An toàn vệ sinh thực phẩm: Có luật vẫn… chưa “an”

12:43 | 04/07/2015
Vừa qua, trên địa bàn cả nước, đã diễn ra nhiều vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Nhiều  người dân còn lo lắng về việc không biết ăn gì, uống gì, mua hàng ở đâu để được an toàn, vì thực tế đã xảy ra tình trạng ngay cả thực phẩm được bày bán trong siêu thị cũng không đảm bảo an toàn. Câu hỏi được đặt ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm - đến bao giờ mới hết “nóng”?. Phải chăng các lực lượng chức năng vẫn còn “giơ cao đánh khẽ” nên chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm,..?.
Bia hơi ngày nắng nóng: Coi chừng vạ từ miệng
Ai không nên ăn mứt Tết
Tập trung thanh kiểm tra cơ sở sản xuất hàng hóa phục vụ Tết

Nhiều vi phạm

Được biết, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, có hiệu lực từ tháng 7/2011 và 3 bộ cùng tham gia quản lý theo phân công, đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương. Ngoài ra, UBND các cấp cũng cùng tham gia quản lý an toàn thực phẩm. Đến nay, hệ thống thể chế và chính sách về an toàn thực phẩm đã và đang hình thành, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đã xây dựng được hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên nguy cơ; tiến hành điều tra, truy xuất nguồn gốc, triệu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng. Việc giám sát an toàn thực phẩm trên diện rộng đã cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm giảm dần. Vì vậy, Việt Nam đã đẩy mạnh được tiếp cận thị trường, giá trị xuất khẩu nông sản thực phẩm năm 2014 đạt 30,8 tỷ USD, xuất khẩu sang hơn 120 nước và lãnh thổ.

An toàn vệ sinh thực phẩm: Có luật vẫn… chưa “an”
Dùng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ mới chỉ bị nhắc nhở

Tuy nhiên, ông Tiệp thừa nhận, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, như: Các văn bản dưới luật của các bộ chậm ban hành, chưa hoàn toàn đồng bộ và hài hòa; chưa gắn kết quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản (đầu ra) với quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Về hệ thống quản lý, kiểm soát thì công tác tổ chức còn dàn trải, phân tán giữa các cấp; phối hợp trong thực tiễn còn hạn chế; giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành chưa bài bản, còn trùng lặp. Trong tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật...

Thực tế cho thấy, việc kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc hiện vẫn rất khó khăn, tình hình vận chuyển buôn bán thực phẩm nhập lậu không bảo đảm an toàn từ các địa phương khác vào Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, chế tài xử phạt hành vi vi phạm ATVSTP chưa đủ sức răn đe, khiến các đối tượng vẫn vi phạm. Được biết, trên địa bàn Hà Nội, trong số 218 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp mà Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra trong năm 2014 thì có tới 128 tổ chức, cá nhân vi phạm. Tính riêng tháng 4/2015, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 66 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm. Đây chỉ là con số mà cơ quan kiểm tra phát hiện được, thực tế lớn hơn rất nhiều.

Xử lý chưa nghiêm

Theo báo cáo Chính phủ của Bộ Tư pháp, phần lớn văn bản quy định chi tiết bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP và trong hệ thống pháp luật; đa số văn bản quy định chi tiết bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản quy định chi tiết thi hành còn chưa thống nhất, đồng bộ, khả thi. Hiện đã có 2 văn bản đang được kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, các bộ đang sửa đổi, bổ sung 6 thông tư, thông tư liên tịch. Trong đó có 6 văn bản không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, 7 văn bản không bảo đảm tính khả thi.

Trước thực tế trên, nhiều câu hỏi được đặt ra: Phải chăng các lực lượng chức năng vẫn còn “giơ cao đánh khẽ” nên chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm? Liệu có phải công tác quản lý vẫn còn bị “cắt khúc”, dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát khép kín?.

Thắc mắc này là hoàn toàn có cơ sở, khi mới đây, trong báo cáo Chính phủ của Bộ Tư pháp về tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè cũng đã nêu rõ, đang có nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành nên còn tồn tại những điểm nóng của dư luận xã hội về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo báo cáo này, việc sản xuất rau, củ, quả và chè hiện nay (trừ một số cơ sở sản xuất quy mô lớn), người nông dân không có kiến thức nhiều về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc sử dụng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thường theo kinh nghiệm và thường theo tư vấn của các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy hiện tượng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng chủng loại, liều lượng, dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng. Vấn đề đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch cũng chưa được đảm bảo.

Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm chưa đạt được hiệu quả. Đối với vi phạm của người nông dân, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chủ yếu chỉ là nhắc nhở mà không xử phạt vi phạm hành chính.Ngoài ra, có một số lượng lớn hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh.Các đối tượng này chỉ buôn bán theo thời vụ, quy mô nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng kinh doanh, buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật trái phép dẫn đến việc các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm sử dụng nhưng vẫn được lưu thông trên thị trường.

Như vậy, mặc dù chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm thế nhưng việc thực thi luật này lại chưa triệt nên dẫn tới việc có luật vẫn không…đảm bảo an toàn. Trao đổi về vấn đề này, bà Lucia Frick, Tư vấn Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada, cho rằng: Việt Nam đã mất gần 3 năm để xây dựng được tất cả các khung pháp lý này, nhưng hiện tại mới chỉ đang ở trong giai đoạn kiểm tra xem hệ thống hoạt động có hiệu quả. Vì vậy, điều cần thiết là phải có một cơ quan duy nhất, tách biệt để quản lý an toàn thực phẩm.Thêm vào đó, cần tăng cường xử lý các gian lận liên quan đến an toàn thực phẩm. Để làm được điều này phải tăng tính chuyên nghiệp của thanh tra trong lĩnh vực này. Đối với địa phương, cần có hệ thống giám sát an toàn thực phẩm ở các tỉnh, xác định các biện pháp thực thi và thực hiện chúng, chú ý tối đa hóa tính minh bạch trong việc thực thi, hành động.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này