6 “nỗi sợ” của ngành du lịch Việt Nam: Hy vọng sẽ được hóa giải

09:29 | 21/07/2015
Mặc dù chúng ta đã có nhiều chính sách kích cầu du lịch, thế nhưng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm sụt giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.  Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này vẫn xoay quanh câu chuyện về “6 nỗi sợ” của khách du lịch khi đến với Việt Nam. Trong đó nạn chặt chém, nài kéo khách, môi trường vệ sinh… vẫn là những tồn tại nổi cộm.
Du khách nước ngoài nói gì về du lịch Việt?
6 nỗi sợ của du lịch Việt: Trách nhiệm không thể chung chung

Nhiều tiềm năng vẫn mất khách

Việt Nam được Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) xếp đứng thứ 16 trong 184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Nhiều nơi được báo chí quốc tế bình chọn là những danh thắng không thể bỏ qua. Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa thể trở thành điểm đến thật sự hấp dẫn với du khách so với các nước ASEAN. 6 tháng đầu năm 2015, lượng khách nước ngoài tới Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính 3,8 triệu lượt người, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 9,1%; đường bộ giảm 19,7%; đường biển giảm 26,5%.

Qua điều tra năm 2013, 68,5% tổng số khách đánh giá Việt Nam có phong cảnh đẹp nhưng khi được hỏi về mức độ hài lòng khi đến nước ta, chỉ có 39% tổng số khách được phỏng vấn đánh giá tốt. Người đứng đầu ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam nằm trong nhóm 5 điểm đến hàng đầu Đông Nam Á nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và 3 nước đứng đầu là Malaysia, Thái Lan, Singapore khá xa. Thời gian tới, sức ép cạnh tranh với 3 nước trên cũng như các đối thủ mới nổi như Campuchia, Lào, Myanmar sẽ là thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam.

6 “nỗi sợ” của ngành du lịch Việt Nam: Hy vọng sẽ được hóa giải
Hạ Long mặc dù quá tải khách du lịch nhưng thợ ảnh vẫn “xông pha” chèo kéo khách

Lý giải nguyên nhân của việc khách du lịch e ngại khi quay trở lại Việt Nam lần thứ hai, thứ ba, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra 6 “nỗi sợ” của du khách khi đến Việt Nam. Đó là do nạn chặt chém, làm giá; giao thông không an toàn; ăn xin và ăn cắp vặt nhiều; mất an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường, từ vấn đề rác thải đến nhà vệ sinh không đảm bảo và cuối cùng là có những nơi, có người không thể hiện sự tôn trọng khách.

6 “nỗi sợ” này không phải mới mà đã tồn tại trong 55 năm hình thành và phát triển của ngành Du lịch Việt. Được biết, từ cuối năm 2013 đến nay, ngành du lịch đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện Nghị định 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ mới và Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tuy nhiên trên thực tế, chính sách này vẫn chưa thực thi hiệu quả, “căn bệnh mãn tính” của ngành du lịch nước nhà vẫn khó chữa trị mà tồn tại dai dẳng.

Nhiều di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận như Hạ Long, cố đô Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng,…hiện đang bị đe dọa vì sự khai thác triệt để của địa phương. Tình trạng chèo kéo, chặt chém du khách, nạn xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều điểm du lịch “mất điểm” trong mắt du khách. Hạ Long, vịnh đẹp hoang sơ là thế nhưng lại đang được sử dụng với mục đích đại trà. Chúng tôi đến với Hạ Long vào những ngày giữa tháng 7. Bãi tắm Hạ Long quá tải khách trong những ngày đỉnh điểm của mùa du lịch này, kéo theo đó là rác, nước thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường vịnh. Anh Thành – nhân viên lái tàu du lịch, cho biết, hiện Hạ Long có gần 500 tàu du lịch thường xuyên hoạt động chở khách thăm quan, trong số đó có cả tàu hoạt động tự do. Dù cơ quan quản lý đã mạnh tay xử lý với những “cò bắt khách” nhưng tình trạng này vẫn còn. Để cạnh tranh, nhiều chủ tàu còn đưa ra mức giá rẻ hơn so với mức giá quy định.

Tăng cường hóa giải 6 “nỗi sợ”

Mới đây, nghị quyết về việc miễn thị thực (visa) cho công dân 5 nước tây Âu gồm: Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, Cộng hòa Italy khi nhập cảnh Việt Nam được ban hành, được đánh giá là giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển ngành du lịch Việt Nam. Trong đó, có việc mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực, cấp visa điện tử, thuận lợi về quy trình, thủ tục cấp visa. Trước đó, Chính phủ cũng có nghị quyết nêu rõ miễn thị thực cho công dân Belarus. Ngày 2/7/2015, Thủ tướng Chính phủ cũng chính thức ký ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.

Chỉ thị 14/CT-TTg chỉ rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh, yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả bốn nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường quản lý giá cả; bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn, ứng xử văn minh; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường. Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, Chỉ thị cũng nêu rõ: “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên”. Điều này là hoàn toàn phù hợp với thực tế, bởi lẽ nếu chúng ta chỉ đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành mà không làm công tác truyền thông cho cộng đồng thì chúng ta chỉ đi được nửa “câu chuyện”. Chỉ khi nào người dân nhận thức được trách nhiệm, tự hào về điểm đến thì Việt Nam mới giải quyết được vấn đề môi trường du lịch.

Chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm kích cầu du lịch đã ban hành nhưng có thực thi được hay không rất cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương và cộng đồng. Hy vọng, Chỉ thị 14/CT-TTg sẽ được các địa phương, người dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn và thực hiện nghiêm chỉnh để khách du lịch khi đến với Việt Nam không còn ám ảnh với 6 “nỗi sợ” mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này