Chỉ tiêu 75% dân số tham gia BHYT liệu có cán đích?

BHYT chỉ là ... mơ ước của người nghèo!

12:00 | 03/07/2015
Chỉ tiêu 75% dân số tham gia BHYT là mức tối thiểu các địa phương phải đạt được là mục tiêu Chính phủ đề ra quyết tâm thực hiện được trong năm 2015. Phấn đấu tới năm 2020, đưa tỉ lệ dân số tham gia BHYT đạt 80%. Mặc dù, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho mọi đối tượng người dân được tham gia BHYT và rất nhiều người dân cũng mong muốn có được tấm thẻ “bảo hiểm sức khỏe”. Song trên thực tế, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cùng thừa nhận, hiện có “nhiều vấn đề” trong triển khai khiến chưa đạt tỷ lệ tham gia BHYT ở một số nhóm đối tượng.
Người lao động di cư khó tiếp cận bảo hiểm tự nguyện
Người tham gia BHYT theo hộ gia đình được đơn giản hóa thủ tục
Để Luật BHYT mới đi vào cuộc sống: Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương
Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu 75% dân số có BHYT trong năm 2015, 6 tháng cuối năm phải phát triển thêm khoảng 3,2 triệu người (tương đương 3,6% dân số cả nước) tham gia BHYT. Trong khi đó, hầu hết số này là những người có thu nhập không ổn định hoặc phụ thuộc về tài chính. Do vậy, nhóm đối tượng này sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia BHYT nếu không có cơ chế hỗ trợ thích hợp và hiệu quả.

Lao động di cư “mù mờ” về chính sách BHYT

“Mỗi năm tôi thường phải đi viện khám, chữa bệnh từ 2-3 lần và mỗi lần mất từ 2- 3 triệu đồng tiền thuốc. Do đó, tôi rất muốn được tham gia BHYT song không biết làm cách nào. Bởi với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/ tháng từ công việc buôn bán đồng nát thì việc bỏ ra vài trăm nghìn đồng mua bảo hiểm không phải là quá khó đối với chúng tôi” - Đó là những lời tâm sự của chị Đỗ Thị Hiền (quê ở Xuân Trường – Nam Định) - một lao động di cư tự do đã có 10 năm làm ăn, sinh sống tạm trú tại phường Bạch Đằng – Hoàn Kiếm - HN.

Chị Hiền cho hay, thực sự tôi rất muốn tham gia BHYT nhưng không biết đóng ở đâu, gặp cơ quan nào ở thành phố? Nếu đóng ở quê, mỗi lần ốm lại phải về quê khám ở bệnh viện huyện thì không tiện bởi đang sống và làm ăn ở Hà Nội, chưa kể khi bệnh quá nặng, muốn chuyển lên bệnh viện ở Hà Nội để chữa trị lại phải lo thủ tục rắc rối…?

Một kết quả khảo sát của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng (Light) thực hiện tại hai phường Chương Dương và Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) trong thời gian từ tháng 11-2014 đến tháng 2/2015 cho thấy, có tới 91,45% người lao động di cư (bán hàng rong) cho biết, họ chưa từng biết đến Luật BHXH và 93,3% chưa từng biết đến Luật BHYT.

BHYT chỉ là ... mơ ước của người nghèo!
Dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT cần được cải thiện để thu hút người dân

Trong khi đó đây đều là những quy định pháp luật cơ bản nhất liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ lao động và ASXH trợ giúp người lao động. Theo bác sỹ Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Light: “Đây thực sự là hạn chế trong thực trạng tiếp cận thông tin (một trong 5 dịch vụ xã hội cơ bản) của người lao động di cư và cũng là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến nhu cầu, mức độ tiếp cận ASXH nói chung của lao động di cư”.

Chính vì thế, kết quả khảo sát số lượng lao động di cư có thẻ BHYT có tỷ lệ thấp. 13.1% số người được hỏi trả lời có thẻ BHYT dành cho hộ nghèo; 1.9% có thẻ BHYT dành cho gia đình chính sách, 17% lao động di cư có thẻ BHYT tự nguyện. Đối với người lao động di cư, BHYT có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này cho thấy, người lao động di cư chưa có thẻ BHYT sẽ phải đối mặt với những nguy cơ ảnh hưởng tới tài chính và sức khỏe, khả năng lao động khi gặp tai nạn, rủi ro.

Các nhóm đối tượng tham gia BHYT chưa đạt tỷ lệ

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến 31/5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4 % so với cùng kỳ năm 2014, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2014, số đối tượng tham gia BHYT lại giảm 1,4 triệu người, chủ yếu ở 2 nhóm: Nhóm ngân sách nhà nước đóng BHYT (người nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội…) và nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT (người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên…).

Bên cạnh đó, tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia BHYT chưa cao của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và của một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT. Theo thống kê, hiện có tới trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đóng BHYT cho người lao động; một số tỉnh trên 20% học sinh – sinh viên, trong đó chủ yếu là sinh viên từ năm học thứ 2 của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa tham gia BHYT…

Nguyên nhân của tình trạng chưa đạt tỷ lệ tham gia BHYT ở các nhóm đối tượng, theo Bộ Y tế là do thủ tục tham gia BHYT theo hộ gia đình chưa được cải cách triệt để. Người dân thiếu thông tin do hệ thống đại lý bán thẻ BHYT không ổn định, có nơi cán bộ đại lý vừa tập huấn, ký hợp đồng bán thẻ BHYT xong thì tháng sau đã xin thôi việc. Đối với nhóm người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, năm 2015, một số xã, huyện được đưa ra khỏi danh sách vùng kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc nên đối tượng này giảm do không được ngân sách nhà nước mua BHYT.

Còn đối với nhóm người thuộc hộ gia đình cận nghèo thì theo lộ trình xóa đói, giảm nghèo hằng năm các tỉnh phấn đấu giảm 2% người thuộc hộ cận nghèo, do đó số người không thuộc hộ cận nghèo không được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng sẽ không tham gia BHYT. Nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng còn lại cho hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT. Đặc biệt, nhóm người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình thì đa số các tỉnh, thành phố chưa xác định và lập danh sách đối tượng này theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Do đó, cơ quan BHXH chưa có căn cứ bán thẻ BHYT cho các đối tượng này. Ngoài ra, quy định hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho đối tượng này khi tham gia theo hộ gia đình nhưng không giảm trừ mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi cũng là khó khăn đối với đối tượng này. Riêng đối với lực lượng quân đội, công an, đến nay chưa có hướng dẫn tham gia BHYT. Ngoài ra, chất lượng khám, chữa bệnh BHYT chưa hấp dẫn, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế nhất là y tế cơ sở. Người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, trong chuyển tuyến khám chữa bệnh, trong thanh toán BHYT.

Tại Hội nghị trực tuyến về thực hiện chính sách BHYT trong 6 tháng đầu năm do Bảo hiểm xã hội VN và Bộ Y tế tổ chức ngày 1/7/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: Chỉ tiêu 75% dân số tham gia BHYT là mức tối thiểu các địa phương phải đạt được. Bởi đây không chỉ là tiêu chí thi đua bình thường mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì thế, ngành Y tế và BHXH cần có các giải pháp cụ thể, tập trung phát triển vào từng nhóm đối tượng: hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông dân, diêm dân, hộ gia đình có mức sống trung bình…

“Chúng ta cũng đều biết, không thể làm được việc đó nếu không có hệ thống BHYT toàn dân đủ mạnh về tài chính.Chỉ khi Quỹ BHXH phát triển tốt, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh mới lên được” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh.

Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, một số tỉnh từ năm 2014 trở về trước có tỷ lệ bao phủ BHYT rất cao do có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT nhưng đến năm 2015 bị sụt giảm mạnh số người có thẻ BHYT như: Bắc Kạn giảm 8%, Hậu Giang giảm 6 %, Lạng Sơn, Tuyên Quang giảm 5% số người tham gia BHYT so với năm 2014.

Hữu Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này