Tăng lương tối thiểu vùng năm 2016

Làm sao để người lao động không còn muốn tăng ca ?

09:54 | 23/05/2015
Đời sống của CNLĐ còn nhiều khó khăn, lương tối thiểu không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2016 phải từ 18-20%, nếu lộ trình tăng chỉ bằng mức năm 2015 (tăng 15%) thì chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ. 
Lương tối thiểu vùng phải tăng từ 18- 19% mỗi năm
Bị hành đủ kiểu nếu không... “tự nguyện tăng ca”

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại buổi tọa đàm “Thực hiện chính sách tiền LTT vùng trong các doanh nghiệp (DN) năm 2015 tại TP HCM do Viện Công nhân Công đoàn, Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ TP HCM vừa tổ chức. Hội thảo nhằm đánh giá đời sống của NLĐ khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2015 và làm cơ sở cho Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng phương án đề xuất mức lương tối thiều vùng năm 2016.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM cho biết, qua khảo sát thực tế, so với điều kiện sống ở TP HCM thì mức lương hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của NLĐ. Nhiều DN khi thực hiện việc điều chỉnh lương, đã cắt các khoản phụ cấp, trong khi các khoản phụ cấp này (chuyên cần, nhà trọ, xăng, tiền ăn…) chiếm từ 1/4-1/3 tổng thu nhập nên lương của NLĐ có tăng nhưng chỉ tăng lương cơ bản (dùng làm cơ sở đóng BHXH) còn tổng thu nhập thì vẫn vậy.

Làm sao để người lao động không còn muốn tăng ca ?
CNLĐ có nhu cầu tăng ca vì lương cơ bản chưa đủ sống (Ảnh minh họa)

Ông Đặng Quang Hợp, Trưởng Phòng nghiên cứu pháp luật Viện Công nhân Công đoàn cũng nhìn nhận, việc điều chỉnh LTT vùng hiện nay chỉ thấy rõ ở những đối tượng lao động có thu nhập thấp hơn mức LTT vùng hoặc những lao động làm việc hưởng lương thời gian. Còn những lao động hưởng lương sản phẩm thì việc nâng lương chỉ thể hiện ở việc đóng BHXH tăng, còn tổng thu nhập vẫn không thay đổi, do đó đời sống CN còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu CN-CX Hà Nội, lương căn bản của người lao động trong các KCN - KCX qua các năm đều được điều chỉnh tăng, nhưng do giá cả hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn làm cho tiền lương thực tế của NLĐ giảm sút. Do vậy, phần lớn CN đều muốn làm thêm để tăng thu nhập. Rõ ràng chỉ khi nào NLĐ không còn đòi hỏi tăng ca thì lúc đó mới chứng tỏ đời sống của họ được nâng lên.

Cũng chính vì mức lương tối thiểu không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu nên có một nghịch lý hầu hết CN thích tăng ca. PGS,TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn từng nói: Bây giờ không thể nói CN bị tăng ca nữa mà phải nói CN được tăng ca. Theo ông Thọ, dù đã rất mệt mỏi sau những giờ làm chính nhưng CN vẫn khát tăng cả để có thêm thu nhập trang trải cho sinh hoạt và hy vọng có thêm chút tích lũy.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung, TP HCM), cũng cho biết thu nhập bình quân của CN chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng kể cả phụ cấp, nên nếu chỉ dựa vào lương cơ bản thì tổng thu nhập của 2 vợ chồng cũng không đủ sống. Do đó, CN ở Công ty Nissei Electric Việt Nam luôn tha thiết được tăng ca. Không chỉ CN Cty Nissei Electric Việt Nam, hầu hết CN ở các công ty khác cũng muốn tăng ca, thậm chí họ còn ngừng việc để đòi tăng ca.

Không chỉ ở TP HCM, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hà Nội, CN cũng mong muốn được tăng ca. Nguyễn Thị Thu, CN khu CN Bắc Thăng Long thẳng thắn: Để có được mức thu nhập tương đối, tôi phải tăng ca “mờ” cả mắt. Nhưng không tăng ca thì không có tiền để gửi về phụ giúp gia đình. “Ngày nào tôi cũng “xung phong” tăng ca. Bạn bè tôi cũng thường xuyên tăng ca để kiếm thêm thu nhập”, Thu chia sẻ.

Khảo sát tại các dãy phòng trọ, một điều khiến nhiều người phải trăn trở là vì áp lực kiếm tiền, CN sẵn sàng từ chối những buổi giải trí, sinh hoạt công cộng để tăng ca. Nhiều CN giải thích: “Tăng ca có thêm tiền gửi về quê cho gia đình, còn vui chơi, giải trí chỉ tốn kém”.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu CN-CX Hà Nội, lương căn bản của người lao động trong các KCN - KCX qua các năm đều được điều chỉnh tăng, nhưng do giá cả hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn làm cho tiền lương thực tế của NLĐ giảm sút. Do vậy, phần lớn CN đều muốn làm thêm để tăng thu nhập. Rõ ràng chỉ khi nào NLĐ không còn đòi hỏi tăng ca thì lúc đó mới chứng tỏ đời sống của họ được nâng lên.

Từ thực tế đó, nhiều đại biểu tham dự tọa đàm đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ tăng LTT vùng năm 2016 từ 18%-20%. Song song với việc điều chỉnh lương, nhà nước cần duy trì chỉ số giá tiêu dùng hợp lý. Có như thế mới tránh được tình trạng lương tăng mãi vẫn không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Đồng thời cần quy định rõ trong nghị định khi DN thực hiện tăng lương không được cắt những khoản phụ cấp đang thực hiện tại đơn vị.

Lâm-Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này