Bệnh hen hoàn toàn có thể tránh được

09:07 | 01/08/2015
Thời gian gần đây, bệnh nhân hen có chiều hướng tăng, đặc biệt là bệnh nhân hen đến nhập viện cấp cứu vì không tuân thủ chế độ điều trị dự phòng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh hen hoàn toàn có thể tránh được.
Nhận biết, điều trị bệnh tâm thần ở trẻ
Cho trẻ sơ sinh tiếp xúc ngay với mẹ: Giảm đáng kể tử vong
Những bệnh nguy hiểm rình rập do thói quen ngồi nhiều

Dừng uống thuốc khi bệnh chưa khỏi hẳn

Chị Hương, ở Hà Đông phải nhập viện cấp cứu vì lên cơn hen do dừng uống thuốc khi bệnh chưa khỏi hẳn. Trước đó, chị được chẩn đoán là bị hen và phải uống thuốc dự phòng hàng ngày ít nhất 6 tháng, nhưng mới được 3 tháng thấy đỡ, lại nghe bạn nói trong thuốc hen có chứa corticoid, dùng lâu dài có thể khiến mặt bị phù, thay đổi nội tiết và các tác dụng phụ nên chị ngưng hẳn việc dự phòng. Trường hợp như chị Hương khá phổ biến, nhất là với trẻ em, do gia đình chủ quan, lơ là hoặc thiếu hiểu biết.

Không tuân thủ phác đồ điều trị là một điểm yếu của bệnh nhân trong điều trị hen phế quản nói chung và ở trẻ em nói riêng. Tại khoa Miễn dịch - dị ứng - khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương, 60% các trường hợp sau một thời gian điều trị dự phòng cho con, gia đình thấy sức khỏe trẻ ổn định liền bỏ thuốc, không đưa con tái khám định kỳ. Đây là một sai lầm thường gặp khiến tình trạng hen của trẻ càng trở nên trầm trọng, rất nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu.

Bệnh hen hoàn toàn có thể tránh được
Bệnh nhân hen đang được điều trị

Theo bác sĩ Lê Thu Hương, chuyên khoa Miễn dịch - dị ứng - khớp, Bệnh viện Nhi trung ương, các bậc phụ huynh cần hiểu, hen là một bệnh mãn tính đường thở, ngay cả khi không có triệu chứng thì tình trạng viêm nhiễm vẫn diễn ra âm thầm. Nếu không được kiểm soát triệt để, trẻ nhỏ hoặc người lớn mắc hen với những tổn thương phổi kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng chức năng phổi suy giảm đến mức không thể phục hồi.

Việc dự phòng hen không đúng cách vừa ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị lại khiến chi phí chăm sóc tăng, đặc biệt là khi trẻ phải nhập viện cấp cứu. Nhiều gia đình điều trị dự phòng nhưng không đều đặn vì cho rằng không cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn lo ngại tác dụng phụ của thuốc nếu phải điều trị kéo dài.

“Bệnh nhân mỗi lần lên cơn, lượng thuốc phải dùng sẽ tăng gấp nhiều lần thuốc dự phòng. Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc đường uống hoặc đường tiêm để xử trí lên cơn hen cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng phụ hơn”, bác sĩ Lê Thu Hương chia sẻ.

Cách phòng tránh bệnh hiệu quả

PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cho biết, bệnh hen (hay còn gọi là bệnh suyễn) là một bệnh mãn tính của đường dẫn khí. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm kéo dài của niêm mạc kết hợp với sự co thắt của cơ trơn đường dẫn khí (phế quản) gây ra những cơn khó thở kịch phát hay còn gọi là cơn hen. Cơn hen thường xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiều tác nhân gây dị ứng hô hấp như lông chó, lông mèo, phấn hoa, nấm mốc, khói, bụi nhà... Hen xuất hiện ở mọi lứa tuổi đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày mà bệnh nhân không thể kiểm soát hết nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa Miễn dịch - dị ứng - khớp, hen là một bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu cha mẹ biết hướng con đến lối sống lành mạnh và chăm sóc điều trị đầy đủ, đúng cách.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh hen ngày một gia tăng như ô nhiễm môi trường, chất thải công nghiệp, nhiễm trùng (do virus), nấm mốc, sử dụng thuốc và hóa chất tùy tiện, nhịp sống căng thẳng nhiều stress... Điều này cũng lý giải tại sao tỷ lệ người mắc bệnh hen ở Hà Nội cao hơn trung bình dân số cả nước. Bên cạnh đó, đa số người mắc bệnh và cộng đồng còn coi thường và không quan tâm đúng mức đến việc chủ động kiểm soát hen một cách khoa học.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, một thực tế hết sức đáng lo ngại là bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang ngày một gia tăng. Có rất nhiều người tử vong do hen trong khi nếu chúng ta quan tâm thì hoàn toàn có thể tránh được. Đa số người tử vong do hen vì gia đình thiếu hiểu biết về bệnh, khi thấy có biểu hiện thuyên giảm hoặc khỏi là không điều trị dự phòng và khi cơn hen lên đã không được cấp cứu theo đúng phác đồ.

Kết quả nghiên cứu mới nhất ở Việt Nam, tỷ lệ mắc hen phế quản là 3,9% dân số, tức là cả nước có gần 4 triệu người mắc bệnh hen, trong đó mỗi năm có khoảng 3.000-4.000 người chết. Chi phí trực tiếp cho điều trị bệnh lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, chưa kể những chi phí gián tiếp do nghỉ làm, nghỉ học, giảm năng suất lao động. Đồng thời, số người kiểm soát tốt bệnh hen chỉ chiếm 5% đến 10%. Đa số người mắc bệnh hen có thể sống bình thường hoặc gần bình thường; các chi phí cho bệnh hen có thể giảm một nửa, có thể ngăn ngừa từ 70-80% các trường hợp tử vong nếu người bệnh được phát hiện, điều trị, quản lý và dự phòng đúng hướng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các bệnh không lây nhiễm hiện nay là gánh nặng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Hầu hết các bệnh không lây nhiễm không thể chữa khỏi, khi đã mắc thì sẽ phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, những bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực.

Là bệnh mạn tính, hen cần được quản lý tại cộng đồng, nơi gần nhất với người bệnh. Hệ thống y tế cần đảm bảo tính sẵn có của các phương pháp chẩn đoán và điều trị ngay tại tuyến cơ sở. Quản lý hen được lồng ghép trong quản lý các bệnh phổi mạn tính bao gồm hen, COPD, lao phổi và nhiễm trùng hô hấp khác. Mặt khác, ngành y tế cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân về bệnh hen để người dân hiểu và dễ dàng sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng tại y tế cơ sở.

Bệnh hen không đáng sợ như nhiều người nghĩ, quan trọng là phải có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, duy trì thể trạng tốt... có như vậy công tác phòng bệnh mới hữu hiệu.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này