Cao điểm đấu tranh chống tội phạm buôn bán dược phẩm, mỹ phẩm giả

17:17 | 14/07/2015
Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm giả diễn ra phổ biến với nhiều hình thức tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.
Mỹ phẩm giả “lên đời” thành hàng cao cấp
Thu giữ gần 10.000 sản phẩm mỹ phẩm giả

Theo đánh giá của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm giả phổ biến nhất là các hành vi kinh doanh hàng đóng gói sẵn hoặc không đủ định lượng trên bao bì, ghi nhãn hàng hóa sai hoặc không đủ nội dụng bắt buộc theo quy định; sử dụng bao bì chính hãng nhưng bên trong là sản phẩm không đảm bảo chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng.

Đồng thời, một số đối tượng thành lập công ty, đăng ký tên DN trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để đánh lừa người tiêu dùng, quảng cáo là sản phẩm nhập khẩu, xách tay, bán hàng qua mạng, trên truyền hình…

Các đối tượng này chủ yếu thuê gia công sản phẩm tại cơ sở sản xuất, hoặc nhập mua nguyên liệu bán thành phẩm, sản phẩm chưa hoàn chỉnh, đặt in tem nhãn ở cơ sở khác hoặc đóng gói ở nước ngoài và chỉ thực hiện công đoạn sang chiết, dán nhãn và đóng gói thành phẩm; khi có đơn đặt hàng mới tổ chức gắn nhãn mác, chia nhỏ hàng hóa, đóng kèm với các loại hóa đơn, chứng từ hợp lệ để vận chuyển.

Tại một trong 2 địa bàn lớn nhất cả nước là Hà Nội, theo số liệu thống kê có trên 15.000 loại mỹ phẩm đã đăng ký lưu hành, số lượng mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ qua kiểm tra 134 cửa hàng cho thấy tỷ lệ vi phạm chiếm 47% (hàng không có hóa đơn, không nguồn gốc xứ). Đặc biệt, tại các chợ đêm, chợ sinh viên các sản phẩm làm đẹp của các thương hiệu nổi tiếng như Loreal, Lacome, Dior… giao động chỉ từ 30.000 đồng – 60.000 đồng/sản phẩm, thấp hơn so với hàng chính hãng từ 2-3 lần.

Cao điểm đấu tranh chống tội phạm buôn bán dược phẩm, mỹ phẩm giả
Lực lượng chức năng triệt phá đường dây buôn bán TPCN giả

Ý kiến của nhiều cơ quan chức năng cho rằng, để kiểm soát tốt hơn mỹ phẩm, dược phẩm giả thì việc quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường mới chỉ chiếm 20% còn 80% phụ thuộc vào khâu hậu kiểm sau khi cấp phép, về ý thức chấp hành pháp luật của DN.

Theo Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, cần có sự tham gia đồng bộ của các lực lượng chức năng, trước hết là khâu cấp phép để không biến thị trường mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng thành hàng chợ như hiện nay. Đồng thời, quá trình phát hiện và xử lý thông tin cần triệt để và công khai đến các cơ quan chức năng, người kinh doanh. Đặc biệt, sự chủ động trong công tác giám định phải đặt lên hàng đầu, có sự chỉ đạo chung của cơ quan chuyên môn là cơ sở cho các lực lượng chức năng thực thi.

Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 đã có công điện phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Theo đó, tại khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển, lực lượng bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan tăng cường công tác tuần tra kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm để kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong thị trường nội địa, trọng điểm là địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; lực lượng quản lý thị trường, công an cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên thị trường...

Lại Quang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này