Hà Nội: Trời nắng nóng, người dân "phát sốt" vì hóa đơn tiền điện

17:31 | 17/06/2015
Nhận hóa đơn tiền điện tháng 6, nhiều người dân Thủ đô tá hỏa khi thấy tiền điện tăng gấp ba, gấp bốn lần tháng trước… rồi băn khoăn, có phải điện lại tăng giá?
Lo lắng trước tăng giá điện
Vừa tăng giá điện lại đồn giá xăng, dân lo lắng!
Lý giải nào cho tăng giá điện
Không tăng giá điện trước Tết Nguyên đán 2015
Từ 1/12, chủ nhà trọ thu tiền điện giá cao bị phạt tới 10 triệu đồng

Tiền điện có phải “bỗng dưng” tăng?

La cà các quán trà đá ở Hà Nội những ngày gần đây, câu chuyện được nhắc đến nhiều là hóa đơn tiền điện tháng 6 “bỗng” tăng chóng mặt. Đa số người dân đều than thở rằng hóa đơn tiền điện tăng hơn tháng trước nhiều, có gia đình còn tăng gấp ba, gấp bốn lần.

Anh Nguyễn Hoàng Mạnh (phường Trúc Bạch, Ba Đình) cho biết, tháng này tiền điện nhà anh lên gần 1 triệu đồng trong khi tháng trước chưa đến 400 nghìn đồng, tăng gần gấp ba lần. Vẫn biết tháng này sử dụng điều hòa, máy tạo ẩm, tủ lạnh, quạt điện... với tần suất cao nhưng tăng gấp ba thì cũng thấy hơi nhiều.

Tiền điện tháng sau tăng vọt so với tháng trước.
Tiền điện tháng sau tăng vọt so với tháng trước

Chị Mai Anh (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Nhận hóa đơn tiền điện tháng 6 mà tôi “choáng”, tăng gần gấp bốn lần so với tháng trước. Than với ông xã thì ông bảo rằng cũng đúng thôi, vì tháng này có nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm. Hơn nữa, các con nghỉ hè, nhà dùng 4 cái điều hòa, quạt cũng bật cả ngày cả đêm, rồi tủ lạnh cũng hoạt động hết công suất cho việc làm đá, làm kem,... Không tăng mới là lạ. Nghe ông xã giải thích thì cũng có lý, nhưng nghĩ vẫn thấy nhiều”.

Để lý giải điều này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về nguyên nhân khiến tiền điện sinh hoạt tháng 6 tăng cao.

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương - cho biết, trong tháng 5, khu vực Hà Nội đã xảy ra hai đợt nắng nóng vào ngày 1-8/5 và 18-30/5, đỉnh điểm là ngày 28-30/5 nhiệt độ cao nhất phổ biến 39-40 độ C.

GS.TS Nguyễn Hữu Ninh - chuyên gia về biến đổi khí hậu, nhận định rằng, Hà Nội hiện phát triển theo hướng xa rời các tiêu chí xanh, tỷ lệ bê tông, kính và nhựa hóa ngày càng cao. Bê tông hóa, nhựa hóa và kính hóa làm tăng nguy cơ hấp thụ nhiệt dưới mặt đất, khiến lớp không khí cách mặt đất 100m đổ lại trở nên nóng hơn, nung nóng mặt đất lâu hơn. Mặt khác, quá nhiều nhà cao tầng trong khi tỷ lệ không gian rỗng giữa các tòa nhà và trên các tuyến đường ngày càng ít làm cho đối lưu không khí ngày càng bị hạn chế, tạo ra chế độ tiểu khí hậu cục bộ, vừa gây ô nhiễm không khí vừa làm tăng oi bức.

Có thể thấy, tỷ lệ bê tông hóa ở thủ đô cao, dẫn đến độ hấp thụ nhiệt cao, làm không khí nóng lên đến tận đêm, dẫn đến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện để làm mát của khách hàng tăng vọt cả ngày lẫn đêm.

Ông Đinh Thế Phúc - Cục phó Cục Điều tiết điện lực - cho biết, tháng 5/2015, sản lượng điện tiêu thụ trung bình của miền Bắc tăng 17%, riêng thành phố Hà Nội tăng 28% so với trước.

Nhận hóa đơn tiền điện tháng 6 (tính lượng điện dùng trong tháng 5) mà nhiều gia đình tá hỏa.
Nhận hóa đơn tiền điện tháng 6 (tính lượng điện dùng trong tháng 5) mà nhiều gia đình tá hỏa.

Thực tế, theo quy luật vào mùa nắng nóng hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao, có trường hợp tăng đột biến là do nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát tăng cao, nhiều hộ gia đình chưa biết cách sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý như: chạy cùng lúc nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm, dùng thiết bị điện bị rò rỉ điện nhưng không biết....

Hơn nữa, tháng 5 học sinh nghỉ hè nên đa phần thời gian sử dụng điều hòa và thiết bị làm máy trong gia đình tăng cả ban ngày và ban đêm. Có lúc sử dụng tăng trên 10 giờ/ngày so với ngày thường. Đây cũng là yếu tố khiến hóa đơn tiền điện tăng cao.

Trao đổi thêm với đại diện Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, được biết trong tháng 6/2015, Tổng công ty tiếp tục triển khai nhắn tin miễn phí thông báo ngày ghi chỉ số công tới khách hàng có đăng ký số điện thoại liên hệ đồng thời mời khách hàng có điều kiện tham gia giám sát việc ghi chỉ số này. Như vậy, khách hàng sẽ thuận lợi và chủ động trong việc theo dõi sản lượng điện của gia đình mình, không còn nghi ngờ có sự sai lệch, thiếu sót trong việc ghi chỉ số công tơ.

Với dịch vụ này, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội đã tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động mua - bán điện giữa ngành điện với khách hàng, giúp khách hàng yên tâm hơn khi nhận hóa đơn tiền điện hàng tháng.

Vì lợi ích của bản thân gia đình mình và của toàn xã hội, Tổng công ty Điện lựcTP Hà Nội khuyến khích khách hàng chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra sản lượng điện tiêu thụ của gia đình mình bằng cách truy cấp trang web của Điện lực Hà Nội hoặc liên hệ với Trung tâm chăm sóc khách hàng EVN HANOI (số điện thoại: 1900 1288 – (04) 22222000) để được giải đáp tất cả những vướng mắc liên quan đến sử dụng điện.

Cần sử dụng điện tiết kiệm

Không chỉ băn khoăn về hóa đơn tiền điện tháng 6, nhiều người dân còn lo lắng tiền điện những tháng tới sẽ tiếp tục tăng, do mùa nắng nóng kéo dài. Chị Nguyễn Minh (Long Biên, Hà Nội) than thở: “Mới tháng 5 thôi mà tiền điện đã tăng thế này; không biết những tháng tiếp theo sẽ tăng thế nào khi mà điều hòa, quạt, tủ lạnh… sử dụng hết công suất, chắc chỉ còn cách tiết kiệm điện thôi, không xót tiền lắm”.

Đồng quan điểm với chị Minh, nhiều người dân cũng cho rằng, cần phải sử dụng điện tiết kiệm để giảm chi phí cho gia đình mình, đặc biệt là vào mùa hè, khi đa số các thiết bị làm mát từ điện đều được huy động hết công suất.

Tuy nhiên, sử dụng các thiết bị điện như thế nào để đạt hiệu quả tiết kiệm điện một cách cao nhất không phải ai cũng biết. Các chuyên gia về năng lượng khuyên rằng, người dân nên rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị, bởi dù thiết bị đã tắt nhưng vẫn cắm vào nguồn điện thì vẫn tiêu thụ một lượng điện năng đáng kể. Bên cạnh đó, người dân cần sử dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm (sáng từ 9h30-11h30, tối từ 17h00- 20h00); ưu tiên sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được dán nhãn ngôi sao năng lượng của Bộ Công Thương. Đặc biệt, vào mùa hè, nên hạn chế mở cửa tủ lạnh; điều hòa nhiệt độ chỉ nên để từ 25oC trở lên.

Năm 2015 được dự báo là một năm nắng nóng kỉ lục do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, việc sử dụng các thiết bị làm mát trong những ngày nắng nóng là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chỉ cần một vài lưu ý nhỏ trong việc sử dụng thiết bị điện sao cho hiệu quả, tiết kiệm, chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể cho gia đình mình.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này