Quốc hội thảo luận dự án Sân bay Long Thành

16:18 | 05/06/2015
Trước khi đưa ra Quốc hội bấm nút có hay không triển khai dự án Sân bay Long Thành, sáng 4/6 thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã đọc tờ trình dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (CHKQT LT).
Quốc hội phải giám sát toàn bộ quá trình xây dựng sân bay Long Thành
Siêu Dự án sân bay Long Thành: Tầm và góc nhìn

Siêu dự án tiền khả thi…

Theo báo cáo đầu tư (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) về dự án Cảng HKQT Long Thành, mục tiêu chung của dự án là đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành để khắc phục tình trạng quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư, theo báo cáo giá trị khái toán của dự án khoảng 15,8 tỷ USD. Trong đó giai đoạn 1 là 5,236 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng); giai đoạn 2 là 3,999 tỷ USD (tương đương khoảng 83.972 tỷ đồng); giai đoạn 3 là 6,582 tỷ USD (tương đương khoảng 138.215 tỷ đồng). Như vậy, khái toán chi phí đầu tư giai đoạn 1 sau khi rà soát lại quy mô đầu tư và đơn giá là khoảng 109.970 tỷ đồng, giảm 54.618 tỷ đồng so với khái toán tổng mức đầu tư đã trình trước đây, nhưng không làm thay đổi công nghệ, kỹ thuật chung của dự án. Dự kiến cơ cấu nguồn vốn như sau: Vốn ngân sách Nhà nước ước tính 12.149 tỷ đồng (dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý Nhà nước...); vốn ODA ước tính 29.177 tỷ đồng dành cho khu bay; vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước ước tính 68.644 tỷ đồng đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các công trình thương mại...

Quốc hội thảo luận dự án Sân bay Long Thành
Phối cảnh sân bay Long Thành

Riêng về tiến độ thu hồi đất phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), theo đề xuất của Chính phủ, trường hợp thu hồi đất 1 lần 2.750 ha thì tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5,23 tỷ USD với cơ cấu như sau: Vốn ngân sách 578,5 triệu USD (chiếm 11,1%), vốn ODA 1.386,5 triệu USD (chiếm 26,5%), vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP)... 3.268,8 triệu USD (62,4%). Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội là thu hồi đất 1 lần 5.000 ha. Như vậy, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5,45 tỷ USD (tăng khoảng 220 triệu USD so với phương án thu hồi 2.750 ha) với cơ cấu vốn đầu tư: Ngân sách Nhà nước 797,5 triệu USD (chiếm 14,62%; tỷ lệ này so với báo cáo Chính phủ tăng do chi phí thu hồi đất 5.000 ha), vốn ODA 1.389,3 triệu USD (chiếm 25,47%), vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước 3.268,76 triệu USD (59,91%). Cơ cấu vốn đầu tư nêu trên là dự kiến vì chưa lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Do vậy, chưa thể có sự xác nhận, khẳng định tham gia của các nhà đầu tư (vốn ODA, vốn doanh nghiệp, PPP...).

Chỉ cách nhau 1 kỳ họp, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, thay mặt Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo trước Quốc hội dự án Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư cho cả 3 giai đoạn là 18,7 tỷ USD.

Nay tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII thời gian rất ngắn, vậy mà giờ đây báo cáo trước QH, dự án đã được điều chỉnh xuống chỉ còn 15,8 tỷ USD (chênh lệnh nhau 2,9 tỷ USD), câu hỏi đặt ra là DA nghiên cứu tiền khả thi thế nào mà có sự chênh lệnh quá lớn về nguồn vốn đầu tư.

Nhìn gần để nói xa, ngay dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Bộ GT- VT là chủ đầu tư) giữa lòng Hà Nội không quá khó để lập tổng dự toán đầu tư, vậy mà trong quá trình triển khai đã bị đội vốn từ 552 triệu USD lên tới 891 triệu USD).

Với dự án Sân Bay Long Thành chúng ta có chắc sẽ không bị đội vốn? Đây là câu hỏi cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhất mà cử tri muốn gửi đến QH.

Về tác động của việc dự án đối với vấn đề nợ công, theo Bộ Tài chính đánh giá, trong các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công cao nhất là 0,28% GDP. Còn tính khả thi về mặt kinh tế của dự án, theo tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước thì tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 24,5%, cao hơn tỷ suất chiết khấu trung bình của xã hội nên Dự án có tính khả thi cao.

Đừng để siêu đội vốn

Sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đọc tờ trình, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận về dự án này. Cơ bản, nhiều ĐB đã đồng ý về mặt chủ trương xây dựng Sân bay Long Thành là cần thiết. ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng: Cụm cảng hàng không Long Thành là một dự án lớn và đã được thảo luận qua 2 kỳ Quốc hội (kỳ 8 và 9) nên có thể nói đã được thảo luận rất kỹ. Quan trọng hơn, dự án đã rà soát lại và giảm được tổng mức đầu tư từ 18,7 tỷ USD xuống còn 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 giảm 5,2 tỷ USD. Thế nên, về cơ bản ủng hộ phương án vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay ODA chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư, 2/3 huy động từ các nguồn xã hội hoá cụ thể từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân và ngoài nước. ĐB Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cũng ủng hộ chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, ông Tiến cũng lưu ý về mặt tài chính làm sao tính toán thật kỹ để không thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia và thế hệ mai sau.

Trao đổi với LĐTĐ một số ĐB bên cạnh việc đồng tình với chủ trương xây dựng Sân bay Long Thành nhưng vẫn tỏ ra lo ngại, thậm chí hoài nghi về tính khả thi nguồn vốn. Một số ĐB băn khoăn với một dự án có quy mô mười mấy tỷ USD, không tính toán thật kỹ đến khi triển khai lại đội vốn thêm mất tỷ USD chúng ta sẽ xoay xở ra sao?

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này