Kiên quyết xử lý sau kết luận thanh tra

14:20 | 26/05/2015
Hiện nay, sau khi ban hành các kết luận thanh tra, không ít cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm không bị xử lý. Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định việc thực hiện các kết luận thanh tra.
Kết luận thanh tra việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội
Không thể coi là sai phạm và thất thoát

Theo Nghị định số 33/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2015, quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, kết luận thanh tra phải được đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc. Các sai phạm được xác định cụ thể, rõ ràng trong kết luận thanh tra phải được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh; kiến nghị, yêu cầu trong kết luận thanh tra phải được xem xét, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Kết luận thanh tra phải được cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện. Nội dung đang được thanh tra lại, nội dung kết luận thanh tra xin ý kiến chỉ đạo mà chưa có ý kiến chỉ đạo xử lý của người có thẩm quyền thì chưa bắt buộc phải thực hiện.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra khi có một trong các trường hợp sau: Kết luận thanh tra có nội dung xin ý kiến chỉ đạo thực hiện; nội dung kết luận thanh tra có yếu tố nước ngoài; nội dung kiến nghị xử lý trong kết luận thanh tra phù hợp với quy định của pháp luật nhưng thiếu tính khả thi; kết luận thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra cần có văn bản chỉ đạo thực hiện.

Kiên quyết xử lý sau kết luận thanh tra
Đoàn công tác Ban Nội chính Trung ương và Thanh tra Chính phủ làm việc với Thanh tra tỉnh Lào Cai. Ảnh minh họa

Đối với những văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra phải thể hiện rõ ý kiến về kiến nghị trong kết luận thanh tra; về việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; xác định rõ trách nhiệm, thời gian triển khai và thời hạn báo cáo kết quả thực hiện của đối tượng thanh tra, cơ quan ban hành kết luận thanh tra, cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Về nội dung chỉ đạo hoặc yêu cầu, kiến nghị việc thực hiện kết luận thanh tra của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra được ban hành trong một văn bản hoặc từng văn bản riêng. Văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý, văn bản yêu cầu, kiến nghị về thanh tra được quy định trong Nghị định phải được gửi cho cơ quan ban hành kết luận thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện.

Tại Điều 40 và Điều 41 Luật Thanh tra 2010 quy định: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra hoặc nhận được kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra. Người có trách nhiệm xử lý kết luận thanh tra mà không xử lý hoặc xử lý không đầy đủ thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 19 của Nghị định quy định việc thực hiện các kết luận thanh tra, quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình, của Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình, của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình.

Cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tiến hành kiểm tra trực tiếp việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trao đổi với PV, TS.Đinh Văn Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, cho biết: Trong hoạt động thanh tra thì sản phẩm cuối cùng chính là các kết luận thanh tra. Trong các văn bản pháp luật quy định về thanh tra từ trước đến nay không thấy đưa ra định nghĩa hay khái niệm về kết luận thanh tra. Bản thân khái niệm này cũng được hiểu với phạm vi khác nhau có thể đơn giản chỉ hiểu theo nội dung của nó hoặc bao gồm cả nội dung và tính chất của nó. Nói chung, cho đến nay có thể hiểu kết luận thanh tra là một loại văn bản hành chính do cơ quan có thẩm quyền ban hành trong đó thể hiện sự đánh giá chính thức của cơ quan tổ chức đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành chính sách pháp luật của tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra với những nội dung đã được ghi trong quyết định thanh tra và những biện pháp xử lý đối với các vi phạm hoặc những kiến nghị khác.

Thường Chiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này