Dinh dưỡng trong điều trị ung thư

05:58 | 17/06/2015
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam, mỗi năm có 152.000 người mắc mới, 75 ngàn người tử vong vì ung thư. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do thuốc lá (trung bình chiếm trên 30%, 41% ở nam giới), dinh dưỡng không hợp lý (30%). Đặc biệt, 50% bệnh nhân ung thư sụt cân khi đến viện và 20% tử vong do suy kiệt vì dinh dưỡng không hợp lý.
Con ung thư, nguy kịch vì bố mẹ chữa bằng đông y
Nguy hiểm từ việc dùng sai thuốc

Có thể nói chế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng với bệnh nhân, nhất là bệnh nhân bị ung thư, tuy nhiên thực tế hiện nay dinh dưỡng với bệnh nhân ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Các phương thức này đều làm giảm sự tiến triển của khối u, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh như sụt cân, chán ăn, mệt mỏi, suy giảm sức đề kháng... Để chống chọi với hóa chất trị bệnh, bệnh nhân phải ăn uống đầy đủ, hợp lý nhưng đa số lại chán nản không thiết ăn uống, có người lại suy nghĩ sai lầm tuyệt thực hoặc ăn ít để khối u không có chất mà phát triển.

Dinh dưỡng trong điều trị ung thư

Để đảm bảo sức khỏe, bệnh nhân cần dùng thuốc

theo chỉ định của bác sĩ

Theo Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, ở Việt Nam hiện nay, nhiều bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh nên đã sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt. Sụt cân do ung thư không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn gây ảnh hưởng xấu đến điều trị. Hiện có 50 – 80% bệnh nhân ung thư có các dấu hiệu và triệu chứng suy mòn. Nếu không sớm thực hiện chăm sóc tăng cường dinh dưỡng trong quá trình điều trị lâm sàng của bệnh nhân, sẽ dẫn đến tình trạng giảm phản ứng với hóa trị liệu, tăng nguy cơ của hóa trị liệu, độc tính gây ra với cơ thể, có nguy cơ cao hơn các biến chứng sau phẫu thuật, suy giảm chức năng miễn dịch.

Hiện có 50 – 80% bệnh nhân ung thư có các dấu hiệu và triệu chứng suy mòn. Nếu không sớm thực hiện chăm sóc tăng cường dinh dưỡng trong quá trình điều trị lâm sàng, sẽ dẫn đến tình trạng giảm phản ứng với hóa trị liệu, tăng nguy cơ của hóa trị liệu, độc tính gây ra với cơ thể, có nguy cơ cao hơn các biến chứng sau phẫu thuật, suy giảm chức năng miễn dịch.

Chị Nguyễn Thị Hùng ở Ứng Hòa đang chăm sóc con gái bị ung thư xương tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện K cho biết: “Lúc đầu biết bị ung thư, cháu khóc suốt, bảo thế nào cũng không ăn, không uống, gia đình rất lo. Nhưng sau được bác sĩ khuyên cùng với gia đình động viên giờ cháu cũng chịu ăn nên sức khỏe đã khá hơn”.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Phó khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện K: Trường hợp con chị Hùng cũng như nhiều bệnh nhân bị ung thư nói chung, chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Dinh dưỡng là bước đệm rất căn bản trong điều trị bệnh. Trong quá trình điều trị bệnh nhân sẽ chịu nhiều đau đớn, nếu không tuân theo chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt thì sẽ không có đủ sức khỏe để chống lại bệnh tật.

Cũng theo bác sĩ Minh, để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnh phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: Đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất, nước. Cụ thể, bệnh nhân nên ăn nhiều cá, rau, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao. Đối với bệnh nhân ung thư vòm họng phải có chế độ ăn khác hơn, thức ăn phải lỏng, loãng, mềm, ít dầu mỡ như: Súp, cháo…

Với tầm quan trọng của dinh dưỡng, người bệnh cũng cần chú ý tới việc đảm bảo trước, trong và sau liệu trình điều trị. Bệnh nhân ung thư không chỉ cần quan tâm tới dinh dưỡng tại thời điểm truyền hóa chất mà ngay cả khi liệu trình kết thúc người bệnh vẫn phải giữ chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt để đảm bảo tính ổn định của sức khỏe. Hơn nữa, tùy vào tình trạng bệnh lý bệnh nhân cần thay đổi hoặc điều chỉnh thực đơn cho phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo dinh dưỡng đủ.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này