Bệnh tử kỷ: Nỗi lo thời hiện đại

10:04 | 04/08/2015
Thấy cậu con suốt ngày ôm riết chiếc điện thoại và ipad, không chơi đùa với chúng bạn nhưng vì nghĩ đó là do tính cách nên vợ chồng anh Hà Tuấn Anh (trú tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng không để ý. Đến khi con gần 5 tuổi vẫn không giao tiếp với ai, hay nổi cáu bất thường, thích ngồi riêng một mình, anh chị đưa con đi bệnh viện kiểm tra mới biết cháu đã mắc phải một dạng bệnh tự kỷ…
Trường học can thiệp sớm bệnh tự kỷ ở trẻ

Con tự kỷ, bố mẹ nghĩ thông minh

Ngồi bên hành lang bệnh viện, mắt luôn dõi theo các thầy thuốc tâm lý đang dạy cho con mình những kỹ năng mềm, anh Hà Tuấn Anh cảm thấy hết sức ân hận. Anh nghĩ lại, khi mới sinh con được chưa đầy 4 tháng, anh chị đã thuê người giúp việc để chăm sóc, còn hai vợ chồng tập trung kinh doanh. Thấy người giúp việc hiền lành, chịu khó anh chị yên tâm lắm. Thế nên, biết cô giúp việc ít nói, ít trò chuyện với con, anh chị cũng không để ý. Anh chị cho rằng, khi lớn lên, rồi con cũng sẽ biết nói, không cần phải dạy.

Bệnh tử kỷ: Nỗi lo thời hiện đại
Bệnh tự kỷ cần phát hiện và điều trị sớm. Ảnh minh họa

Vợ chồng anh Tuấn Anh còn cảm thấy vui, hãnh diện và thích khoe “khả năng đặc biệt” của con khi mới 20 tháng tuổi đã biết bật điện thoại cảm ứng, sử dụng laptop. Gần 3 tuổi, thấy con tự tìm kiếm game để chơi, sử dụng thành thạo thiết bị điện tử, chơi game giỏi, mọi người trong gia đình đều khen là thông minh, sau này ắt sẽ thành tài.

Anh Tuấn Anh chỉ thực sự giật mình khi vô tình đọc trên mạng biết được những biểu hiện của bệnh tự kỷ. Xâu chuỗi lại toàn bộ sự việc, biểu hiện của con như chậm nói, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, suốt ngày mải mê với trò chơi điện tử, anh Tuấn Anh đưa con đi khám thì mới thực sự tin rằng, con anh bệnh, phải tập trung vào điều trị, nếu không sẽ “hỏng” cả cuộc đời con.

Theo anh Tuấn Anh, hiện nay, dù bận công việc đến mấy, hai vợ chồng anh cũng phải cắt cử người để đưa con đến phòng khám để điều trị. Không những thế, vào buổi tối, anh chị còn phải thuê giáo viên về dạy thêm kỹ năng mềm cho con. Từng bước hạn chế con tiếp cận chơi đồ điện tử, thường xuyên trò chuyện với con, đưa con đến những chỗ đông người, nhiều trẻ em để học cách hòa đồng. Sau hơn một năm kiên trì chạy chữa cho con, cháu Tiến (con trai anh Tuấn Anh) giờ đã biết phát âm một số từ cơ bản, biết chơi với chúng bạn.

Làm thế nào để nhận biết bệnh tự kỷ

Trong khi tìm hiểu về bệnh tự kỷ, chúng tôi thấy rằng, hiện nay căn bệnh này ngày càng phát triển, với nhiều dạng khác nhau, khiến các bậc phụ huynh lo lắng trong cách phòng tránh và chữa trị cho con.

Trao đổi với phóng viên, tiến sỹ Lã Thị Bưởi, trưởng phòng khám Tuna, cho biết: Tự kỷ (hay còn được gọi là những rối loạn phát triển lan tỏa) là một trong những rối loạn nặng, làm suy yếu chức năng và cản trở cuộc sống nhiều nhất. Thuật ngữ “rối loạn phát triển lan tỏa” bao hàm ý nghĩa là các rối loạn này xuất hiện sớm trong tiến trình phát triển ở trẻ và dần ảnh hưởng đến nhiều hoặc tất cả sự phát triển tâm lý của trẻ (quan hệ xã hội, quan hệ cá nhân, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm… Theo đó, bệnh tự kỷ thường xuất hiện từ trước 3 tuổi.

Trong 2 năm đầu đời, trẻ có thể phát triển, vận động tương đối bình thường, sau đó các khả năng đã có lại mất dần đi. Cha mẹ thường đưa con đi khám vì thấy con chậm nói hoặc đã biết nói nhưng gọi lại không trả lời. Tự kỷ có các đặc điểm như: Giảm sút các mối liên hệ xã hội (trẻ không biểu hiện sự liên hệ thường thấy với mọi người xung quanh, né tránh không tiếp xúc bằng mắt, không bày tỏ tình cảm yêu thương…); khiếm khuyết trong ngôn ngữ giao tiếp như câm hay nói những âm vô nghĩa hoặc có thể ngôn ngữ phát triển rất chậm. Ngoài ra, bệnh còn biểu hiện ở những hành vi đơn điệu, bất thường, lặp đi lặp lại, chỉ yên tâm trong môi trường quen thuộc.

Nếu chú ý, cha mẹ sẽ nhận thấy những biểu hiện bất thường xuất hiện khá sớm từ khi trẻ mới 10 - 12 tháng tuổi. Trẻ hầu như ít đòi hỏi chăm sóc hoặc luôn bứt rứt, quấy khóc, khó ngủ, ít cười, ánh mắt không tinh nhanh. Khi đến 2 - 3 tuổi, các biểu hiện của bệnh dần lộ rõ. Nhìn chung tất cả trẻ em mắc bệnh tự kỷ đều khiếm khuyết về khả năng tương tác xã hội, khiếm khuyết về khả năng giao tiếp bằng lời hoặc không lời nói và rối loạn về các hành vi.

Cần phát hiện và điều trị sớm

Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh tự kỷ chưa được xác định đầy đủ, nhưng theo tiến sỹ Lã Thị Bưởi, bệnh có thể là do di truyền, não bị tổn thương và do môi trường. Bệnh tự kỷ sẽ ảnh hưởng tới cả đời đứa trẻ nếu không được điều trị sớm. Với phương pháp y học (dùng thuốc) giúp ngăn ngừa được biểu hiện của bệnh thông qua việc bổ sung vitamin, cân bằng chế độ ăn làm giảm được các chấn động ở hệ thần kinh, chống suy nhược và giúp thần kinh của trẻ được ổn định…

Liệu pháp về giao tiếp sẽ giúp trẻ có những sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ, hạn chế giao tiếp bằng những hình thức phi ngôn ngữ khác. Khuyến khích và động viên trẻ giao tiếp sẽ giúp trẻ tương tác được với xã hội, vượt qua những rào cản về tình cảm, tâm lý trong giao tiếp. Những câu chuyện về xã hội sẽ giúp trẻ hiểu được những sự việc đang diễn ra ngoài xã hội, phát triển cảm xúc và bộc lộ ý kiến của mình. Điều này cho thấy các bậc cha mẹ khi có con bị tự kỷ nên dành nhiều thời gian và kiên nhẫn nói chuyện với con. Khi cha mẹ gần gũi, trò chuyện, trẻ sẽ quên và mất dần suy nghĩ ngại ngùng, sợ sệt trong giao tiếp.

Còn liệu pháp hành vi giúp giảm các hành động bắt chước, những hành vi không phù hợp hoặc gây gổ ở trẻ. Liệu pháp này được áp dụng dựa trên niềm tin, sẽ phá vỡ một vài thói quen nào đó bằng cách xây dựng những thói quen mới. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ xử lí một vài hành vi điển hình nào đó, thường xuyên động viên và khen thưởng mỗi khi chúng có những biểu hiện tốt…

Tiến sỹ Lã Thị Bưởi nhấn mạnh, để phòng tránh, điều trị đạt hiệu quả cao thì gia đình góp phần quan trọng nhất. Theo đó, mọi người nên thường xuyên trò chuyện với trẻ, đưa trẻ đi chơi, giao tiếp với bạn bè, hòa nhập với xã hội, không nên để trẻ sống biệt lập. Bởi việc tiếp xúc nhiều với các bạn khác sẽ giúp trẻ có được sự tự tin vào xã hội và cuộc sống, cũng như hình thành cảm xúc một cách toàn diện.

Việc giáo dục khả năng tự lập, rèn luyện tính tự lập, không dựa dẫm vào người khác, cũng như không bênh vực, chiều chuộng quá mức cho trẻ cũng góp phần làm giảm khả năng bị tự kỷ ở trẻ.

Vân Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này