Quản lý phế thải xây dựng: Cần xử lý từ gốc

09:41 | 26/06/2015
Sau một thời gian thực hiện nghiêm, tình trạng đổ trộm chất thải vật liệu xây dựng diễn ra ngày một tăng, với những thủ đoạn tinh vi, táo bạo hơn rất nhiều.
Giải bài toán rác thải cho Hà Nội
“Núi rác” án ngữ cửa ngõ Thủ đô
Cảnh báo tình trạng đổ trộm phế thải
Dân bức xúc vì rác thải

Tiện là đổ

Nạn đổ trộm phế thải xây dựng gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị… từ lâu đã bị lên án mạnh mẽ. Sau sự vào cuộc mạnh mẽ, ráo riết của các ngành thì đến nay, chỉ cần chính quyền địa phương ở đó lơ là một thời gian là vật liệu phế thải lại được đổ trộm như cũ. Điển hình là các khu vực tại các tuyến đường đê trên địa bàn quận Long Biên, đoạn đường ven sông Tô Lịch phường Đại Kim (Hoàng Mai), đường Nguyễn Chánh (Cầu Giấy), đường Bưởi và rải rác tại một vài địa điểm trên địa bàn quận Hà Đông, Đông Anh, Thanh Trì, các tuyến đường vành đai 3… Những điểm đen về tình trạng đổ “trộm” phế thải sai quy định luôn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mỹ quan đô thị.

Quản lý phế thải xây dựng: Cần xử lý từ gốc
Phế thải xây dựng được chất đống như núi trên địa bàn phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo phản ánh của những người dân sinh sống trong khu vực thì gần như ngày nào, các tuyến phố này cũng bị đổ trộm phế thải vật liệu xây dựng. Thường là vào buổi đêm, tranh thủ lúc vắng người, xe chở phế thải xây dựng lại đến đây đổ lén. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Long (Đặng Xuân Bảng, Đại Kim, Hà Nội) không giấu nổi bức xúc.

Theo ông Long, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng trên địa bàn phường không phải là mới, trước đó tại khu vực giáp ranh giữa phường Đại Kim và xã Tân Triều, có nhiều khu vực trống, lại không có đèn chiếu sáng nên thường bị lợi dụng để đổ trộm VLXD. Hiện, những phế thải XD đổ trộm đã thành đống to, cao nên không dễ đổ nữa.

Vì vậy, các đối tượng này chuyển địa điểm sang cuối đường Đặng Xuân Bảng, đoạn qua cầu Khỉ, cầu Dậu. Khu vực này hiện cũng đã được phủ kín mít phế thải xây dựng. “Thành phố kè sông làm dự án thoát nước dân chúng tôi mừng lắm, vì bây giờ đi qua đó đỡ hôi thối và cũng an toàn hơn, nhưng giờ người ta đổ đầy phế thải xây dựng ra đó, vừa bẩn thịu vừa bụi bặm mù mịt ” ông Long cho biết.

Hà Nội hiện như một đại công trường với hàng nghìn công trình xây dựng lớn nhỏ, trong đó có hàng trăm dự án khu đô thị mới... kéo theo đó là các doanh nghiệp kinh doanh VLXD, vận chuyển phế liệu, phế thải xây dựng. Nhưng nếu hỏi chủ đầu tư phế thải đổ ở đâu, thì chắc có lẽ chỉ lái xe chở phế liệu mới biết! Ai có thể đảm bảo rằng, những xe đổ phế liệu ấy không “tận dụng” lòng đường, vỉa hè nơi vắng người làm điểm “tập kết” miễn phí.

Hà Nội hiện như một đại công trường với hàng nghìn công trình xây dựng lớn nhỏ, trong đó có hàng trăm dự án khu đô thị mới... kéo theo đó là các doanh nghiệp kinh doanh VLXD, vận chuyển phế liệu, phế thải xây dựng.

Khó bắt quả tang

Có theo chân đội kiểm tra liên ngành mới biết, cái sự vụ đi kiểm tra “bắt lỗi” cũng nhiều tréo nghoe. Bởi lẽ, bao giờ cũng vậy, trước khi dựng ben lên để trút đất, lái xe bao giờ cũng điều khiển cho xe bò thật chậm, ép sát lề đường. Sau đó giả vờ thò đầu qua cửa kính, tắt máy, ngó trước, ngó sau như thể xe có vấn đề trục trặc, nhưng thực chất là để quan sát. Không thấy động tĩnh gì, lập tức dựng ben đổ đất. Chính vì vậy, dù có phát hiện đối tượng thì vẫn không thể chủ quan, chỉ trừ khi “bắt tận tay, day tận mặt” thì mới đủ khiến những đối tượng này “tâm phục khẩu phục”.

Được biết, mới đây lực lượng chức năng liên ngành CAQ Ba Đình vừa xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe một tháng với tài xế Bùi Văn Dương vì hành vi đổ phế thải trái quy định trên lòng đường. Tại CQĐT, tài xế này khai nhận, nếu lái theo lộ trình được phân công, anh ta phải vận chuyển phế thải từ phố Xã Đàn về khu đô thị Bảo Sơn, cách khoảng 20 km để đổ. Tuy nhiên, vì ham lợi, nên mới chỉ đi được vài cây số, tài xế này đã tự ý “xả” xuống một trong những con phố đẹp nhất ở Hà Nội.

Được biết, việc xử phạt tội đổ trộm VLXD không phải là trách nhiệm của một ngành, theo ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội, hiện việc quản lý, xử phạt nạn đổ trộm phế thải xây dựng thuộc rất nhiều ngành, bao gồm Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Thanh tra xây dựng, trong đó, chịu trách nhiệm chung là Sở Xây dựng Hà Nội. Về cơ bản khi xe vận chuyển trên đường, nếu vi phạm về che đậy, mui bạt… thì Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông… sẽ xử lý; còn khi bắt quả tang đối tượng đổ trộm để xử phạt thì Cảnh sát môi trường, Thanh tra Xây dựng xử lý… trong khi đó, nhu cầu xây dựng trên địa bàn TP là rất lớn, để giám sát toàn bộ các công trường xây dựng xem họ đổ phế thải đi đâu để bắt quả tang là rất khó.

Rõ ràng, muốn giải quyết tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng, cần phải xử lý nghiêm từ “gốc”. Bên cạnh sự phối hợp của các ngành chức năng, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Khi cấp giấy phép xây dựng phải có sự rằng buộc, cam kết yêu cầu nhà thầu đổ phế thải đúng nơi quy định và có điều khoản xử phạt nếu không thực hiện. Thế nhưng đến nay, các quận, huyện vẫn chưa đáp ứng được.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này