Phạt người bắt xe khách dọc đường: Đề xuất hay cần thực hiện ngay!

09:53 | 13/08/2015
Trước tình trạng nhiều nhà xe đi “rùa bò”, chạy lòng vòng để bắt khách dọc đường, gây mất trật tự, an toàn giao thông, CSGT Hà Nội ngoài việc tăng cường tuần tra, xử lý các xe vi phạm, đồng thời đề xuất tăng mức xử phạt hành khách bắt xe dọc đường không đúng nơi quy định. Câu hỏi đặt ra, việc xử phạt hành khách liệu có giải quyết được tận gốc tình trạng xe đón trả khách sai nơi quy định hay không?. Tìm hiểu thực tế, đa phần người dân ủng hộ đề xuất này…
Nhiều DN chưa thực hiện đóng BHYT cho NLĐ
Nhiều điểm mới trong chính sách quản lý xe
Loạn xe dù, bến cóc: Cần liều thuốc đặc trị

Mới đây, tại hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 171 và 107 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt do Bộ GTVT tổ chức, nhiều đại biểu đề xuất, tăng mức xử phạt với các hành vi nguy hiểm. Đặc biệt, nhiều đại biểu đã đề xuất, phải tăng mức xử phạt đối với các hành khách bắt xe dọc đường, không đúng nơi quy định. Bởi, trong Luật Giao thông đường bộ đã quy định nghiêm cấm hành khách không được đứng ở ngoài đường vẫy bắt xe. Nếu hành khách vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 – 60 nghìn đồng.

Theo một số đại biểu, mức xử phạt như hiện nay là quá thấp, không có tính răn đe, trong khi đó việc hành khách bắt xe ngoài đường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm của các nhà xe chạy “rùa bò”, lòng vòng để bắt khách trên đường. Điều đáng nói, đa phần người bắt xe dọc đường đều đi sai làn, thậm chí là lên cả đường cao tốc để bắt xe, gây mất trật tự, an toàn giao thông, nguy cơ gây tai nạn cao… Nếu tăng mức xử phạt, chắc chắn hành khách sẽ tuân thủ theo đúng luật, vào bến xe mua vé theo quy định và các nhà xe làm ăn “bát nháo” sẽ không có cửa để sống.

“Là sinh viên xa nhà, cứ cuối tuần tôi lại bắt xe khách về quê. Chỗ tôi trọ ở đường Nguyễn Xiển, đi ra Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát đều xa. Biết là có quy định cấm bắt xe dọc đường, nhưng thấy mọi người thường ra chân đường dẫn lên cao tốc bắt xe nên mỗi khi về quê tôi đều ra đó cho tiện. Tôi chỉ nghĩ, nếu đón khách dọc đường sai chỗ quy định thì chỉ nhà xe phải chịu phạt, không ngờ hành khách cũng bị. Giờ biết quy định rồi, sắp tới còn tăng mức xử phạt nữa nên từ lần sau về quê tôi sẽ ra bến để mua vé, tránh phiền phức…”, Nguyễn Hữu Phi quê Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình, chia sẻ.

Phạt người bắt xe khách dọc đường: Đề xuất hay cần thực hiện ngay!
Ngoài đề xuất xử phạt thêm hãng xe vi phạm thì hành khách cũng bị phạt nặng thêm

“Đặc thù công việc làm báo nên tôi thường xuyên phải đi các tỉnh công tác, phương tiện di chuyển đa phần bằng xe khách. Tôi thấy phiền phức khi không may đi phải “xe dù”. Những xe này thường đi lòng vòng bắt khách, thậm chí là “đua tốc độ” để tranh giành khách, gây nguy hiểm. Một trong những nguyên nhân khiến những xe dù này tồn tại và hoạt động mạnh vì vẫn có nhiều hành khách có thói quen bắt xe dọc đường. Lên những chiếc xe này, thường không có vé, giá cả cao, cảm giác bất an, chỉ khi xuống xe mới biết mình còn sống. Đó còn chưa kể, việc bị nhồi nhét, móc túi hay xảy ra. Cả lái xe và phụ xe thường có lời lẽ kiểu dân “xã hội”, nếu hành khách nào có ý kiến sẽ bị đe dọa, đánh đập, đuổi xuống xe nhưng vẫn mất tiền cho cả tuyến”, nhà báo Hữu Doanh, công tác tại báo Cựu chiến binh Việt Nam, tâm sự.

Còn anh Đỗ Đăng Kiên, một tài xế lái xe tải, ngán ngẩm: Việc các xe khách đón, trả khách sai nơi quy định, “đua tốc độ” để bắt khách rất mất an toàn giao thông. Bản thân tôi cũng một lần suýt bị tai nạn oan vì xe bắt khách dọc đường. Đó là lần tôi chở hàng về Hải Dương, một chiếc xe khách phóng với tốc độ cao vượt qua, “cắt đầu” xe tôi rồi tạt vào lề đường để bắt khách. Bất ngờ, tôi vội giảm ga, nhấn chân phanh, đánh tay lái sang bên phải để tránh. Rất may không có xe nào đi đằng sau, nếu không thì có thể đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Tôi rất đồng tình với đề xuất xử phạt thật nặng những nhà xe và hành khách bắt xe, đón trả khách dọc đường sai quy định. Có xử phạt thật nặng hành khách bắt xe dọc đường thì mới xử lý được “tận gốc” tình trạng này.

Mặc dù tại Nghị định 171 có quy định về việc cảnh cáo, phạt tiền hành khách khi bắt xe ngoài đường, sai nơi quy định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần người dân đều không biết đến quy định này. Do đó, bên cạnh việc nâng cao mức xử phạt đối với hành khách vi phạm bắt xe dọc đường, không đúng nơi quy định cũng nên tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về quy định này để người dân được biết và thực hiện.

Mặc dù tại Nghị định 171 có quy định về việc cảnh cáo, phạt tiền hành khách khi bắt xe ngoài đường, sai nơi quy định. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần người dân đều không biết đến quy định này. Do đó, bên cạnh việc nâng cao mức xử phạt đối với hành khách vi phạm bắt xe dọc đường, không đúng nơi quy định cũng nên tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về quy định này để người dân được biết và thực hiện.

Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình, cho biết: Đề xuất tăng mức xử phạt hành khách là một đề xuất hay, cần thực hiện ngay nhằm giảm tải được tình trạng xe “rùa bò”, đi không đúng tuyến, bắt xe dọc đường, cũng như đảm bảo được quyền lợi cho chính hành khách khi không may có sự cố đáng tiếc xảy ra. Lý do bởi, khi hành khách vào bến mua vé sẽ được nhân viên tư vấn cụ thể lịch trình, được sắp xếp chỗ ngồi ổn định, không bị nhồi nhét, đi sai tuyến, giá vé được niêm yết công khai nên không lo bị thu vé cao hơn so với quy định, cũng như yên tâm hơn về độ an toàn của xe và tay nghề của lái xe (tất cả các lái xe trong bến đều phải có bằng lái, kinh nghiệm lâu năm). Ngoài ra, khi vào bến xe mua vé, ngoài việc đỡ gây mất an toàn giao thông, khi có sự cố như tai nạn xảy ra, hành khách còn được hưởng chế độ bảo hiểm theo luật định...

Ngô Bảo Chi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này