Hội nhập kinh tế quốc tế: Đối tượng lao động nào chịu ảnh hưởng sớm nhất?

14:59 | 14/07/2015
Khi chính thức hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò quyết định sự thành hay bại của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, nhóm đối tượng lao động nào sẽ bị ảnh hưởng và chịu tác động sớm nhất  khi Việt Nam chính thức hội nhập vào hai sân chơi kinh tế lớn của khu vực?
Làm thêm giờ trong bối cảnh hội nhập: Tăng hay giảm là tốt?
“Cởi phí” đã đủ vực dậy ngành chăn nuôi?
Nhân lực ngành du lịch: Đã sẵn sàng cho hội nhập khu vực?

Sẽ hết thời lao động giá rẻ

Trong bản dự báo tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam vừa công bố mới đây, Ngân hàng HSBC cho rằng, lợi thế là quốc gia có nguồn lao động chi phí rẻ, dồi dào của Việt Nam sẽ chỉ còn duy trì trong một thời gian ngắn. HSBC cũng cảnh báo, trong tương lai khi lợi thế cạnh tranh về nguồn cung lao động giá rẻ biến mất, Việt Nam cần tính phương án dài hơi để phát triển. Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi các ngành nghề càng ngày càng tự động hóa cao, thay đổi liên tục về công nghệ, ưu điểm lao động giá rẻ sẽ trở lên lỗi thời. Vì thế, thời gian tới, nếu chúng ta vẫn giới thiệu về nguồn lao động Việt Nam với những đặc điểm của hàng chục năm trước như đông đảo, giá rẻ, siêng năng… thì e rằng không còn phù hợp.

Còn theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cuộc hội nhập kinh tế mang tên AEC vào cuối năm 2015 sẽ tạo điều kiện cho lao động trong 8 ngành nghề (kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, du lịch, điều tra viên) trong khối ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương. Trong tương lai gần, danh sách trên chắc chắn sẽ dài ra khi chúng ta đang chủ động tiến vào “sân chơi” lớn hơn nữa là TPP. Khi đó, nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định sự thành hay bại của doanh nghiệp Việt. Hiện lao động Việt Nam được đánh giá là khá khéo léo, chăm chỉ, cần cù nhưng lại yếu về ngoại ngữ, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp cũng như kỹ năng làm việc theo nhóm.

Hội nhập kinh tế quốc tế: Đối tượng lao động nào chịu ảnh hưởng sớm nhất?
Lao động VN còn yếu về kỹ năng và ngoại ngữ.

Đứng ở góc độ người sử dụng lao động, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Vina, cho biết, hiện nay các công ty đa quốc gia lẫn công ty trong nước gặp nhiều hạn chế trong việc tuyển dụng lao động nước ngoài bởi phải đáp ứng được hàng loạt thủ tục, tiêu chí “đầu vào” của Bộ luật Lao động VN. Vì vậy, khi những giới hạn này được dỡ bỏ, hệ thống pháp lý rõ ràng thì lao động Việt sẽ gặp thách thức lớn trong việc cạnh tranh với lao động nước ngoài ngay trên “sân nhà”. Đồng quan điểm, luật sư Hữu Phước, Chủ tịch Công ty luật Phước & Cộng sự , nhận định: “Khi gia nhập AEC, Nhà nước sẽ phải thực hiện những điều chỉnh đối với pháp luật lao động, theo đó, giảm bớt và dần dần bỏ những quy định pháp luật đang bảo hộ cho lao động trong nước. Điều này sẽ dẫn đến việc lao động VN nếu không đáp ứng được các yêu cầu về nghề nghiệp, bằng cấp, kinh nghiệm... sẽ rơi vào tình trạng mất việc ngay trên “sân nhà” khi các nhà tuyển dụng VN có nhiều lựa chọn hơn đối với lao động đến từ khối ASEAN”.

Vẫn còn nhiều trở ngại đối với lao động Việt Nam

Theo ông Trần Ngọc Anh (Chủ tịch CLB Giám đốc Sales & Marketing VN), không thể phủ nhận những điểm mạnh của đối tượng lao động bậc trung và phổ thông của VN là năng động, thông minh, thích nghi nhanh... Tuy nhiên, kỹ năng làm việc hiệu quả, tính chuyên nghiệp, khả năng tuân thủ nội quy và nhất là ngoại ngữ là những điểm yếu trong bối cảnh thị trường lao động đang hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, đối tượng lao động phổ thông trong nước sẽ là nhóm chịu rủi ro phổ biến nhất bởi: “Năng suất lao động thấp, thiếu tay nghề kỹ thuật, kỹ năng ngoại ngữ yếu... sẽ là những trở ngại chính ở họ khi tham gia AEC. Trong khi đó, sự cạnh tranh lao động ở phân khúc trung và cao cấp cũng sẽ diễn ra nhưng không mạnh mẽ bằng ở nhóm lao động phổ thông. Lý do chính do liên quan đến lương bổng và phúc lợi”. Bà Vân Anh cho hay, mức lương trung bình dành cho phân khúc thị trường lao động cấp trung, cấp cao Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Do vậy để thu hút được hai nhóm đối tượng lao động nước ngoài đầu quân về, các doanh nghiệp trong nước phải “chịu chi” nhiều hơn mức thường. Ngược lại, sẽ có một số nhân sự cấp cao và cấp trung của VN bước ra khu vực bởi họ hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu từ doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng chung nhận định trên, luật sư Nguyễn Hữu Phước cho biết thêm: “Họ chưa được trang bị đầy đủ, một số thậm chí không quan tâm các kiến thức pháp luật về lao động, đặc biệt quyền và nghĩa vụ của người lao động... điều đó làm cho lao động Việt, nói chung, thường không có tính kỷ luật cao cũng như tuân thủ các cam kết, ràng buộc phát sinh từ hợp đồng lao động. Trong khi đó, hầu hết quốc gia trong khu vực ASEAN có bước chuẩn bị cho lao động nước họ về các mặt trên từ rất sớm”.

Theo ông Trần Ngọc Anh (Chủ tịch CLB Giám đốc Sales & Marketing VN), không thể phủ nhận những điểm mạnh của đối tượng lao động bậc trung và phổ thông của VN là năng động, thông minh, thích nghi nhanh... Tuy nhiên, kỹ năng làm việc hiệu quả, tính chuyên nghiệp, khả năng tuân thủ nội quy và nhất là ngoại ngữ là những điểm yếu trong bối cảnh thị trường lao động đang hội nhập sâu rộng như hiện nay. Còn theo ông Nguyễn Văn Đạo, sự lo lắng, cẩn trọng trước AEC của lao động Việt là cần thiết dù Việt Nam vẫn đều đặn “xuất khẩu” kỹ sư trong nước qua các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng đa phần vẫn là các dạng xuất khẩu lao động hay thực tập sinh đi làm công cấp thấp. “Chưa có nhiều người trẻ Việt quen với những “thông lệ quốc tế” (tác phong công nghiệp, chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp trong môi trường quốc tế...). Lao động nước ngoài làm việc thường hết mình, không “tranh thủ” này nọ và luôn thẳng thắn, trung thực... nên họ sẽ được ưu tiên tuyển vào các công ty, tập đoàn lớn. Đây cũng là lý do ở mức quản lý cấp cao và cấp trung thì người nước ngoài thường được chọn nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhiều công ty nước ngoài, để hiểu rõ về thị trường, người dân bản địa... sẽ vẫn phải cần lao động trong nước. Đồng thời, một số doanh nghiệp trong nước cần khoảng thời gian chuyển đổi đủ dài để thích nghi với môi trường kinh doanh khu vực và quốc tế. Vì thế, hy vọng điều đó sẽ tạo cơ hội cho lao động trong nước, đặc biệt là lao động trẻ, kịp điều chỉnh những điểm yếu và phát huy thế mạng để bắt kịp “guồng xoay” mới của AEC và TPP trong quá trình tìm việc làm.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này