Đâu là điểm nghẽn của đào tạo nghề?

10:14 | 25/06/2015
Trước nhu cầu lao động đã qua đào tạo nghề ngày càng cao, hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề hiện nay đang có sự đầu tư mạnh cả về cơ sơ vật chất lẫn cải tiến chương trình nhằm từng bước đáp ứng thị hiếu của người học. Song số người theo học nghề hàng năm ngày càng giảm, khiến nhiều trường nghề phải hoạt động cầm chừng. Vậy đâu là điểm nghẽn của đào tạo nghề hiện nay?
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Còn nhiều bất cập
Đào tạo nghề nông thôn phải chi tiết, cụ thể

Bậc nào cũng tuyển, hệ nào cũng ôm!

Theo phản ánh của lãnh đạo các trường nghề, một trong những lý do chính khiến công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường nghề rất chật vật là do phải cạnh tranh một mất một còn để giành giật với các trường ĐH. Lượng học sinh nhiều năm nay ổn định, trong khi số lượng trường ngày càng nhiều. Miếng bánh thị phần không lớn thêm nên ai mạnh sẽ tồn tại. Và trong cuộc cạnh tranh này, mấy năm gần đây các trường ĐH luôn giành lợi thế khi nhiều trường ĐH không chỉ tuyển sinh từ bậc ĐH, CĐ cho đến trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) mà còn ôm luôn cả mảng nghề.

Đơn cử như thông tin tuyển sinh năm 2015 của Trường ĐH Thái Bình, ngoài bậc ĐH với 1.550 chỉ tiêu, trường này cũng tuyển 800 chỉ tiêu bậc CĐ, 500 chỉ tiêu TCCN. Ngoài giáo dục chuyên nghiệp, trường này còn tuyển đến 1.000 chỉ tiêu CĐ và trung cấp nghề. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành bên cạnh bậc ĐH, CĐ, TCCN cũng tuyển đến 23 ngành CĐ nghề.

Đâu là điểm nghẽn của đào tạo nghề?
Số người theo học nghề ngày càng giảm

Không riêng gì các trường ngoài công lập, các trường công lập ở các địa phương hay khối bộ ngành cũng đều tuyển sinh từ trung cấp đến ĐH, mặc dù ngay tại địa phương đó cũng có các trường trung cấp nghề như Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển sinh từ bậc ĐH, CĐ, TCCN đến CĐ nghề với chỉ tiêu lớn. Nguyên nhân là do rất nhiều trường ĐH (trong số gần 250 trường ĐH hiện nay) được nâng cấp trên cơ sở từ một trường CĐ (thậm chí là trung cấp) và từ CĐ lại nâng tiếp lên ĐH.

Thời gian qua khối trường TCCN, trường nghề nhiều lần lên tiếng phàn nàn việc các trường ĐH tuyển sinh TCCN và đòi trả bậc này về đúng vị trí của nó. Những tiếng kêu thống thiết này phần nào có kết quả khi năm 2012 Bộ GD-ĐT ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó nêu rõ: “Các học viện, trường ĐH không đào tạo trình độ TCCN, trừ các trường thuộc nhóm ngành văn hóa nghệ thuật. ..

Các ĐH, học viện không thuộc diện được đào tạo trình độ TCCN quy định nêu trên đang đào tạo trình độ TCCN phải xây dựng lộ trình giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ TCCN (mỗi năm giảm không thấp hơn 20%) để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017”. Thế nhưng, thực tế không phải trường nào cũng nghiêm túc chấp hành. Thông tin tuyển sinh TCCN được đăng tải trên trang web của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu TCCN của các trường ĐH trong hai năm 2014 và 2015 cho thấy vẫn có không ít trường vẫn giữ chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí tăng chỉ tiêu TCCN năm 2015 so với năm trước

Trường nghề chưa lấy người học làm trung tâm

Thí điểm đào tạo cao đẳng nghề theo mô hình 9+4

Tổng cục Dạy nghề vừa có văn bản đồng ý cho Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM) thí điểm tuyển sinh đào tạo cao đẳng nghề theo mô hình 9+4 (tốt nghiệp THCS, sau bốn năm học nghề sẽ có bằng cao đẳng nghề).

Đây là trường đầu tiên trên toàn quốc được thí điểm đào tạo mô hình này. Theo đó, các học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học các nghề này sau ba năm (mô hình 9+3) sẽ được cấp bằng trung cấp nghề, sau đó tiếp tục học chuyển tiếp (1 năm) lên trình độ cao đẳng nghề (mô hình 9+4).

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH), hiện nước ta có 170 trường cao đẳng nghề, 342 trường trung cấp nghề và 870 trung tâm dạy nghề. Hệ thống trường nghề phát triển rộng trong cả nước, tuy nhiên chất lượng đào tạo chưa tương xứng.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) thừa nhận: Điểm nghẽn của hệ thống trường nghề của nước ta hiện nay là chất lượng đào tạo. Hiện mới có 30 trường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 1901:2008, nhiều trường đã xây dựng xong nhưng không áp dụng. Trong quản lý, ban giám hiệu nhiều trường còn nặng tư duy bao cấp, không sáng tạo. Vì vậy, chất lượng đào tạo thấp, học sinh ra trường không tìm được việc làm do không đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng lao động.

Kết quả khảo sát tại 9 trường nghề Việt Nam do Hội đồng Anh phối hợp cùng Tổng cục Dạy nghề mới đây đã cho thấy tại 3 trường cao đẳng nghề là Cao đẳng nghề du lịch Huế, Cao đẳng nghề Nha Trang, Cao đẳng nghề Đà Lạt, sinh viên thụ động trong quá trình học; các trường chỉ tập trung vào kết quả thi và điểm số hơn là năng lực; không có hệ thống đánh giá; ít có sự tham gia của doanh nghiệp… Các chuyên gia chỉ rõ, đây chính là những điểm yếu trong đào tạo của các trường nghề Việt Nam hiên nay.

Từ thực tế trên, các chuyên gia đến từ Anh đã chia sẻ một góc nhìn khác về tương lai đào tạo nghề cho Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố “địa phương” trong đào tạo nghề. Theo bà Elaine Rees - đại diện Trường Cao đẳng Y Cymoedd (Anh), tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các trường nghề với doanh nghiệp địa phương vô cùng quan trọng. Bởi doanh nghiệp địa phượng chính là đối tượng tạo ra công ăn việc làm tại chỗ cho công nhân tại địa phương và là nguồn thu hút học viên sau khi ra trường của các trường nghề trên địa bàn.

Chia sẻ về hướng phát triển của các trường nghề của Việt Nam trong thời gian tới, ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định, vấn đề tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp địa phương và các trường nghề cũng chính là mục tiêu của đào tạo nghề mà Việt Nam hướng tới. Những kinh nghiệm về mô hình giảng viên phát triển chuyên môn, điều phối sinh viên sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện kế hoạch đào tạo nghề trong giai đoạn mới.

Bảo Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này