Loạn xe dù, bến cóc nội đô

06:11 | 25/07/2015
Xe dù, bến cóc không phải là hiếm gặp tại Hà Nội và gần đây lại đang gây nhức nhối trong dư luận. Sau nhiều lần bị các cơ quan chức năng xử lý, các nhà xe đã nghĩ ra nhiều chiêu trò mới để lách luật. Xe dù, bến cóc tự phát vẫn ngang nhiên tồn tại, công khai “cắm” sâu vào các tuyến đường phố của thủ đô.
Cán bộ ngành giao thông cũng thấy đi xe “dù” rất... thuận tiện!
Xe dù, bến cóc lộng hành giữaThủ đô

Nhiều chiêu trá hình

Theo tìm hiểu của PV, để tiện giao dịch, hầu hết các nhà xe đều mở văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại lý bán vé tại các quận trung tâm thành phố. Chính việc làm này đã dẫn đến tình trạng xe ô tô với sức chở lớn thường xuyên dừng, đỗ; đón, trả khách và lưu thông trên các tuyến đường nội đô nhỏ hẹp, gây ùn tắc và mất trật tự, an toàn giao thông trong khu vực. Đi dọc theo các tuyến đường Giải Phóng, Kim Đồng, Phạm Hùng, Trần Khát Chân, đê Yên Phụ... dễ dàng nhận thấy rất nhiều văn phòng đại diện của các nhà xe.

Tại những địa điểm này, các nhà xe công khai niêm yết số điện thoại liên hệ, luồng tuyến cố định, giờ xe chạy. Công khai dừng đỗ xe thu gom khách và hàng hóa, bất chấp các quy định về việc đón trả khách và an toàn giao thông. Đi đôi với đó, tình trạng ăn theo của các hàng quán trong khu vực, cảnh hàng khách “ăn chực, nằm chờ”, bát nháo hỗn loạn khi cánh cánh xe ôm – taxi trèo kéo khách gây ảnh hưởng đến người dân trong khu vực, phát sinh những tụ điểm gây mất trật tự, an ninh đô thị.

Loạn xe dù, bến cóc nội đô
Xe của Công ty Hưng Long dừng, đỗ, đón trả khách trên phố Trần Khát Chân (Hà Nội).

Theo tìm hiểu của PV, từ 19 giờ - 22 giờ hằng ngày, tại trước cửa nhà 89 -91 đường Kim Đồng kéo dài (Hà Nội) rất nhộn nhịp khách tới mua vé cũng như tập trung chờ xe đi các tỉnh miền Trung. Nhân viên bán vé tại đây cho biết, vé đi Vinh có giá 220.000 đồng/khách, đi Huế có giá 250.000 đồng/khách, mỗi người chỉ được gửi một thùng đồ. Nếu có từ 2 thùng đồ trở lên thì sẽ tính phí. Khi PV băn khoăn về nơi đợi xe, nhân viên bán vé cho hay, sẽ đón khách ngay đây và xe sẽ khởi hành lúc 19 giờ.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra dọc theo phố Trần Khát Chân và đê Yên Phụ. Trong quá trình thâm nhập thực tế, phóng viên báo LĐTĐ đã phát hiện quãng đường hơn 1km trên đường Trần Khát Chân từ lâu đã thành “bến đỗ” của 4 nhà xe liên tỉnh miền Trung. Cụ thể, vào khoảng 18 giờ hàng ngày, tại trước cửa nhà 338 của hãng xe Hưng Long, thường xuyên có xe “xuất bến” đi Quảng Bình, Vinh, Hà Tĩnh… Suốt buổi sáng và chiều tối, nơi đây hoạt động rầm rộ, tập kết hàng hóa. Phía trong “phòng vé” các nhân viên nhà xe vừa hướng dẫn khách hàng mua vé, vừa ghi chép sổ sách. Ở bên ngoài, một “êkíp” khác vừa tập kết hàng hóa vẫn nhịp nhàng đón khách lên xe. Theo lời một chủ quán nước, bình thường, xe khách giường nằm đến đón tận nơi, hành khách chỉ việc lên xe, không cần phải trung chuyển, thủ tục gì cả. Tuy nhiên nếu hôm nào công an đi kiểm tra thì nhà xe sẽ dùng xe 16 chỗ để chở đến điểm đỗ của xe lớn rồi mới di chuyển.

Muôn kiểu lách luật

Theo quy hoạch luồng tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh tại Hà Nội, các xe vận tải khách liên tỉnh phải đi theo đường vành đai để đưa, đón khách tại các bến và không được phép hoạt động trong khu vực nội thành. Điều này đã góp phần hạn chế sự hình thành số lượng xe dù, bến cóc trong nội đô. Thế nhưng, theo một số chuyên gia, các biện pháp quản lý hiện chưa chặt chẽ đã tạo ra những kẽ hở để lách luật.

Cụ thể, một đơn vị kinh doanh vận tải được phép đăng ký hoạt động với nhiều loại hình vận tải hoặc một phương tiện đưa vào hoạt động kinh doanh nhưng có nhiều loại phù hiệu như, vận chuyển khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, vận chuyển khách theo tuyến cố định và thực tế có doanh nghiệp hoạt động trên cả 3 loại hình vận tải khách. Từ việc tham gia đồng thời nhiều loại hình vận tải, các “xe dù” thường sử dụng hợp đồng vận chuyển khách đã được các doanh nghiệp ký khống trước khi vận chuyển, khi lực lượng chức năng kiểm tra xe, lái xe mới điền đầy đủ thông tin trong hợp đồng để hợp thức hóa việc vận chuyển khách trên hành trình. Việc làm này khiến cho việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Liên quan đến tình trạng này, mới đây, tại hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Bộ GTVT tổ chức, Thượng tá Nguyễn Thành Viên, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Hà Nam, đã chỉ đích danh tình trạng nêu trên ở đường Trần Khát Chân (Hà Nội), bởi cuối ngày rất nhiều xe khách trá hình đi các tỉnh miền Trung, khi các lực lượng chức năng kiểm tra thì các xe này đều đủ phù hiệu, nhưng thực chất lại giả xe hợp đồng. Để chấm dứt tình trạng này, cần tăng nặng mức phạt với loại xe giả xe hợp đồng. “Nếu không có chế tài xử phạt thì đây là một trong các nguyên nhân gây lộn xộn trong vận tải hành khách. Cần có quy định riêng về nội dung xe khách hợp đồng. Những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc rất bức xúc với những đối tượng này”, ông Viên nhấn mạnh.

Trong quá trình thâm nhập thực tế, phóng viên báo LĐTĐ đã phát hiện, quãng đường hơn 1km trên đường Trần Khát Trân từ lâu đã thành “bến đỗ” của 4 nhà xe liên tỉnh miền Trung. Cụ thể, vào khoảng 18 giờ hàng ngày, tại trước cửa nhà 338 của hãng xe Hưng Long, thường xuyên có xe “xuất bến” đi Quảng Bình, Vinh, Hà Tĩnh… Suốt buổi sáng và chiều tối, nơi đây hoạt động rầm rộ, tập kết hàng hóa. Phía trong “phòng vé”, các nhân viên nhà xe vừa hướng dẫn khách hàng mua vé, vừa ghi chép sổ sách. Ở bên ngoài, một “êkíp” khác vừa tập kết hàng hóa vẫn nhịp nhàng đón khách lên xe.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này