đó lại tiếp tục hướng dẫn tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng; vận động chống cưỡng ép di cư vào Nam, bảo vệ máy móc, thiết bị nguyên liệu không cho địch phá hoại, di chuyển. Tất cả các cơ sở nô nức chuẩn bị đón đoàn quân về giải phóng thủ đô”.

Sống và chiến đấu trong vùng bị địch tạm chiếm, trong nhà tù đế quốc, người cán bộ cách mạng trung kiên đã được rèn luyện và trưởng thành. Suốt cuộc đời cách mạng của mình, ông Đỗ Đăng Long luôn nhớ và thực hiện lời thề với Đảng.

Võ Hoàng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này