Trào lưu giải trí

Cần “Vacxin” chống tác động xấu từ trào lưu du nhập

11:36 | 21/05/2015
Sức hút của những trào lưu giải trí, đặc biệt là các trào lưu du nhập từ nước ngoài khiến giới trẻ mải miết chạy theo mà vô tình quên đi bản sắc văn hóa Việt. Ranh giới giữa lành mạnh và tự do phóng túng, thác loạn rất mong manh nếu như giới trẻ bị tâm lý đám đông thâu tóm.
Trào lưu dội nước đá: Trò lố!
“Ngộ độc” trào lưu… “đòi quà, cởi đồ”

Vừa qua, hàng trăm bạn trẻ Hà thành đã tham gia vào “đại tiệc bikini” (pool party) trong khuôn viên bể bơi. Các nam thanh nữ tú diện đồ bơi và thoả sức nhảy múa, đùa giỡn dưới nước trên nền nhạc sôi động.

Cần “Vacxin” chống tác động xấu từ trào lưu du nhập
"Đại tiệc bikini" thu hút dư luận.

Pool party là một hoạt động giải trí phổ biến được tổ chức hàng năm của giới trẻ ở các nước phát triển. Tuy nhiên tại Việt Nam vẫn còn khá mới nên sự kiện này đã trở thành tâm điểm của dư luận. Người ủng hộ thì cho rằng đây là một hoạt động thú vị. Còn người không đồng tình thì lên án trào lưu này chỉ mang tính ăn chơi, thác loạn, không phù hợp với văn hóa Á Đông của người Việt. Tuy trước mắt vẫn chưa có vấn đề gì tiêu cực phát sinh sau bữa “tiệc bikini” vừa qua, nhưng nếu những "bữa tiệc bikini" sau này là môi trường để giới trẻ sống buông thả thì phải lên án. Vậy hòa nhập, giao thoa như thế nào để không bị hòa tan, thiếu chắt lọc ?. LĐTĐ đã trao đổi với một số chuyên gia văn hóa xã hội về vấn đề này.

Quan trọng là yếu tố nội sinh

Cần “Vacxin” chống tác động xấu từ trào lưu du nhập

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển Việt Nam cho rằng: Việc xã hội mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp xúc giao lưu quốc tế cũng có hai mặt của nó. Nếu chúng ta tiếp nhận những tinh hoa, nét đẹp phù hợp với điều kiện đất nước để phát triển văn hóa dân tộc thì là điều tốt. Còn nếu tiếp nhận những cái không phù hợp thì sẽ làm mất đi bản sắc của văn hóa truyền thống, làm lệch lạc xu thế, thẩm mỹ của giới trẻ, gây ra những hệ lụy khó lường. Ở đây có thể kể đến là việc các bạn trẻ cuồng thần tượng một cách thái quá dẫn đến những hành vi lệch chuẩn như hôn ghế thần tượng, ăn mặc, nói năng học đòi, hay sống quần hôn. Đó là những vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.

Theo ông Đức, trong đời sống không hẳn lúc nào cũng đưa ra được định nghĩa chính xác về sự chuẩn mực cho nên nhiều trào lưu mới tuy không phù hợp với tư duy cũ ở thời điểm hiện tại nhưng rồi giới trẻ cũng thích nghi và quen dần. Bởi đặc tính tâm lý của giới trẻ là thích khám phá tìm tòi những điều mới mẻ. Thậm chí có những em bản năng là thích sự phá phách, thích thể hiện nên khi không có trào lưu nào làm thỏa mãn thì họ lại tìm đến những cái gì mình thích nhất rồi loay hoay với cái vòng xoáy của cơn lốc trào lưu mà thiếu sự định hướng. Đây cũng là một trong nhiều căn nguyên của việc giới trẻ chạy theo trào lưu.

Xã hội cũng không thể ngăn cản, cấm đoán giới trẻ tiếp nhận những cái hay cái dở trước sức mạnh của truyền thông, của internet. Tất cả phải được hình thành từ yếu tố nội sinh bên trong của mỗi đứa trẻ. Tức là gia đình, cộng đồng, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội phải lành mạnh thì mới giáo dục, định hướng được cho giới trẻ. “Tôi ví đây là một liều vác xin tiêm sẵn vào giới trẻ để họ không thể phản ứng với tác động xấu bên ngoài. Đó mới là điều quan trọng mà chúng ta hiện nay cần phải làm”, ông Lê Quý Đức nói

Lỗi do truyền thông

Cần “Vacxin” chống tác động xấu từ trào lưu du nhập

Đó là quan điểm của nhà lý luận phê bình Văn Giá về nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ mê muội chạy theo trào lưu mới một cách thiếu chọn lọc. Ông Giá giải thích: Hiện nay các nhà tổ chức thường thổi các hoạt động giải trí thành những trào lưu mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thiếu sự nghiên cứu. Họ chỉ biết quảng cáo cốt để công chúng biết đến thương hiệu của mình hoặc theo hướng thương mại hóa. Chính sự vội vàng này khiến người tham gia không được chuẩn bị một tri thức, một sự hiểu biết với thái độ ứng xử chuẩn mực nên mới sinh ra “loạn”. Tiêu biểu là “đại tiệc bikini” vừa qua. Đơn vị tổ chức chưa có sự thử nghiệm nghiêm túc cách thức của nước ngoài trước khi tổ chức, cung cấp thông tin nên chưa tạo được giá trị văn hóa. Rất có thể sẽ có người không tốt lợi dụng sinh hoạt tập thể này để dở trò sàm sỡ các chủ thể tham gia.

“Sau này không thể tránh khỏi sự du nhập ồ ạt của các trào lưu mới. Vấn đề là chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ càng để tạo ra văn hóa của các lễ hội, sinh hoạt tập thể, sinh hoạt đám đông của lớp trẻ. Văn hóa là sự hiểu biết, cách ứng xử đẹp, tôn trọng cộng đồng, tôn trọng chính mình, và tránh bị lợi dụng. Bởi trong bất cứ trào lưu nào, bất kể ai, dù là những người có trình độ, đạo đức cao cũng bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông khiến bản thân bị kích động, a dua theo đám đông mất đi sự kiểm soát”, ông Giá nhận định.

Cũng theo ông Giá, rất khó để đưa ra các lời khuyên cho giới trẻ ngoài biện pháp tăng cường truyền thông. Hiện nay, nguy hiểm nhất là các đơn vị tổ chức thiếu trách nhiệm và năng lực truyền thông kém vì mải chạy theo lợi nhuận mà quên đi giá trị văn hóa. Truyền thông ở đây không chỉ hiểu là trên báo chí, trong nhà trường, trong cộng đồng mà quan trọng trực tiếp từ các đơn vị tổ chức. Các đơn vị tổ chức phải tích cực truyền thông bằng nhiều hình thức một cách đàng hoàng, bài bản nhằm giúp cho những người tham gia nâng cao nhận thức, am hiểu kỹ lưỡng để rồi sau đó xác định tâm thế tham gia một cách đầy chủ động với tư thế đẹp.

Người lớn phải làm cho giới trẻ tâm phục

Cần “Vacxin” chống tác động xấu từ trào lưu du nhập

TS. tâm lý học Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, không nên cái gì xấu cũng đổ lỗi cho nước ngoài. Việt Nam cũng có nhiều trào lưu xấu. Chúng ta phải tỉnh táo không nên học theo thói xấu dù là nước ta hay nước bạn. Với “đại tiệc bikini”, nếu hoạt động này không mang lại bất kỳ hậu quả tiêu cực nào thì không có lý do gì để chúng ta không tiếp tục. Những hoạt động tập thể rất cần thiết cho giới trẻ, đặc biệt vào mùa hè.

Vấn đề ở đây là sự định hướng, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, cộng đồng. Nhưng giáo dục như thế nào để cho giới trẻ tâm phục mới là câu hỏi khó? Theo TS Khuất Thu Hồng, trong thời kỳ mở của nhân loại có cái hay cái dở, quan trọng là mình phải nhận biết nó như thế nào, có phù hợp với nền văn hóa, cuộc sống của mình hay không. Vì vậy người lớn phải hướng dẫn để giới trẻ nhận ra những giá trị văn hóa, những nguyên tắc sống tốt đẹp, chứ không phải mù quáng bắt chước những trào lưu phản cảm. Bởi ở lứa tuổi của các em chưa đủ để nhận ra những hậu quả lâu dài, nếu để các em tự mò mẫm trên một con đường không có sự dẫn dắt thì rất dễ bị vấp ngã. Xã hội, nhà trường, bố mẹ định hướng cho giới trẻ không phải bằng cách nhồi nhét, mắng mỏ, cấm đoán không được làm cái này hay cái khác mà họ phải làm sao sống tốt, sống lành mạnh để làm gương cho giới trẻ.

Xã hội phát triển, hội nhập với thế giới thì việc du nhập văn hóa từ các nước phát triển là điều khó tránh khỏi. Biết bao những trào lưu, phong cách sống được nảy sinh, tốt có, xấu có xen lẫn nhau. Bên cạnh những lễ hội, trào lưu du nhập từ các nước phương Tây mang lại những giá trị đẹp như lễ hội hóa trang Halloween, trào lưu luyện tập và biểu diễn dân vũ,… không ít những trào lưu khiến giới trẻ vấp ngã. Họ khám phá, đón nhận những điều mới mẻ bằng sự đua đòi, thiếu chắt lọc, chạy theo các trào lưu mà không đến được đích. Lối sống thiếu chuẩn mực này khiến một số bạn trẻ sống ngày càng mất đi lập trường, mất đi mục tiêu.

Nguyễn Hoài

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này