Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo phương thức mới: Còn nhiều khó khăn

10:08 | 06/08/2015
Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là nhiệm vụ sống còn của tổ chức CĐ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, song song với cách làm truyền thống,Tổng LĐLĐ Việt Nam đã và đang thực hiện thí điểm việc phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS theo phương thức mới 
Phát triển đoàn viên: Tăng số lượng gắn với nâng chất lượng
Đẩy mạnh vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS

Phát huy quyền của NLĐ

LĐLĐ tỉnh Đồng Nai được đánh giá là một trong số những địa phương bước đầu thực hiện hiệu quả phương thức mới trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Chỉ tính trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 32 CÐCS được thành lập theo phương thức mới với 2.867 đoàn viên CĐ, trong đó có 20 CÐCS tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 12 CÐCS tại doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước.

Riêng CĐ KCN Biên Hòa và nhóm thí điểm LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã thực hiện thành lập 3 CĐCS theo phương thức mới tại các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thành lập tổ chức CĐ gồm Công ty Tomei Việt Nam, Công ty Chang Dae Vina và Công ty Green World. Phó Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Đồng Nai Hồ Thanh Hồng cho biết, thực tế ghi nhận tại những nơi thành lập CÐCS theo phương thức mới cho thấy người lao động tỏ ra rất phấn khởi vì chính họ đã chọn lựa nhân sự và bầu những người mà họ tin tưởng để đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình.

Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo phương thức mới: Còn nhiều khó khăn
Hội nghị thành lập CĐ Văn phòng Hàng không Nhật Bản, quận Nam Từ Liêm

Cùng với Đồng Nai, TP Đà Nẵng cũng là một trong các địa phương tham gia thực hiện thí điểm phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS theo quy định của điều 17. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã giao cho nhóm thí điểm tổ chức khảo sát, lên kế hoạch thực hiện. Đã có 11 đơn vị thành lập tổ chức CĐ theo phương pháp mới, thể hiện được tính tự nguyện gia nhập, thành lập tổ chức CĐ của người lao động, giảm bớt sự can thiệp của người sử dụng lao động trong hoạt động CĐ.

Còn tại Hà Nội, LĐLĐ thành phố đã lựa chọn và chỉ đạo 2 LĐLĐ quận Long Biên và Nam Từ Liêm thực hiện làm điểm. Kết quả, đã có 3 CĐCS được thành lập theo mô hình thí điểm là CĐ Công ty TNHH Thương mại Sơn Dương (thuộc LĐLĐ quận Long Biên); CĐ Văn phòng Hàng không Nhật Bản và CĐ Công ty TNHH Ant Plus (A+) thuộc LĐLĐ quận Nam Từ Liêm. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Ngô Văn Tuyến cho biết, 3 CĐCS được thành lập theo phương thức mới đảm bảo đúng nội dung, thủ tục, quy trình theo điều 17- Điều lệ CĐ Việt Nam quy định. Sau thành lập, 2 CĐCS hoạt động tốt, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐCS.

Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các đơn vị thực hiện thí điểm đã có nhiều sáng kiến như đa dạng hóa các hình thức tiếp cận người lao động để nắm bắt tình hình việc làm, đời sống, sinh hoạt của họ tại nơi làm việc và khu nhà trọ nhằm phát triển đoàn viên; xây dựng nhóm CNLĐ nòng cốt để tổ chức ban vận động thành lập CĐCS tại doanh nghiệp. Các đơn vị đã thực hiện đổi mới công tác lựa chọn nhân sự BCH theo nguyên tắc đoàn viên đề cử từ dưới lên, tổ chức bỏ phiếu bầu ban chấp hành nhằm nâng cao trách nhiệm của người lao động trong việc tham gia trực tiếp vào quá trình thành lập tổ chức CĐCS tại nơi làm việc.

Các đơn vị thực hiện thí điểm đã triển khai sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức CĐCS, trong đó chú trọng kiện toàn lại tổ CĐ nhằm thiết lập cơ chế thông tin đa chiều giữa ban chấp hành CĐCS với đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động.

Những khó khăn, vướng mắc

Trên tinh thần phát huy quyền của NLĐ trong thành lập CÐCS, trong Ðiều lệ CĐ Việt Nam, tại khoản 1, điều 17 nêu rõ trình tự người lao động thành lập CÐCS. Theo đó, NLĐ tổ chức ban vận động thành lập CÐCS tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và được CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ. Ban vận động thành lập CÐCS có nhiệm vụ đề nghị với CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở về việc tổ chức ban vận động và thành lập CÐCS tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động, thu nhận đơn xin gia nhập CĐ của người lao động; chuẩn bị việc tổ chức đại hội thành lập CÐCS. Khi có đủ số lượng người lao động tán thành Ðiều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ theo quy định thì ban vận động tổ chức đại hội thành lập CÐCS.

Bên cạnh những thuận lợi và ưu điểm, từ thực tế thực hiện thí điểm cho thấy, việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo phương thức mới vẫn còn nhiều khó khăn.

Đánh giá kết quả hoạt động của 12 CĐCS được thành lập theo phương thức mới trên địa bàn, Chủ tịch CĐ các KCN Bình Dương Lê Nho Lượng nhận định, việc tiến hành thành lập CĐCS theo phương pháp mới có một số thuận lợi song khi mới áp dụng phương pháp này CĐ các KCN Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, do bước đầu chỉ tuyên truyền, gặp gỡ một số CNLĐ nên nhiều lao động khác không hiểu, tỏ ra băn khoăn khi muốn tham gia vào CĐ. Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Kỹ, công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo điều 17, Điều lệ CĐ gặp nhiều khó khăn vì các đơn vị đang áp dụng thành lập CĐCS theo phương pháp truyền thống, cấp trên trực tiếp vận động và thống nhất với chủ doanh nghiệp về nhân sự BCH lâm thời. Bên cạnh đó, nhiều CNLĐ không muốn vào CĐ vì sợ việc đóng CĐ phí ảnh hưởng tới thu nhập hoặc không dám chủ động đứng lên thành lập ban vận động vì chưa có sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch CĐ khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Văn Thắng, có doanh nghiệp viện lý do bận sản xuất không bố trí được thời gian để người lao động được tuyên truyền phát triển đoàn viên, đặc biệt là không muốn để họ trực tiếp giới thiệu nhân sự và bầu chọn vào ban chấp hành CĐCS. Một số lao động không muốn tham gia ban vận động thành lập CĐCS do lo sợ chủ doanh nghiệp gây khó dễ trong công việc. Vẫn còn tình trạng sau khi CĐCS được thành lập, một số chủ doanh nghiệp gây khó khăn cho hoạt động của CĐ, nhất là với cán bộ CĐ do người lao động trực tiếp bầu ra.

Còn với LĐLĐ TP Hà Nội, tại hội thảo về công tác phát triển đoàn viên thành lập CĐCS, nhiều cán bộ CĐ cấp trên cơ sở đã kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sửa đổi trình tự, thủ tục thành lập CĐCS theo điều 17, Điều lệ CĐ Việt Nam theo hướng đơn giản hơn. “Theo quy định hiện nay, CĐCS bỏ phiếu bầu BCH xong, không quá 12 tháng lại chuẩn bị tổ chức đại hội là rất bất cập. Chúng tôi kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sửa đổi nhiệm kỳ của CĐCS được thành lập theo điều 17 có thời gian 5 năm hoặc theo nhiệm kỳ của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở để thuận lợi trong công tác theo dõi, chỉ đạo hoạt động”, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội kiến nghị.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này