Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà: Đừng để “bắt tay” trục lợi

14:14 | 28/07/2015
Chia nhỏ hợp đồng vay, hoặc thỏa thuận thanh toán riêng cho phần chênh lệch diện tích nhà ở thương mại được và không được vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đang là cách mà một số chủ đầu tư (CĐT) và sàn giao dịch BĐS thực hiện nhằm bán được hàng tồn. Nếu việc “lách luật” này trót lọt, thì đây rõ ràng là hành vi trục lợi từ chính sách cho người có thu nhập thấp.
Thấy gói 30.000 tỷ đồng nhưng không chạm được
Thêm bốn ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở theo gói 30.000 tỷ đồng
Thêm một DN được nhận hỗ trợ tín dụng từ gói 30.000 tỷ đồng

Chia nhỏ hợp đồng để “lách luật”

Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định rõ đối tượng vay vốn gói 30.000 tỷ gồm: Các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Tiếp đó, ngày 21/82014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 61/NQ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP cũng quy định rõ số tiền vay không vượt quá 1,05 tỷ đồng. Thời gian qua, do điều kiện vay gói tín dụng 30.000 tỷ yêu cầu trong hồ sơ vay vốn, người mua nhà phải có hợp đồng ghi rõ diện tích nhà ở nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, nên nhiều người dân có nhu cầu mua nhà không thể tận dụng được nguồn vốn ưu đãi lãi suất từ gói tín dụng này.

Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà: Đừng để “bắt tay” trục lợi
Đừng để trục lợi từ những dự án nhà ở thu nhập thấp. Ảnh minh họa

Nhận thức được nhu cầu của người mua nhà, một số CĐT và sàn giao dịch BĐS đã chủ động tư vấn hỗ trợ người mua hoàn thiện hồ sơ tiếp cận nguồn vốn rẻ để thoát hàng. Không ít dự án lâu nay “ế” vì xa trung tâm, bỗng nhiên nhiều sàn giao dịch thông báo mở bán kèm gói 30.000 tỷ đồng, như: Thăng Long Central (Nam An Khánh, Hoài Đức), Westa (Mỗ Lao, Hà Đông), The Pride HP Landmark (Hà Đông), chung cư BMM Xa La (Hà Đông)...

Qua tìm hiểu, để thu hút khách hàng, CĐT sẽ “lách luật” để tìm cách vay gói 30.000 tỷ đồng bằng cách chia nhỏ hợp đồng. Tại một số dự án, với căn hộ diện tích hơn 60m2 có giá 1,2 tỷ đồng, CĐT tách thành 2 hợp đồng, một hợp đồng mua nhà ký trực tiếp hợp đồng với CĐT có giá 590 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được “hợp thức” bằng một hợp đồng tư vấn môi giới ký với sàn BĐS và không có phiếu thu.

Không những vậy, có dự án, CĐT còn “lách luật” bằng cách chia nhỏ hợp đồng. Khi ký hợp đồng mua bán, CĐT tách riêng phần nội thất nên hợp đồng đủ điều kiện vay gói 30.000 tỷ để khớp với ngân hàng. Khách hàng mua căn hộ có giá 1,2 tỷ đồng, CĐT tách phần nội thất 200 triệu đồng để khách hàng ký dưới trị giá căn hộ để đủ điều kiện vay ưu đãi.

Một khách hàng cho biết: “Tôi ký hợp đồng mua bán với Cty Xây dựng Hạ Đình để mua căn hộ trị 1,188 tỷ đồng ở dự án Văn Phú (Hà Đông), nhưng CĐT ghi trên hợp đồng còn 589,99 triệu đồng. 600 triệu đồng còn lại tôi nộp qua Sàn giao dịch BĐS VIC Land và không có phiếu thu. Sàn giao dịch cho biết, số tiền đó được nộp về cho CĐT. Vì gia đình tôi không có tiền thanh toán toàn bộ nên khi nghe nói dự án cao cấp được vay ưu đãi, có thu ngoài vẫn quyết mua. Tôi được giải ngân hơn 400 triệu đồng”.

CĐT, ngân hàng và người mua đều sai

Các thông tư hướng dẫn triển khai gói 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã quy định rõ các điều kiện vay vốn như đối tượng vay, diện tích, giá trị căn hộ… nhằm hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng và ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi. Theo các quy định này, các trường hợp gian dối về đối tượng, điều kiện vay, ngoài việc bị xử phạt hành chính còn bị buộc phải trả lại số tiền đã vay, chấm dứt hợp đồng vay đã ký với các tổ chức tín dụng. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái các quy định liên quan đến xác nhận đối tượng đủ điều kiện được vay để hỗ trợ nhà ở theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước thông tin xuất hiện tình trạng một số CĐT chia nhỏ các hợp đồng khi bán nhà để khách hàng đáp ứng tiêu chuẩn được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời.

Theo yêu cầu, để tránh việc lợi dụng chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước nhằm trục lợi bất chính, đồng thời kiểm soát thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo chức năng và nhiệm vụ được Chính phủ giao, chỉ đạo các tổ chức tín dụng được giao triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ, khẩn trương rà soát, kiểm tra lại quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay... đối với các đối tượng vay để mua nhà ở thương mại từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ.

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm (Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam): Hiện tại, quy trình tiếp cận gói 30.000 tỷ chủ yếu dựa vào 3 đối tượng chính: CĐT, khách hàng và ngân hàng. Cho nên, rất có thể các nhóm đối tượng này bắt tay nhau để trục lợi. Nhưng theo tôi, trách nhiệm cuối cùng thuộc về ngân hàng. Bởi lẽ, trong quy trình trên, ngân hàng là khâu then chốt để quyết định có cho vay hay không.

Thực tế, nhiều ngân hàng đang tham gia vào gói vay 30.000 tỷ chỉ thích cho người mua nhà ở thương mại vay tiền bởi khả năng trả nợ cao hơn khách mua nhà ở xã hội. Từ đó dẫn đến tình trạng tiếp nhận hồ sơ chiếu lệ, thẩm định qua loa để cho các dự án nhà thương mại được hưởng gói vay thay vì đối tượng thu nhập thấp cần mua nhà ở. Hiện tại, tôi chưa thấy các ngân hàng có động thái xử lý và thu hồi các khoản vay không hợp lệ lại từ các CĐT. Cần phải hành động nhanh hơn để đảm bảo tối đa quyền lợi của đối tượng người thu nhập thấp và định hướng đúng đắn của gói hỗ trợ 30.000 tỷ mà Chính phủ đề ra từ lúc đầu.

Trao đổi với PV, luật sư Trịnh Khánh Toàn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Với cách làm như trên, CĐT, người mua nhà và ngân hàng đều sai. CĐT đã sai khi cố tình “lách luật” để trục lợi, ngân hàng sai trong quá trình thẩm định, đánh giá, xem xét thủ tục và người vay sai khi “đồng lõa” để được vay vốn. Vi phạm nghiêm trọng nhất là chủ dự án, vừa trực tiếp vay được vốn, vừa gián tiếp bán được hàng.

Với những khách hàng không đủ điều kiện vẫn cố tình làm sai để vay vốn giá rẻ, cần hủy ngay hợp đồng mua nhà, thu hồi lại vốn. Trường hợp người mua đã nhận nhà, nên cân nhắc và có mức xử phạt hợp tình hợp lý như thu hồi vốn hoặc nâng lãi suất khoản vay thành vay thương mại. Trường hợp người thu nhập thấp, đủ điều kiện về thu nhập để vay gói 30.000 tỷ, nhưng bị dụ dỗ, tiếp tay cho sai phạm, nếu bị phạt bằng cách áp lãi suất thương mại, họ sẽ không thể trả nợ. Thu hồi vốn cũng không thể và khoản nợ này sẽ biến thành nợ xấu.

Hoàng Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này