Phát triển đoàn viên: Tăng số lượng gắn với nâng chất lượng

14:58 | 14/07/2015
Mặc dù các cấp CĐ Thủ đô đã rất nỗ lực, cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp, song đến nay, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Số lượng đoàn viên, CĐCS mới còn thấp so với chỉ tiêu được giao trong cả nhiệm kỳ, chất lượng hoạt động của CĐCS vẫn còn những tồn tại... Đó là thực trạng được nêu tại hội nghị về xây dựng CĐCS vững mạnh, phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp khu vực NNN mà LĐLĐ thành phố vừa tổ chức mới đây.
Tạo nguồn cán bộ chất lượng cho CĐCS
Thực hiện thí điểm mô hình thành lập CĐCS
Đẩy mạnh vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS

Khoảng cách còn quá lớn

Ông Phạm Bá Vĩnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ thành phố, cho biết, xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức CĐ, trong những năm qua, các cấp CĐ Thủ đô đã tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ban ngành, đoàn thể cùng cấp, tập trung bố trí mọi nguồn lực để thực hiện công tác này, đảm bảo tăng về số lượng, từng bước đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ trong tình hình mới.

Với sự nỗ lực, hàng năm, LĐLĐ thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Cụ thể, năm 2013, toàn thành phố thành lập mới 411 CĐCS, đạt 102,75% kế hoạch, kết nạp mới 45.264 đoàn viên, đạt 107,77% kế hoạch. (Năm 2014 thành lập mới 476 CĐCS đạt 119% kế hoạch; kết nạp mới 45.214 đoàn viên, đạt 107,65%). Riêng 6 tháng đầu năm 2015, toàn thành phố thành lập mới 269 CĐCS đạt 67,25%, kết nạp mới 17.472 đoàn viên đạt 41,5% kế hoạch.

Phát triển đoàn viên: Tăng số lượng gắn với nâng chất lượng
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Ngô Văn Tuyến phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, ông Phạm Bá Vĩnh cũng cho biết, theo báo cáo định kỳ hàng năm, số liệu CĐCS và đoàn viên CĐ thực tăng thêm mới, toàn thành phố kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 876 CĐCS và 45.097 đoàn viên. Con số này so với chỉ tiêu mà LĐLĐ thành phố được giao trong nhiệm kỳ (phát triển 2000 CĐCS, kết nạp 128.000 đoàn viên) còn quá thấp. Qua công tác khảo sát, nắm nguồn doanh nghiệp và lao động chưa tham gia tổ chức CĐ cho thấy, năm 2014, toàn thành phố có 13.741 doanh nghiệp khu vực NNN với 158.678 lao động chưa tham gia tổ chức CĐ (trong đó thực chất có 8454 doanh nghiệp với 143.653 lao động đang hoạt động, số còn lại thuộc diện tạm ngừng hoạt động, chuyển đi không rõ địa chỉ hoặc giải thể). “So sánh số liệu khảo sát thống kê DN, lao động chưa có tổ chức CĐ nêu trên với số lượng CĐCS, đoàn viên khu vực NNN, cùng với CĐCS và đoàn viên do LĐLĐ thành phố đang trực tiếp quản lý hiện nay, có thể nhận thấy khoảng cách giữa doanh nghiệp đã có và chưa có tổ chức CĐ còn khá lớn”, ông Phạm Bá Vĩnh nhận định.

Nhiều khó khăn

Việc con số tăng thực so với chỉ tiêu được giao còn quá thấp, hay khoảng cách quá xa giữa số lượng đoàn viên, CĐCS đã được kết nạp, phát triển so với số lượng các doanh nghiệp, NLĐ chưa tham gia tổ chức CĐ cho thấy còn rất nhiều khó khăn trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Nói về những khó khăn này, ông Hà Đông, Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy, cho biết: Việc chấp hành pháp luật của NSDLĐ và NLĐ ở doanh nghiệp nói chung còn nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp và NLĐ còn chưa “mặn mà” với việc gia nhập và thành lập CĐCS. Đồng tình với ý kiến này, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội cũng cho rằng, rào cản lớn nhất đối với công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS chính là nhận thức còn hạn chế của chủ doanh nghiệp và của chính NLĐ. “Một số chủ doanh nghiệp không muốn thành lập tổ chức CĐ trong doanh nghiệp vì họ cho rằng nếu thành lập tổ chức CĐ trong doanh nghiệp thì NLĐ sẽ luôn đòi hỏi về quyền lợi. Về phía NLĐ, nhiều người cũng không muốn vào tổ chức CĐ, vì họ không xác định làm việc lâu dài tại doanh nghiệp và vào CĐ lại mất một khoản phí CĐ”, ông Toản nói.

Những khó khăn khác ảnh hưởng tới công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo ý kiến của các cán bộ CĐ là: Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động kéo theo nhiều CNLĐ bị mất, thiếu việc làm khiến công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gặp khó; đội ngũ cán bộ CĐ cấp trên cơ sở còn mỏng, trong khi yêu cầu công việc ngày càng nhiều; công tác điều tra, khảo sát, phân loại doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ theo quy định của pháp luật và của Tổng LĐLĐ Việt Nam (tập trung vận động ở các doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên) ở một số đơn vị chưa được tiến hành cập nhật thường xuyên, đầy đủ nên công tác tham mưu chỉ đạo và thực hiện còn gặp khó khăn; Nhà nước chưa có chế tài đủ mạnh đối với những doanh nghiệp không chấp hành pháp luật về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS...

Phó chủ tịch Ngô Văn Tuyến yêu cầu các cấp CĐ Thủ đô cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục cho các cán bộ CĐ, nhất là cán bộ làm công tác phát triển đoàn viên. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên tại các DN có đông LĐ, thành lập CĐCS; kiện toàn, thúc đẩy hoạt động ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở cấp mình, phối hợp tốt với các ngành, chính quyền địa phương nắm chắc số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, phân loại DN có đủ điều kiện để tuyên truyền vận động thành lập CĐCS.

Nhiệm vụ sống còn

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Ngô Văn Tuyến khẳng định, dù khó khăn đến mấy các cấp CĐ Thủ đô cũng phải vượt qua bởi phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là nhiệm vụ sống còn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này trong thời gian tới, Phó chủ tịch Ngô Văn Tuyến yêu cầu các cấp CĐ Thủ đô cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục cho các cán bộ CĐ, nhất là cán bộ làm công tác phát triển đoàn viên. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên tại các DN có đông LĐ, thành lập CĐCS; kiện toàn, thúc đẩy hoạt động ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở cấp mình phối hợp tốt với các ngành, chính quyền địa phương nắm chắc số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, phân loại DN có đủ điều kiện để tuyên truyền vận động thành lập CĐCS.

“Song song với tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, các CĐ cấp trên cơ sở phải sâu sát cơ sở, hướng dẫn CĐ cơ sở về kỹ năng, nội dung hoạt động để nâng cao chất lượng CĐCS, từ đó mới có sức hút đối với NLĐ, cũng như thuyết phục chủ DN tạo điều kiện cho hoạt động của tổ chức CĐ”, Phó chủ tịch Ngô Văn Tuyến nhấn mạnh.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này