Vì sao bội chi ngân sách nhiều thế ?

15:13 | 29/05/2015
Tại kỳ họp nào cũng vậy, báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ luôn đề cập đến vấn đề bội chi vẫn cao. Làm sao lại xảy ra tình trạng này?. Đây cũng là nội dung mà Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trao đổi với báo chí.
Năm 2015, xiết chặt chi tiêu ngân sách
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không dùng ngân sách xử lý nợ xấu
Giữ bội chi ngân sách 5,3% GDP để tăng lương
Vì sao bội chi ngân sách nhiều thế ?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Phùng Quốc Hiển

Theo ông Hiển, nếu không kể số tăng thu viện trợ được sử dụng cho các mục tiêu đã xác định thì năm 2014 so với dự toán, thu Ngân sách Trung ương tăng 37.130 tỷ đồng; ngân sách địa phương tăng 41.750 tỷ đồng. Tổng cộng thu ngân sách tăng 78.880 tỷ đồng, song chi ngân sách tăng 80.820 tỷ đồng, nên bội chi đã tăng từ 5,3% GDP lên 5,69% GDP. Cần nhấn mạnh, bội chi là thu không đủ chi, làm không đủ tiêu Bởi thế, không chỉ ở góc độ tài chính quốc gia, ngay cả ở góc độ gia đình, cá nhân, nếu làm không đủ tiêu thì ai cũng lo. Bởi thế về nguyên tắc, cần phải giảm dần bội chi, tiến tới cân bằng thu - chi.

Bội chi lớn như vậy, ông cảm thấy lo lắng không?

Đánh giá lại tình hình thu - chi ngân sách mấy năm qua, cá nhân tôi nghĩ cũng không quá lo lắng. Ví như năm 2014, mặc dù so với GDP, bội chi tăng từ 5,3% lên 5,69%, nhưng về số tuyệt đối vẫn giữ được mức 224.000 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền bội chi để cho đầu tư phát triển, chứ không dành cho chi tiêu thường xuyên.

Vậy đâu là nhân dẫn đến bội chi ?

Nguyên nhân chính của bội chi là do nguồn vốn ODA vay nước ngoài giải ngân tăng mạnh, nên trong nước phải bố trí nguồn vốn đối ứng cao hơn nhiều so với dự toán. Năm 2014, ngân sách dành tới 208.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, tăng 45.000 tỷ đồng (27,6%) so với dự toán, còn nếu so với con số được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, thì chi cho đầu tư phát triển tăng 38.940 tỷ đồng. Cạnh đó, do mấy năm gần đây, chúng ta liên tục giảm các loại thuế với mức độ khá cao khiến tốc độ tăng thu không bằng các năm trước.

Làm thế nào để giảm bội chi, thưa ông ?

Ngoài việc phải triệt để thực hành tiết kiệm, theo tôi khi khi Luật Ngân sách (sửa đổi) có hiệu lực sẽ góp phần làm giảm bội chi. Vì sao ? Nếu theo phương pháp thu ngân sách hiện toàn bộ khoản thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đều đưa vào thu ngân sách, còn khoản hoàn thuế VAT hàng xuất khẩu lại tính vào chi ngân sách. Quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế này đã dẫn tới bội chi vì kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, ngân sách phải tăng chi vượt dự toán để hoàn thuế. Còn theo quy định mới, thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu được tính bằng tổng số thu trừ đi số hoàn thuế VAT tăng hàng xuất khẩu.

Cạnh đó, với việc quy định chỉ có địa phương bảo đảm khả năng trả nợ mới được huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản sẽ chấm dứt được tình trạng địa phương huy động tràn lan. Trên là những yếu tố sẽ giúp bội chi giảm dần trong những năm tới, tiến tới cân bằng thu - chi.

N. Tuấn- T. Giang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này