Qui định tín chỉ môi giới bất động sản: Quá rắc rối

06:32 | 30/05/2015
Chỉ còn một tháng nữa, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 bắt đầu có hiệu lực (1/7/2015). Dư luận đang có nhiều ý kiến đa chiều  xoay quanh những qui định mới, nhất là quy định giao dịch bất động sản không bắt buộc phải qua sàn, hay là cá nhân muốn hành nghề môi giới bất động sản buộc  phải có tín chỉ hành nghề.
Bất động sản thời của đẳng cấp khác biệt
Lo tín dụng bơm tiền cho bất động sản ?

Giảm thiểu chi phí, tránh rủi ro

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), việc bãi bỏ quy định giao dịch bất động sản phải thực hiện qua sàn là nhân tố thúc đẩy một cuộc thanh lọc các sàn giao dịch yếu kém và thiếu chuyên nghiệp. Từ đó, khách hàng được chủ động lựa chọn giao dịch nhà đất trực tiếp với chủ đầu tư hay là thông qua các kênh môi giới. Các sàn giao dịch các đơn vị môi giới cũng phải nỗ lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, uy tín thương hiệu, hành nghề một cách chuyên nghiệp để thu hút được khách hàng và tiếp tục tồn tại, phát triển.

Đặc biệt, không phải giao dịch qua sàn, giúp người tiêu dùng không bị mất thời gian tìm hiểu dự án qua thông qua kênh trung gian là các sàn địa ốc mà có thể tiếp cận trực tiếp chủ đầu tư. Như vậy, khách hàng sẽ giảm thiểu được chi phí cũng như nắm bắt được thông tin dự án một cách chính xác hơn, tránh rủi ro.

Qui định tín chỉ môi giới bất động sản: Quá rắc rối
Giao dịch BĐS sẽ không phải qua sàn sẽ tiết giảm chi phí cho người mua

Về ý kiến không giao dịch qua sàn, sẽ góp phần "bức tử" hàng ngàn sàn giao dịch BĐS được thành lập, do quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2005, ông Thành cho rằng, Luật Kinh doanh BĐS 2014 là hướng tới người tiêu dùng, chứ không phải hướng tới chủ đầu tư hay các sàn giao dịch BĐS. Vì thế, qui định giao dịch BĐS không buộc phải qua sàn sẽ giúp loại bỏ các sàn giao dịch yếu kém, chuẩn hóa sàn giao dịch BĐS.

“Sàn nào uy tín vẫn được người tiêu dùng tín nhiệm, sẽ sống khỏe, còn sàn nào yếu kém, mất niềm tin ở người tiêu dùng, đương nhiên bị xóa sổ. Quy định này cũng sẽ giúp cả người mua và người bán tiết giảm được nhiều thủ tục, chủ đầu tư sẽ đơn giản hoá thủ tục, quy trình trong bán hàng. Việc mua bán, sang nhượng sẽ diễn ra nhanh hơn, giảm chi phí”, ông Thành nhận định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc CTCP Dịch vụ và địa ốc Đất Xanh miền Bắc lại cho rằng, nên chuyên nghiệp hóa hoạt động của các thành phần trong lĩnh vực BĐS. Cụ thể, nên quy định chủ đầu tư thì tập trung xây dựng, phát triển dự án; còn sàn giao dịch BĐS thì tập trung nâng chất lượng môi giới, tư vấn giải đáp để làm cầu nối khách hàng đến với sản phẩm. "Mấu chốt vẫn là cơ quan quản lý cần có biện pháp siết chặt quản lý các sàn giao dịch BĐS", ông Quyết nói.

Còn nhiều rắc rối ?

Không chỉ có nhiều ý kiến khác nhau về qui định giao dịch BĐS không phải qua sàn, mà qui định người tham gia môi giới bất động sản phải có tín chỉ hành nghề và phải trải qua kỳ thi sát hạch…như trong dự thảo thông tư của Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến, cũng đang làm nóng các diễn đàn, nhất là người trong giới.

Trao đổi về vấn đề này, ông Thành khẳng định, yêu cầu tham gia môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề là đúng. Vì thời gian qua, quan niệm người môi giới chỉ là “cò”, chỉ là bán “nước bọt” nên khách hàng đã không đánh giá đúng công sức của người hành nghề này. Việc “đôi co” hoặc trả tiền thù lao môi giới theo kiểu “cò kè bớt một thêm hai” là chuyện thường thấy trong mối quan hệ giữa người môi giới và người mua nhà hiện nay. Vì lẽ đó, người môi giới sẽ kê lên thêm số tiền để bù đắp cho công sức đã bỏ ra. Số tiền kê thêm hoàn toàn tùy thuộc vào “lòng tham” của người môi giới BĐS ít hay nhiều. Chính điều này làm sản phẩm bất động sản nằm “bất động” rất lâu trên thị trường vì không bán được, bởi giá người môi giới đưa ra cao hơn mặt bằng giá thị trường.

Đến nay, cả nước đã có 1.012 sàn giao dịch BĐS được thành lập, với tổng số người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá bất động sản lên tới hơn 35.000 người, định giá bất động sản nhưng số sàn hoạt động có hiệu quả lại rất ít.

Theo giảng viên Huỳnh Anh Dũng (Trường Đào tạo Quốc tế Leader Real), hầu hết các nước, việc giao dịch mua bán đều thông qua các brokers (môi giới) có giấy phép hành nghề với các quy định rõ ràng từ các cơ quan chức năng. Hoa hồng môi giới được thống nhất theo luật. Hợp đồng môi giới được chính phủ phát hành theo một mẫu thống nhất trên toàn quốc. Do đó, sẽ quản lý số lượng giao dịch trong năm cũng như dễ dàng kiểm soát được nạn rửa tiền trong mua bán bất động sản.

Trước đây, sàn môi giới ở tỉnh, thành nào thì do Sở Xây dựng địa phương đó cấp chứng chỉ môi giới. Điều đó tiện lợi cho người được cấp chứng chỉ nhưng dễ tạo ra chuyện 63 tỉnh, thành sẽ có 63 “giấy phép con” khác nhau, dẫn đến không thống nhất. Cho nên, thống nhất về một đầu mối là Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ là đúng. Tuy nhiên, thông tư này cần hướng dẫn rõ: Đầu mối nhận hồ sơ xin cấp chứng chỉ có phải Sở Xây dựng hay không ?. Sau khi tiếp nhận hồ sơ thì Sở Xây dựng có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến Bộ Xây dựng hay cá nhân tự làm ?.

Theo dự thảo thông tư, để hành nghề môi giới BĐS, cá nhân phải thông qua một kỳ thi sát hạch. Về điều kiện dự thi, người đăng ký dự thi sát hạch để cấp chứng chỉ môi giới BĐS phải có đủ các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có lý lịch rõ ràng; có bằng THPT trở lên; có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng kiến thức về môi giới BĐS (nếu có); nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ và phí dự thi theo quy định tại điều 5 dự thảo thông tư này. Hội đồng thi do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định thành lập cho từng kỳ thi theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản….

“Cần quy định, khóa học bồi dưỡng kiến thức về môi giới BĐS sẽ do nơi nào dạy (nơi nào đủ điều kiện để được dạy)? Thời gian học là bao lâu? Theo tôi, về lâu dài nên ghép việc cấp chứng chỉ nghề này vào nội dung đào tạo của các trường dạy nghề, vừa đảm bảo về chất lượng của tín chỉ. Học viên được tham gia đào tạo và tuân thủ theo qui định tại trường đào tạo nghề đó (trường đủ điều kiện) và trường sẽ cấp chứng chỉ nghề cho học viên. Chứ theo qui định đào tạo một nơi rồi lại lo thi sát hạch một nơi thì rườm rà. Tôi cho rằng, quá trình cấp tín chỉ môi giới BĐS còn rắc rối, cần phải xem lại, vì chúng ta đang cải cách hành chính, đơn giản, dễ dàng mà đảm bảo mục tiêu đề ra”, ông Thành nói.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này