Xúc động khi đọc “Một nén hương thơm vạn tấm lòng” của NXB Công an nhân dân

18:08 | 27/07/2015
“Một nén hương thơm vạn tấm lòng” là cuốn sách của nhiều tác giả, do NXB Công an nhân dân  ấn hành, với sự  biên soạn và giới thiệu của nhà văn Đặng Vương Hưng, vừa chính thức ra mắt bạn đọc tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2015); tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Lực lượng CAND và 10 năm Ngày hội Toàn dân dân bảo vệ An ninh Tổ quốc .
Sách giáo khoa bị sao chép: Do buông lỏng quản lý
3 cuốn sách lọt top 15 Tp xuất sắc thi viết về bình yên cuộc sống

“Một nén hương thơm vạn tấm lòng” là một tư liệu quí về liệt sĩ Công an nhân dân Nguyễn Văn Bảo. Trong đó không chỉ có những di cảo, tư liệu liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Văn Bảo và những trang nhật ký của đồng đội ông ( cũng đã hy sinh) ghi lại sự cam go, ác liệt tại chiến trường Bình Thuận; cùng bài viết về tinh thần chiến đấu, hi sinh gian khổ “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả vì tiền tuyến lớn” của lực lượng công an nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước;… mà còn có nhiều bài viết về ông của những người thân.

Xúc động  khi đọc “Một nén hương thơm vạn tấm lòng” của NXB Công an nhân dân

Thật xúc động biết bao khi đọc những bài thơ của liệt sĩ Nguyễn Văn Bảo gửi con gái khi ông còn sống và đang chiến đấu tại chiến trường Bình Thuận. Trong đó, ngoài việc bày tỏ tình cảm đối với con , ông vẫn không quên dặn dò con những việc rất đỗi nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày nhưng lại là yếu tố tạo nên nhân cách con người: “Quần áo mặc phải cho sạch sẽ/ Thứ để dành gọn ghẽ cất treo/Khi nào cần thiết chi tiêu/Thì nói với mẹ rõ điều lý do/Đừng dở lối quanh co, vòi vĩnh/Rồi quen dần cái tính hay xoay,..”.

Và ngược lại, bạn đọc sẽ khó cầm nước mắt khi đọc “Chúng con đón ba về với quê hương”- bài viết của con gái liệt sĩ, chị Nguyễn Thanh Tú. Những lời tự sự của chị với ba như bị vỡ òa bởi cảm xúc lâu ngày nén chặt. Những cụm từ “Ba ơi; Ba còn nhớ không; Ba có biết không,..” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài, khiến cho người đọc cảm giác như ba chị chỉ đang trải qua một giác ngủ dài: “ Ba có biết không, từ khi mẹ lên Hà Nội với chúng con, mọi việc trông nom nhà cửa đều nhờ chú Tơ và vợ chồng cậu Dụng,../ Ba có nhớ không, chú Vinh, chú Tơ cùng em Khiển, em Mai Anh con rể cô Thắm cùng đi đón ba…”. Và điều đó cũng ẩn chứa thông điệp: Ba chị - liệt sĩ Nguyễn Văn Bảo- mãi sống trong trái tim của chị và gia đình, bạn bè và đồng đội.

Xúc động  khi đọc “Một nén hương thơm vạn tấm lòng” của NXB Công an nhân dân
Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an Nhân dân tặng hoa cho gia đình liệt sĩ và Ban liên lạc Cán bộ Công an chi viện miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại buổi lễ giới thiệu tác phẩm.

Được biết, liệt sĩ Công an nhân dân Nguyễn Văn Bảo sinh ngày 29 tháng 2 năm 1929, tại thôn Hậu Thượng, xã Bạch Đằng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình giàu truyền thống Cách Mạng. ( cha là cán bộ tiền khởi nghĩa, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, mẹ được truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng").

Từ năm 1945, Nguyễn Văn Bảo đã gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc, từng là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đoàn 304, chiến đấu trên nhiều chiến trường ở Đông Bắc và chiến dịch Thượng Lào, trước khi chuyển ngành về Sở Công an Khu Hồng Quảng (nay là Công an tỉnh Quảng Ninh). Nguyên cán bộ Phòng Bảo vệ Kinh tế và cán bộ Văn phòng Ty Công an tỉnh Quảng Ninh; nguyên Bí thư chi bộ, Phụ trách Trường nghiệp vụ của Ty Công an tỉnh Quảng Ninh; sau nhiều lần viết đơn xung phong, đã được cấp trên chấp thuận cử đi chi viện chiến trường miền Nam, trong thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nguyễn Văn Bảo đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Bình Thuận (Khu VI) ngày 9 tháng 12 năm 1968 (tức ngày 20 tháng 10 năm Mậu Thân).

Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, liệt sĩ Nguyễn Văn Bảo chỉ là một trong số hơn một vạn cán bộ ưu tú nhất của lực lượng công an chi viện cho chiến trường miền Nam, trong những năm tháng gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Gần một ngàn người đã ngã xuống và không trở về. Điều đáng nói hơn là, nhiều liệt sĩ An ninh miền Nam hiện vẫn chưa tìm thấy mộ, hoặc chưa được quy tập hài cốt về Nghĩa trang Liệt sĩ, theo nguyện vọng chính đáng của các thân nhân gia đình…

Vì thế, nhà văn Đặng Vương Hưng cho rằng, cùng với việc đầu tư cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Công an các đơn vị, địa phương vào dịp 27 tháng 7 hàng năm, đã đến lúc, chúng ta cần quan tâm đến việc đầu tư xây dựng một số cụm Công trình văn hóa tâm linh – Nghĩa trang riêng của Lực lượng CAND - để tri ân các liệt sĩ của toàn lực lượng công an nhân dân, xứng tầm với truyền thống 70 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành; đồng thời, tạo thêm những địa điểm văn hóa tâm linh, các hoạt động ý nghĩa cho các cựu cán bộ công an giao lưu với thế hệ trẻ và quần chúng nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này