Đề xuất lát đá mặt đường của quận Hoàn Kiếm: Trên cơ sở kiến trúc gốc

11:52 | 13/08/2015
Thời gian vừa qua, đề xuất lát đá mặt đường 11 tuyến phố thuộc khu vực bảo tồn cấp I khu phố cổ của UBND quận Hoàn Kiếm thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Việc làm này có thể có những đóng góp cho việc thúc đẩy thương mại, du lịch và dịch vụ, tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, liệu có cần thiết phải tốn kém như  vậy hay không, trong khi mặt đường nhựa vẫn đang phát huy tốt vai trò của nó.
Phấn đấu xây dựng thị xã Sơn Tây trở thành đô thị loại II
Quản lý trật tự đô thị: Nơi siết chặt, nơi thả lỏng
Dự án Hoàng Ngân Plaza Đô thị kiểu mới đề cao yếu tố cây xanh

Thúc đẩy thương mại, dịch vụ và du lịch

Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản đề xuất UBND thành phố Hà Nội về việc lát đá 11 tuyến phố trong khu phố cổ. Đây là các tuyến phố nằm trong khu vực bảo tồn cấp I đã được tổ chức thành các phố đi bộ vào các buổi tối cuối tuần. Lý giải cho đề xuất này, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, bên cạnh hai tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân, Cấm Chỉ, năm 2011 BQL phố cổ Hà Nội đã cải tạo thí điểm mặt đứng một đoạn phố Tạ Hiện dựa trên phong cách kiến trúc Đông Dương đầu thế kỷ 20, kết hợp cải tạo vỉa hè và lát đá mặt đường. Sau 4 năm hoạt động, với lối kiến trúc đẹp, phố đi bộ Tạ Hiện đã phát huy tốt giá trị, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt và trở thành địa điểm thu hút du khách đến với phố cổ Hà Nội. Vì vậy, để bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng, thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ và du lịch gắn với việc bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị được thực hiện dự án đổ bê tông nền đường, lát đá tự nhiên trên mặt đường với kích cỡ 10x10x10cm tại 11 tuyến phố trong khu vực. Nguồn vốn thực hiện lấy từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm, dự án sẽ được triển khai trong năm 2016.

Đề xuất lát đá mặt đường của quận Hoàn Kiếm: Trên cơ sở kiến trúc gốc
Tạ Hiện là tuyến phố cổ đầu tiên của Hà Nội được lát đá mặt đường.

Đề xuất nêu trên cũng là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quận Hoàn Kiếm, được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2015 - 2020 mới đây. Đó là tích cực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch theo hướng văn minh, hiệu quả, bền vững, gắn với nâng cao đời sống của nhân dân. Đây là chủ trương đúng, nhằm phát huy những lợi thế của một quận trung tâm, đẩy mạnh doanh thu từ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Chỉ hợp với phố đi bộ

Theo nhiều chuyên gia, việc lát đá mặt đường chỉ phù hợp với “phố đi bộ”, trong khi đó trên thực tế, danh sách các tuyến phố mà quận Hoàn Kiếm đề xuất thấy có hai nhóm. Nhóm 1 là những phố sát với đoạn phố thí điểm Tạ Hiện như Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến... Tại các tuyến phố này, các cơ quan chức năng đã cắm biển cấm ô tô, lưu lượng phương tiện di chuyển không cao, do đó mức ảnh hưởng là không lớn. Nhóm thứ hai là trục phố từ bờ hồ Hoàn Kiếm kéo lên thẳng chợ Đồng Xuân rồi lên tiếp Quán Thánh như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân... Điều đáng nói, các tuyến phố này vốn là trục giao thông từ phía Nam lên phía Bắc, tuyến Hàng Buồm - Mã Mây là trục giao thông từ phía Đông sang phía Tây khu phố cổ, mật độ giao thông lớn, thế nên việc lát đá mặt đường là không phù hợp. “Những tuyến phố này không giống như phố Tạ Hiện, chúng chưa được cải tạo mặt đứng, tức là không có sự đồng bộ về hạ tầng”, KTS Trần Huy Ánh cho biết.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, cần phải xem xét việc lát đá mặt đường là nhằm mục đích gì, để đẹp hơn, cổ kính hơn, hay để đi lại thuận tiện và an toàn hơn… Việc xử lý ngầm các đường dây, cống thoát nước như thế nào, vì trước đó, theo những người dân hiện đang sinh sống trên các đoạn phố Tạ Hiện, Cấm Chỉ, Tống Duy Tân, bên cạnh việc tạo vẻ đẹp cho các tuyến phố, vẫn còn một số bất cập như khi trời mưa to, thoát nước kém, khiến việc đi lại gặp khó khăn vì dễ trơn, trượt.

Cùng chung quan điểm với KTS Trần Huy Ánh, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, cho biết, riêng đối với khu vực phố cổ HN, di tích lịch sử cấp quốc gia, bất cứ đề xuất hay dự án nào cũng đều phải tuân thủ theo quy chế, quy định của Nhà nước. Trong khu bảo vệ, tôn tạo cấp I phải ưu tiên giữ gìn hình ảnh và phong cách khu phố cổ truyền thống, bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử - văn hóa. Các công trình được phép cải tạo, xây dựng mới phải trên cơ sở phục dựng kiến trúc gốc trước năm 1954 (nếu có), hoặc theo không gian và phong cách kiến trúc đặc trưng tiêu biểu khu phố cổ. “Tất cả đã có quy định cụ thể, nên cứ tuân theo đúng như quy định đã có để làm”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

11 tuyến phố được đề xuất lát đá mặt đường gồm: Phố Tạ Hiện (đoạn từ ngã tư Hàng Bạc đến ngã tư Lương Ngọc Quyến và đoạn từ ngõ Đào Duy Từ đến Hàng Buồm), phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này