Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Mỹ Đức: Chú trọng đầu ra sau mỗi khóa học

12:07 | 28/07/2015
“Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn của huyện Mỹ Đức trong những năm qua đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững”. Đó là đánh giá của ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện, về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Huyện Chương Mỹ: Thiết thực, hiệu quả

82% lao động sau học nghề có việc làm

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hậu, 100% lao động nông thôn ở huyện Mỹ Đức được tuyên truyền phổ biến về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm huyện đào tạo nghề cho 1.100 - 1.200 lao động nông thôn. Chất lượng đào tạo cũng ngày một nâng cao, nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề có việc làm đạt 80 % trở lên. Riêng năm 2014, huyện dạy nghề cho 1.225 lao động nông thôn, hình thức đào tạo dưới 3 tháng, trong đó, nghề phi nông nghiệp là 420 người, gồm các nghề, may công nghiệp, tin học văn phòng, mây tre, giang đan và kỹ thuật chế biến món ăn. Nghề nông nghiệp là 805 người, gồm các nghề, chăn nuôi thú y, trồng rau hữu cơ, trồng lúa chất lượng cao, nuôi cá thương phẩm nước ngọt và kỹ thuật trồng hoa. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt 82 %. Trong đó được doanh nghiệp tuyển dụng 175 lao động, tự tạo việc làm 593 lao động, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm 140 lao động.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Mỹ Đức: Chú trọng đầu ra sau mỗi khóa học
Nghề mây tre đan được nhiều lao động theo học.

“Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế của huyện là phát triển công nghiệp, dịch vụ, do đó chúng tôi xác định nghề đưa vào dạy phải phù hợp, thiết thực. Học viên có thể áp dụng nghề được học ngay sau khi hoàn thành khóa học”, ông Hậu chia sẻ.

Đảm bảo chất lượng lớp học

Bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Mỹ Đức cũng còn những khó khăn, như đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu. Hiện tại huyện chưa có trung tâm dạy nghề nên việc dạy nghề cho lao động nông thôn đều do các DN, đơn vị, các trường ngoài địa bàn huyện tổ chức dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh, bố trí địa điểm học. Cùng với đó, đa số lao động nông thôn chưa có nhận thức đúng về đào tạo nghề, học nghề.

Qua tìm hiểu, các cơ sở tham gia đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện Mỹ Đức đã được đăng ký, cấp phép dạy nghề tại Sở LĐ TB&XH Hà Nội và Tổng Cục dạy nghề - Bộ LĐTB-XH. Do đó đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất đảm bảo. Thời gian đào tạo 3 tháng, 100% học viên đăng ký đều đảm bảo thời gian, đủ điều kiện thi và được cấp chứng chỉ học nghề. Những lao động có việc làm mới sau khi hoàn thành khóa học có thu nhập bình quân từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó nghề mây tre giang đan và may công nghiệp, trồng rau an toàn, trồng nấm, trồng hoa, tương đối phù hợp với địa phương do đó đã được huyện nhân rộng và thu hút đông đảo lao động tham gia.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, có được những kết quả khả quan là do Ban chỉ đạo (BCĐ) đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện đã phối hợp với phòng ban chức năng triển khai thực hiện bài bản, sáng tạo. Trong đó tập trung quán triệt, tuyên truyền quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, chính sách, các giải pháp thực hiện đề án đến các cấp, các ngành và người lao động. Điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nắm bắt kịp thời những thuận lợi khó khăn trong quá trình triển khai đề án để có biện pháp khắc phục. Chỉ đạo thành lập và tổ chức tập huấn cho BCĐ các xã, thị trấn về nghiệp vụ công tác điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến trưởng thôn, xóm, tổ dân phố và chi bộ thôn, xóm, cụm dân cư.

Nhiệm vụ của BCĐ xã, thị trấn giúp UBND xã, thị trấn xây dựng kế hoạch dạy nghề. Phối hợp các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyển sinh, chỉ đạo các đoàn thể tổ chức tuyên truyền và giám sát các lớp học trên địa bàn xã, thị trấn. Giám sát việc thực hiện cam kết 03 bên về tạo việc làm cho người lao động của địa phương sau đào tạo, giữa DN, người học nghề và đơn vị đào tạo. Đồng thời điều kiện thuận lợi cho người học nghề sau học nghề được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng CSXH vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh theo nghề đã học, hỗ trợ thành lập các tổ sản xuất, tự tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Mỹ Đức cũng còn những khó khăn, như đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu. Hiện tại huyện chưa có trung tâm dạy nghề nên việc dạy nghề cho lao động nông thôn đều do các DN, đơn vị, các trường ngoài địa bàn huyện tổ chức, dẫn đến khó khăn trong công tác tuyển sinh, bố trí địa điểm học. Cùng với đó, đa số lao động nông thôn chưa có nhận thức đúng về đào tạo nghề, học nghề. Nhiều người không muốn học nghề vì sợ tốn kém kinh phí, thời gian, chỉ muốn tìm kiếm công việc giản đơn có thu nhập ngay nên tính ổn định chưa cao.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả khả quan hơn, UBND huyện kiến nghị cơ quan chức năng bổ sung kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho hộ nghèo, cận nghèo nhất là hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại học nghề cho những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, đặc biệt là có chính sách ưu tiên hơn đối với người khuyết tật; gắn đào tạo nghề với hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; gắn việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn với chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Trần Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này