Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Còn nhiều bất cập

11:35 | 21/05/2015
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo lộ trình đến năm 2020, được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956/QĐ – TTg ngày 27/11/2009 (Đề án 1956), đã đi được một nửa chặng đường. Kết quả cho thấy, đề án là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tuy nhiên trong quá trình triển khai ở một số địa phương vẫn xảy ra những bất cập.
Đào tạo nghề nông thôn phải chi tiết, cụ thể
Đào tạo nghề ở nông thôn: 80% học viên tìm được việc làm phù hợp

Dạy nghề tràn lan

Sau hơn 5 năm thực hiện, không thể phủ nhận đề án đang đi đúng hướng, đúng mục tiêu. Thế nhưng, ở nhiều nơi mục tiêu mà đề án muốn mang đến cho nông dân, lại chưa thực hiện được.

Đơn cử như việc người dân ở huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, nơi mà phần lớn người dân chỉ làm nương rẫy đi lại phần lớn bằng ngựa thồ thì đề án lại tập trung đào tạo các lớp sửa chữa xe máy. Hoặc có những nơi người dân cần được học, được tiếp cận nhiều hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đòi hỏi thời gian đào tạo nghề lâu dài, thì các lớp học thuộc đề án lại chỉ dạy và hướng dẫn trong thời gian ngắn một, hai tháng. Chính vì vậy, học viên tham gia lớp học chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” không ứng dụng được kiến thức học vào cuộc sống.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Còn nhiều bất cập
Đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn còn bất cập

Vấn đề dạy học không sát với thực tế, hay không đúng theo nhu cầu cần thiết của người dân đã từng được ông Nghiêm Trọng Quý, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thừa nhận: Tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân chỉ đi học nghề như là một phong trào, thậm chí họ chỉ đến học cho có danh sách, được ghi tên và chờ tiền trợ cấp. Nguyên nhân khiến người dân không quan tâm đến lớp học một là do đối tượng học, hai là do chương trình đào tạo chưa sát với thực tế dẫn đến việc học nghề chưa thực sự có hiệu quả. Nhiều chương trình học lại đòi hỏi quá nhiều chi tiết về kỹ thuật, khiến người dân sau khi học khó áp dụng vào thực tế. Mục tiêu tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động là hợp lý, nhưng lại chưa được đảm bảo bởi từ chính các cấp địa phương trong việc hoạch đình chương trình, hoạch định đối tượng học nghề chưa sát với thực tế gây lãng phí.

Đầu ra còn bế tắc

Một vấn đề bất cập khác trong quá trình thực hiện đề án, sau khi được các cấp cơ sở triển khai, là nhiều nông dân sau thời gian học nghề, họ vẫn tiếp tục làm nghề cũ hoặc sản xuất theo phương pháp cũ. Nguyên nhân chính là do không tìm được đầu ra cho các sản phẩm, cũng như việc tiếp cận với ngồn vốn của đề án còn nhiều thủ tục rườm rà…

Trong khi đó, nhiều địa phương, nhiều cơ sở lại chưa thực sự chú trọng vào vấn đề hiệu quả, và tính thiết thực của đề án, mà chỉ chú trọng chạy theo số lượng, thành tích, quên đi mấu chốt của vấn đề chính là đào tạo nghề đạt hiệu quả. Hiệu quả chính là sau khi học nghề người lao động làm việc ở đâu? Họ có đáp ứng được công việc không? Khi sản xuất ra sản phẩm rồi thì họ sẽ tiêu thụ như thế nào? Vấn đề này chưa thực hiện được một cách triệt để.

Đứng trên bình diện chung, việc dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay theo đề án mới chỉ đáp ứng theo dạng tự cung, tự cấp. Bởi vậy, để đề án thực sự có hiệu quả, các nhà quản lý cấp cơ sở cần phải làm triệt để hơn, cần tổ chức lại thị trường, tạo lòng tin giữa người sản xuất, người nông dân với các đơn vị dịch vụ, và phối hợp với các cơ sở, doanh nghiệp để tìm đầu ra cho nông dân.

Sau khi nắm bắt được những thiếu sót mà đề án 1956 đang triển khai, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo TW thực hiện Đề án 1956 đã yêu cầu, các địa phương cần đảm bảo các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp. Để phát huy tối đa hiệu quả hỗ trợ từ đề án, nhiều địa phương đã có những thay đổi tích cực theo hướng đào tạo giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành…Hiện nay nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc nhân rộng mô hình dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, đảm bảo đầu ra cho lao động sau đào tạo.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này