Dệt may Việt Nam: Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, sẽ khó cạnh tranh

21:32 | 16/06/2015
Với việc gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) và nhất là việc hoàn tất ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), năm 2015, cùng với sự nỗ lực không ngừng trong việc củng cố nội lực, dệt may Việt Nam đang được đánh giá sẽ có bước chuyển mình lớn. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi thách thức, nếu ngành dệt may không chủ động được nguyên liệu.
CĐ ngành Dệt may Việt Nam: Sát cánh cùng doanh nghiệp, đồng hành với NLĐ

Đầu tư để đón đầu

Chỉ riêng trong hai năm 2014 và 2015, Tổng công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã đầu tư 1.500 tỷ đồng cho các dự án sản xuất hàng dệt kim, sợi và may mặc để nâng cao năng lực cung ứng hàng may mặc xuất khẩu. Trong đó, riêng năm 2014, Hanosimex giải ngân 800 tỷ đồng. Tương tự, Tổng công ty cổ phần Phong Phú (Phong Phú Corp) đầu tư 1.000 tỷ đồng/năm để mở rộng năng lực sản xuất cho dệt nhuộm với các sản phẩm chủ lực như dệt kim, vải jeans, sợi chỉ may... Ngoài ra, một số dự án đã được khởi động từ đầu năm 2015: Dự án mở rộng một dây chuyền sản xuất dệt kim tại Nha Trang với vốn đầu tư 400 tỷ đồng và dự án đầu tư sản xuất vải denim với số vốn đầu tư 860 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TPHCM)…

Dệt may Việt Nam: Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, sẽ khó cạnh tranh
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP May 10

Là một trong những thương hiệu mạnh của ngành dệt may, Tổng công ty May 10 lên kế hoạch đầu tư để mở rộng sản xuất, đón đầu cơ hội từ các FTA. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, bên cạnh việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để vừa tiết kiệm nhân công vừa tăng năng suất lao động thì bộ phận nghiên cứu mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường của tổng công ty luôn tập trung nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao để gia tăng giá trị sản phẩm.

Thời gian tới, May 10 tiếp tục đầu tư cho khâu thiết kế, đưa ra nhiều dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng, phù hợp từng đối tượng; không ngừng đổi mới hình thức phục vụ khách hàng, chủ động khai thác tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú… Đồng thời, củng cố và phát triển các thị trường chính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; ưu tiên các khách hàng tại thị trường mới, tận dụng các hiệp định ưu đãi thuế quan với Hàn Quốc, Việt Nam-Nga-Belarus-Kazakhstan.

Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may còn chủ động vào cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế và linh hoạt tiếp cận thị trường. “Ngoài các đối tác truyền thống, việc chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, khách hàng mới phải được chú trọng đầu tư khai thác nhằm đạt được kim ngạch xuất khẩu hiệu quả nhất. Ngoài ra, để tận dụng các cơ hội thị trường và mở rộng hơn nữa khách hàng, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp dệt may là cần tiếp tục đầu tư sâu cho hàng hóa và nguyên liệu dệt may. Trong hàng hóa dệt may tập trung vào hàng có kỹ thuật cao, đòi hỏi tay nghề cao và công nghệ tốt”, một cán bộ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phân tích.

Tại hội nghị khách hàng năm 2015 của Tổng công ty May 10 diễn ra tối 12/6, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, năm 2015, thương hiệu May 10 đã tạo được bước đột phá thành công khi lần đầu tiên sản phẩm May 10 được trung bày và giới thiệu tại Mỹ, được giới chuyên môn cũng như khách hàng đón nhận và đánh giá cao.

Thời gian tới, May 10 tiếp tục đầu tư cho khâu thiết kế, đưa ra nhiều dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng, phù hợp từng đối tượng; không ngừng đổi mới hình thức phục vụ khách hàng, chủ động khai thác tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú nhằm đa dạng đối tượng khách hàng phục vụ…

Được biết, Việt Nam hiện đang đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu dệt may vào EU. Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sự tăng trưởng mạnh mẽ của dệt may Việt Nam chủ yếu là do doanh nghiệp trong ngành đã không ngừng nỗ lực đầu tư công nghệ sản xuất, chuyển dần sang phương thức sản xuất đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã dành nguồn lực không nhỏ đầu tư các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh trên thị trường xuất nhập khẩu.

Vẫn lo trước cơ hội lớn

Theo nhận định của các chuyên gia, khi Việt Nam gia nhập TPP, dệt may sẽ nằm trong top đầu các ngành được hưởng lợi nhiều vì 60% kim ngạch xuất khẩu của dệt may được xuất vào các nước thành viên TPP. Thuế suất xuất khẩu hàng may mặc cũng được đưa về 0% khi vào Mỹ – thị trường lớn nhất của VN trong các nước tham gia TPP… Tuy nhiên, hiện tại DN dệt may VN vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập. Nỗi lo thường trực nhất chính là việc bị mất đi các lao động lành nghề, bởi sự cạnh tranh bằng chính sách đãi ngộ lương, thưởng cho CNLĐ của các đối thủ nước ngoài. Các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và nếu các DN không nhanh chóng đưa ra giải pháp, chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Mặt khác, nút thắt hiện nay của ngành dệt may Việt Nam là nguồn cung nguyên liệu rất hạn chế. Chỉ tính trong năm 2014, vải nhập khẩu đạt giá trị 9,5 tỷ USD, tăng 14%. Nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc thì nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 45,2%. Nguồn nguyên liệu nội địa chỉ chiếm 25% trong kim ngạch xuất khẩu, hay nói cách khác tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm may mặc xuất khẩu chỉ chiếm 35,7% giá trị nguyên liệu.

Theo bà Trần Xuân Thảo, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực TPHCM, Bộ Công Thương, Hiệp định TPP chỉ ưu đãi thuế quan xuất khẩu 0% cho những sản phẩm sản xuất hoàn toàn tại bên xuất khẩu và từ nguyên vật liệu hoàn toàn của bên đó. Căn cứ vào thực tế, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may chỉ có 1/10 trên tổng kim ngạch hàng xuất khẩu được nhận ưu đãi này. Trong thời gian tới, khi Hiệp định TPP được mở rộng, cho phép mở rộng phạm vi xác định nguồn nguyên liệu theo vùng thay lãnh thổ một nước, nhiều DN tận dụng triệt để lợi thế nội địa hóa nguyên liệu sản xuất để nhận ưu đãi thuế quan thì các DN nước ta sẽ khó có thể cạnh tranh được về giá thành. Hiện đang có làn sóng di cư đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vào nước ta để tranh thủ lợi ích từ hiệp định TPP. Do vậy, nếu DN Việt Nam vẫn loay hoay với việc phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, không thoát khỏi thân phận làm thuê ngay chính trên đất nước mình, sẽ khó cạnh tranh và tồn tại.

Thương Huế - Lan Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này