Hát quốc ca nối dài tình yêu tổ quốc

11:40 | 27/08/2015
Chào cờ và hát Quốc ca là một nghi lễ thiêng liêng, nghi thức quan trọng thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước, với nhân dân. 
Thực hiện nghi thức hát Quốc ca: Tăng thêm sức mạnh đoàn kết
Từ 1/8: Hà Nội hát Quốc ca tại lễ chào cờ Tổ quốc
Hát Quốc ca: Bài học yêu Tổ quốc chảy trong tim mỗi người

Ở nhiều nước trên thế giới, việc hát Quốc ca được coi là nghĩa vụ, quyền lợi của công dân, được quy định hết sức nghiêm túc và theo thời gian đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi người dân và trong toàn xã hội. Và hôm nay, Hà Nội- trái tim của cả nước đã và đang đi đầu về việc thực hiện hát Quốc ca. Thực khó có thể đong được cảm xúc trong mỗi người, chỉ biết lòng yêu tổ quốc dường như đang được nối dài từ hành động đó.

Cách đây 70 năm, ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt ca khúc “Tiến quân ca” làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/ 8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, “Tiến quân ca” lần đầu tiên đã được cất lên trước đông đảo quần chúng nhân dân. Hai ngày sau, cũng tại quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19/8/ 1945, trong khí thế long trời lở đất của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, dưới cờ đỏ sao vàng, dàn đồng ca Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát vang “Tiến quân ca”. Đặc biệt, ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, “Tiến quân ca” chính thức được cử hành trọng thể trong lễ Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến hôm nay “Tiến quân ca” vẫn là Quốc ca Việt Nam. Mỗi khi giai điệu Quốc ca được cất lên, ở bất kể thời gian nào, bất cả nơi đâu, mỗi chúng ta lại như được tiếp thêm sức mạnh, sức mạnh của lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Hát quốc ca nối dài tình yêu tổ quốc
Hát Quốc ca thể hiện niềm tự hào và thân yêu Tổ quốc

Còn nhớ, mùa hè năm ngoái, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta, ca sĩ Minh Quân và ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã thực hiện dự án âm nhạc MV Quốc ca với sự tham gia của 1.300 người, trong đó có khoảng hơn 300 nghệ sĩ, gây niềm xúc động sâu sắc trong lòng công chúng.

Theo tìm hiểu, phong trào hát Quốc ca đã được thực hiện ở nhiều doanh nghiệp, đơn vị, nhà trường trên địa bàn Hà Nội từ nhiều năm nay. Điển hình như Tổng Công ty May 10, từ tháng 3/2010 đến nay, cứ đến sáng thứ 2, từ ban lãnh đạo đến toàn thể nhân viên bắt đầu tuần làm việc mới bằng việc tham gia lễ chào cờ và hát Quốc ca. Hàng trăm buổi sáng thứ 2 với lễ chào cờ, hát Quốc ca đã diễn ra nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng Giám đốc công ty, cho biết, mỗi lần cất tiếng hát đều để lại cho chúng tôi một cảm xúc đặc biệt. Từ trụ sở chính của công ty tại Hà Nội, hoạt động có ý nghĩa này được duy trì đều đặn. Qua 5 năm, đã lan tỏa và nhân rộng tới tất cả các đơn vị thành viên của May 10 tại 7 tỉnh, thành phố trong cả nước, thu hút sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, công nhân, viên chức và trở thành nét đẹp văn hóa của May 10, tạo nên sức mạnh kết nối đoàn kết, góp phần hạn chế tiêu cực và mọi người trong Tổng công ty...

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội- đơn vị hành chính sự nghiệp của Hà Nội cũng đã ghi dấu ấn bởi việc thực hiện chào cờ và hát Quốc ca vào sáng thứ hai trước khi bắt đầu một tuần làm việc mới từ hơn một năm nay. Theo bà Phan Tú Lan, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, nhận thấy hát Quốc ca thường xuyên sẽ tạo được thói quen tốt, nâng cao kỷ cương, kỷ luật cho cán bộ, công chức, viên chức. Không chỉ khơi dậy tình cảm yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chào cờ, hát Quốc ca hằng tuần còn nhắc nhở mỗi cán bộ, công chức, viên chức về tinh thần trách nhiệm với đất nước, đối với công việc mình đang làm, vì vậy Ban Giám đốc đã thống nhất triển khai thực hiện chào cờ và hát Quốc ca sáng thứ hai hằng tuần, tạo động lực làm việc mới cho cả tuần trong toàn cơ quan.

Đúng là trong mỗi hoàn cảnh lịch sử, lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam đều bộc lộ một cách mãnh liệt. Hát Quốc ca chính là một cách thể hiện sâu sắc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lý tưởng cách mạng. Có lẽ vì thế mà khi Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ra công văn Công văn số 2240-CV/BTGTU về việc thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca trong sinh hoạt tập thể và mới đây là Thông tri số 23-TT/TU của Thành ủy Hà Nội về "việc hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ Tổ quốc" đã nhận được hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo CNVCLĐ không phải chỉ ở Hà Nội mà còn đối với người dân ở các địa phương khác.

Trao đổi với LĐTĐ, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, cho biết, qua đợt kiểm tra tại một số đơn vị như Thành đoàn Hà Nội, Sở Thông tin- Truyền thông, Công an thành phố, bên cạnh việc các đơn vị đó thực hiện một cách rất nghiêm túc, chúng tôi còn nhận thấy nhiều người đi đường khi thấy lễ chào cờ cũng dừng lại, đứng nghiêm cùng cất tiếng hát Quốc ca. Xúc động vô cùng. Điều này chứng tỏ, trong tim mỗi người dân Việt Nam luôn dâng trào tình yêu Tổ quốc.

Chợt nhớ tới những dòng nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết về cuộc chia tay của những sinh viên Trường Đại học Tổng hợp, giã từ giảng đường để lên đường ra trận, trong cuốn “Nhật ký mãi mãi tuổi 20”: "Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên sân trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! Khóc không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì cảm động".

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này