“Cởi phí” đã đủ vực dậy ngành chăn nuôi?

15:04 | 25/06/2015
Câu chuyện con gà, quả trứng phải “cõng” 14 loại phí đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội trong suốt tuần qua, trong khi cơ quan chức năng vẫn loay hoay với đề xuất đóng hay không đóng thì hàng năm chúng ta vẫn phải chi cả tỷ USD để nhập khẩu thịt và nguyên liệu để sản xuất thức ăn gia súc. Viễn cảnh ảm đạm của ngành chăn nuôi trong nước khi ký kết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ngày một hiển hiện.
Một con gà “cõng” 14 loại phí: Bộ Nông nghiệp đề xuất “giải cứu”
Người chăn nuôi gia cầm lao đao vì nắng nóng

Thua trên sân nhà

Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ riêng năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 400 triệu USD thịt các loại: Lợn, bò, trâu, phụ phẩm gia súc, gia cầm… Hiện ngành chăn nuôi Việt Nam đang đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước về thịt lợn, nhưng hằng năm vẫn phải nhập 3.000-4.000 tấn thịt lợn đông lạnh. Dù có thể đảm bảo cung ứng trên 95% nhu cầu tiêu thụ thịt gà, nhưng hằng năm Việt Nam nhập 80.000 -100.000 tấn thịt và phụ phẩm như chân gà, cánh gà, mề, tim gà… và thịt gà loại thải đông lạnh do giá rẻ. Chưa hết, mỗi năm chúng ta nhập khẩu đến hơn 200.000 con trâu, bò sống và con số này ngày càng tăng.

Được biết, giá thành sản xuất thịt lợn ở Mỹ thấp hơn 20 - 30% so với ở VN. Giá thành 1kg thịt bò Úc nhập về VN để giết mổ sau khi đã trừ các chi phí vận chuyển, thuế, kiểm dịch, nuôi cách ly, giết mổ... khoảng 170.000 - 180.000 đồng/kg, trong khi đó, thịt bò nuôi tại VN có giá hơn 200.000 đồng/kg mà chất lượng lại không bằng. Đó là chưa tính đến khi thuế quan nhập khẩu của tất cả các mặt hàng sẽ đưa về 0%, giá của các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu còn giảm mạnh, tạo điều kiện cho thịt nhập khẩu ồ ạt vào nước ta, và có thể giết chết ngành chăn nuôi trong nước.

“Cởi phí” đã đủ vực dậy ngành chăn nuôi?
Ngành chăn nuôi cần tạo những bước đột phá để hội nhập vào kinh tế thế giới

Theo ông Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Chăn nuôi VN, ngành chăn nuôi nước ta đang có năng suất lao động quá thấp, chẳng hạn trong khi một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 con ở Mỹ chỉ cần 1 lao động thì ở VN là hơn 20 người. Chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng giống thấp, dịch bệnh thường xuyên đe dọa, liên kết chuỗi trong chăn nuôi yếu, quá nhiều khâu trung gian và lãi suất ngân hàng cao làm giá thành sản xuất chăn nuôi ở VN cao, khả năng cạnh tranh thấp. Ngoài ra, do đầu vào của ngành chăn nuôi Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, thời gian gần đây, nước ta phải nhập tới 90% các loại nguyên liệu thức ăn, như khô dầu đậu nành, bột thịt-xương, bột cá. Giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta cũng cao hơn 10% so với nhiều nước trong khu vực.

Vậy làm thế nào để người chăn nuôi dễ thở hơn? Câu hỏi thật đơn giản và có thể liệt kê ra rất nhiều giải pháp như: Mở mang thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư mạnh tay hơn về cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp... Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tìm các giải pháp giảm giá “đầu vào”, hạn chế các khoản phí để giúp nông dân có mức chênh lệch hợp lý giữa giá bán so với giá thành. Từng bước xóa bỏ các khoản thuế, phí, lệ phí vô lý cho nông dân, nông nghiệp.

Liên kết tốt các chuỗi giá trị

“Việc mang danh kiểm dịch để thu phí là không thể chấp nhận được, điều quan trọng là phải tạo điều kiện thông thoáng cho DN hoạt động, mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch, chứ không phải vì thu phí thì mới kiểm soát được dịch bệnh”, ông Lịch nói.

Giám đốc một công ty chăn nuôi tại Hà Nội cho hay, do vừa sản xuất con giống vừa kinh doanh nên DN này phải đóng rất nhiều loại phí. Để sản xuất giống, doanh nghiệp cần nhập khẩu gà bố mẹ từ nước ngoài và phải đóng phí kiểm soát dịch bệnh thú y. Trứng gà đẻ ra đem đến nhà máy ấp cũng phải đóng phí, gà con mới nở đem về trại nuôi phải đóng phí. Chưa hết, trong quá trình nuôi, trang trại phải đóng phí bảo vệ môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý động vật chết, phí môi trường, phí chứng nhận trang trại an toàn dịch bệnh...

Khi con gà được đưa đi bán, phải đóng phí kiểm dịch xuất chuồng. Nếu vận chuyển ngoại tỉnh, doanh nghiệp phải đóng phí cho thú y địa phương mà xe chở gia cầm đi qua. Đến cơ sở giết mổ doanh nghiệp lại phải đóng phí vào cửa. Giết mổ xong cũng có phí tem kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm trên mỗi sản phẩm đưa ra thị trường. Đó là chưa kể phí “không tên” trong quá trình vận chuyển. “Sau khi bắt gà từ trang trại cần nhanh chóng đưa vào trung tâm giết mổ, nếu không chúng sẽ chết trên xe. Chỉ cần một khâu nào đó trong quá trình vận chuyển bị chậm lại để kiểm tra giấy tờ khoảng một giờ đồng hồ thì lỗ nặng”, vị giám đốc doanh nghiệp này nói.

Ủng hộ đề xuất của Bộ NNPTNT về việc bỏ 31 phí kiểm dịch, theo Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quan điểm của hiệp hội là bỏ những phí thu không đúng để từ đó gỡ khó cho DN và người dân. Nhiều năm qua việc thu phí kiểm dịch thú y đã diễn ra một cách vô tội vạ, cái gì cũng “đè” ra để kiểm dịch. “Việc mang danh kiểm dịch để thu phí là không thể chấp nhận, điều quan trọng là phải tạo điều kiện thông thoáng cho DN hoạt động, mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch, chứ không phải vì thu phí thì mới kiểm soát được dịch bệnh”, ông Lịch nói.

Đề xuất về các giải pháp gỡ khó cho ngành chăn nuôi, theo ông Lê Bá Lịch, chúng ta cần cân đối lại cơ cấu vật nuôi, tăng năng suất, hạ giá thành bằng cách tổ chức quy mô lớn, hiện đại; tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi. Đây là giải pháp quan trọng để bỏ các khâu trung gian nhằm hạ giá thành, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế được vay lãi suất ưu đãi và theo chu kỳ sản xuất với các cơ sở sản xuất con giống, chăn nuôi thương phẩm, giết mổ, chế biến...

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này