Phác họa về lao động làm công ăn lương tại Việt Nam

Cở sở để hoạch định chính sách

05:52 | 25/07/2015
Khoảng 46,6% trong tổng số lao động làm công ăn lương tại Việt Nam là những lao động ở độ tuổi từ 15-24 ; một nửa số họ có trình độ tốt nghiệp THCS hoặc thấp hơn;  số lao động di cư chiếm gần 38% trong tổng số lao động làm công ăn lương, với tỷ lệ  lao động nữ nhiều hơn nam; cứ 10 lao động làm công ăn lương thì có đến 7 người đã kết hôn và nữ giới tham gia công việc được trả lương có xu hướng góa bụa hoặc ly dị nhiều hơn nam giới...  Đó là những “phác họa” mới của ILO Việt Nam về lao động làm công ăn lương tại VN hiện nay.
Tăng lương tối thiểu năm 2016: Buồn vui lẫn lộn
Nhiều điểm mới về thuế thu nhập doanh nghiệp

1/2 lao động hưởng lương có trình độ thấp

Theo bản báo cáo tóm tắt mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phần lớn trong số 18, 2 triệu lao động làm công ăn lương của Việt Nam (chiếm 76,2%) có độ tuổi từ 25-54. Nhưng nếu so sánh với tổng số việc làm, nhóm những người tuổi từ 15-24 làm các công việc ăn lương phổ biến hơn các đối tượng khác (chiếm 46,6%).

Nhóm lao động này sẵn sàng rời quê hương, di cư nội địa để tìm kiếm công ăn việc làm. Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki nhận định: “ Đây chính là một trong những đặc điểm chủ đạo của thị trường lao động Việt Nam hiện tại". Một tỷ lệ lớn những người lao động trẻ (nhiều người trong số họ là thế hệ lao động làm công ăn lương đầu tiên) tìm được việc trong nền kinh tế chính thức, vốn đang dần mở rộng, đặc biệt trong những ngành xuất khẩu năng động như dệt may và điện tử. Đáng chú ý, lao động di cư trong nước chiếm xấp xỉ 38% lao động làm công ăn lương với tỷ lệ lao động nữ (48%) rời quê hương đi làm việc cao hơn nam giới (32%).

Cở sở để hoạch định chính sách
Nhiều lao động hưởng lương có trình độ học vấn tương đối thấp. Ảnh minh họa

Cũng theo bản báo cáo này, rất nhiều lao động hưởng lương có trình độ học vấn tương đối thấp. Một nửa số người lao động làm công băn lương có trình độ tốt nghiệp THCS hoặc thấp hơn. Chỉ có 1/5 số người lao động làm công ăn lương có trình độ ở mức đã tham gia hoặc hoàn thành bậc phổ thông, đào tạo nghề hoặc cao đẳng. Tỷ lệ nữ làm công ăn lương có trình độ ĐH chiếm 20,3%, cao hơn nam giới (15,7%)

Đặc biệt, cứ 10 lao động làm công ăn lương thì có 7 người đã kết hôn. Thực tế đó cho thấy, tầm quan trọng của các chính sách thân thiện với gia đình, bao gồm chế độ nghỉ thai sản và khả năng sắp xếp công việc linh hoạt, nhằm thu hút và duy trì nguồn nhân lực. Trong đó, nữ giới tham gia công việc được trả lương có xu hướng góa bụa hoặc ly dị nhiều hơn năm giới với tỷ lệ tương ứng lần lượt là 7,4% và 1,9%. Điều này cũng cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách về tình trạng dễ bị tổn thương ngày càng tăng ở lao động nữ, nhất là các bà mẹ đơn thân

Một điểm đáng chú ý khác là nhiều người lao động làm công ăn lương thế hệ đầu tiên, đặc biệt là lao động di cư, bắt đầu sự nghiệp tại khu vực sản xuất xuất khẩu, nhưng sau đó, họ rời khu vực này để tự kinh doanh quy mô nhỏ hoặc trở về làm việc, đóng góp cho công việc kinh doanh của hộ gia đình, hoặc chuyển sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có mối quan hệ lao động không chính thức (không có hợp đồng lao động). “Thực tế này của thị trường lao động cần được tính đến khi xây dựng các chính sách bảo trợ xã hội trong tương lai cũng như khi cải tổ hệ thống pháp luật lao động và quan hệ lao động", Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Căn cứ để xây dựng chính sách

ILO dự báo, số lượng lao động làm công ăn lương sẽ đạt mức 25 triệu người, hoặc 44% tổng số lao động vào năm 2025 so với con số 18,2 triệu người hay 35% tổng số việc làm theo điều tra lao động việc làm Việt Nam 2013. Lao động làm công ăn lương thường tập trung ở một số vùng địa lý, cụ thể là có 10 tỉnh có đối tượng lao động làm công ăn lương cao nhất (trên 400 nghìn lao động/địa phương) tập trung tới 46,4% tổng số lao động, tương đương với 8,4 triệu lao động (trong đó đứng đầu là TP HCM chiếm 13,4%, tiếp đến là Hà Nội chiếm 9,2%, Bình Dương chiếm 4,6%...). Đây cũng là những khu vực có mức gia tăng tiền lương.

Về kinh nghiệm làm việc, có tới trên 44% lao động làm công ăn lương đang làm việc ở nơi làm việc hiện tại từ 1-5 năm, còn số người có từ 5-10 năm kinh nghiệm chiếm 22,6% và số người có trên 10 năm công tác có 22,3%, chỉ có 10% lao động có dưới 1 năm công tác. Lao động làm công ăn lương tập trung nhiều nhất ở khu vực nhà nước, tiếp đến là các Cty tư nhân và lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Các DN FDI chỉ chiếm 9,2% tổng số việc làm được trả lương. Tuy nhiên, 65,4% lao động của các DN này lại là nữ giới. Ở các DN tư nhân, tỷ lệ nữ giới cũng chiếm hơn 23%, cao hơn nam giới (trên 21%). Còn khi phân theo ngành kinh tế, ngành sản xuất chế tạo chiếm số lượng lao động làm công ăn lương lớn nhất ở Việt Nam (29% hay 5,2 triệu lao động). Ngành xây dựng đứng thứ hai với 16%, kế tiếp là nông, lâm, thủy sản (10,7%).

Đáng chú ý, nhiều lao động hưởng lương có trình độ học vấn tương đối thấp. Một nửa trong số họ mới tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc thấp hơn. Trong khi đó, chỉ 18% số lao động làm công ăn lương đã bắt đầu học đại học và cao hơn. Tuy nhiên, trình độ học vấn không nhất thiết tỷ lệ thuận với trình độ kỹ năng, bởi kỹ năng có thể được đào tạo thêm trong quá trình làm việc. Khoảng 1/2 lao động làm công ăn lương làm các công việc yêu cầu trình độ kỹ năng trung bình, 1/4 lao động làm các công việc đòi hỏi kỹ năng cao và 21,7% là các công việc yêu cầu kỹ năng cơ bản. Còn ở phương diện giới, số lao động nữ làm các công việc đòi hỏi kỹ năng cao nhiều hơn so với nam giới (với tỉ lệ 1/3 ở nữ giới so với 1/5 ở nam giới). Tình trạng mất cân bằng giới tính đáng kể cũng tồn tại trong các ngành nghề khác nhau.

"Việc phác họa một bức chân dung toàn diện về người lao động làm công ăn lương mang ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam bởi điều đó sẽ giúp ích cho quá trình hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng, phục vụ tốt nhất cho lực lượng lao động, đáp ứng những nhu cầu hiện tại và tương lai của doanh nghiệp, hỗ trợ việc tái cơ cấu và phát triển toàn diện của đất nước cũng như giúp Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia đang phát triển khác đang sa lầy", Giám đốc ILO Việt Nam nhận xét.

Hữu Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này