Vì sao nhiều người dân trong xã Nghĩa An “lĩnh sổ tử”?

08:55 | 19/05/2015
Từ năm 2008 đến nay, nhiều người dân ở xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, Nam Định mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Trước việc nhiều người mắc bệnh ung thư một cách bất thường khiến người dân nơi đây hoang mang, sợ hãi.
104 làng nghề ô nhiễm nhất cần phải xử lý
Khổ vì sống chung với nước bẩn!
Dân bất an vì nguồn nước ô nhiễm trầm trọng

Khốn khổ vì ô nhiễm

Về xã Nghĩa An bây giờ, đường nhựa, bê tông phẳng lì bên cạnh san sát nhà kiên cố, cao tầng báo hiệu sự phát triển kinh tế mạnh mẽ ở một làng quê. Nhưng, chúng tôi thấy một điều lạ là nhà nhà đều cửa đóng then cài, lác đác vài người đi ngoài đường cũng bịt khẩu trang kín mít, không khó để xác định nguyên nhân là do mùi nhựa đường đặc quánh, hăng hắc cùng khói bụi than đen mù mịt khắp vùng.

Tạt vào bên đường, gõ mạnh vào cửa một ngôi nhà, một lúc sau mới có người đàn ông bước ra mời chúng tôi vào nhà rồi khép ngay cửa lại. “Tôi là cựu chiến binh, vào sinh ra tử trong chiến trường bom đạn, nhưng chẳng hề nao núng, sợ hãi. Ấy vậy mà, từ năm 2008 đến nay, tôi thấy sợ không khí ô nhiễm lắm. Không chỉ không khí mà nguồn nước cũng bị ô nhiễm nặng. Gần trăm người nơi đây đã “lĩnh sổ tử” vì mắc bệnh ung thư rồi. Những cái chết từ từ, đau đớn, ai chẳng ớn lạnh, sợ sệt…”, ông Đoàn Văn Điều, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xóm 16, xã Nghĩa An tâm sự.

Vì sao nhiều người dân trong xã Nghĩa An “lĩnh sổ tử”?
Ông Đoàn Văn Điều

Như để chứng minh cho điều mình nói là đúng, ông Điều vội vàng đến bên góc nhà, lấy mũ, khẩu trang, kính mắt rồi dẫn chúng tôi đi. Theo chân ông Điều, đi khoảng hơn trăm mét, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy chóng mặt, mùi dầu đốt khét lẹt, tức ngực. “Tất cả đều là do công ty nấu dầu tái chế kia gây ra đấy…”. Theo hướng chỉ tay, chúng tôi thấy xa xa một nhà máy nấu dầu thải có vài ống khói vươn lên trời nhả ra làn khói đen kịt.

Thấy chúng tôi lắc đầu ngán ngẩm, ông Điều tiếp tục dẫn chúng tôi vào một nhà ven đường, mở vòi nước ra chiếc thau trắng. Để ý kỹ, quả thực chúng tôi thấy một lớp váng dầu mỏng nổi trên thau. Khi dùng tay vục nước cho lên mũi ngửi, hoặc cho vào miệng thì thấy có mùi dầu.

“Không khí ô nhiễm là vậy, nguồn nước cũng có dầu nhớt, các anh muốn biết tình trạng sức khỏe của người dân nơi đây thế nào không?”, cất tiếng hỏi, chưa kịp để chúng tôi trả lời, ông Phan Xuân Chính, một cựu chiến binh của thôn 16, kéo tay chúng tôi đi. Vừa đi, ông vừa bức xúc: Đến người trẻ khỏe như các anh, vừa về một tí đã thấy khó chịu. Vậy mà chúng tôi phải sống chung với tình trạng này gần chục năm nay. Cuộc sống người dân đã thực sự đảo lộn từ khi Công ty TNHH Tùng Dương về đây mở nhà máy nấu dầu thải. Từ đó, những người dân trong xã cứ lần lượt tìm đến bệnh viện khám, chữa bệnh. Đáng ngại nhất là từ đó đến nay gần trăm người trong xã đã lĩnh án tử vì mắc bệnh ung thư…

Dẫn chúng tôi đến một số gia đình có người thân mới chết vì mắc bệnh ung thư, nhìn những di ảnh vẫn còn mới bên bát hương nghi ngút mà thấy xót xa. Cạnh đó, những đứa trẻ còn quấn khăn tang vì sự ra đi đột ngột của bố mẹ. Nhìn những cụ già nằm bẹp trên giường hoặc tư lự đưa ánh mắt sầu thẳm nhìn vào khoảng không vô định khiến chúng tôi không chạnh lòng, dâng lên niềm thương xót. “Thấy trong người lúc nào cũng mệt mỏi, cùng những trận ho như rút ruột, gia đình đưa tôi đi khám thì phát hiện bị ung thư vòm họng. Ngày biết kết quả, tôi chết lặng vì mình là lao động chính trong gia đình”, anh Nguyễn Văn P ôm ngực ho sù sụ cho biết. Cũng theo anh, người dân bỗng mắc bệnh thường xuyên, khi đi khám, kết quả ung thư vòm họng, dạ dày, phổi… khiến họ vô cùng hoang mang sợ hãi.

Nhà máy nấu dầu thải không phép?

Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân địa phương lần lượt “lĩnh sổ tử”, làm đơn kêu cứu nhưng không được xử lý triệt để. Người dân họp nhau, cử người đi tìm hiểu thì được biết vào tháng 8/2008, Công ty TNHH Tùng Dương do ông Phạm Văn Tùng làm giám đốc (đóng trên địa bàn xã Nam Vân, TP. Nam Định), vì vi phạm Luật Bảo vệ môi trường đã bị Công an Nam Định lập biên bản đình chỉ hoạt động cơ sở tái chế dầu thải. Thế nhưng không lâu sau, Công ty TNHH Tùng Dương chuyển xuống thuê đất của người dân xã Nghĩa An với thỏa thuận ban đầu là mở xưởng sản xuất nhựa nhưng khi đi vào hoạt động lại là lò nấu dầu thải. Không chỉ người dân xã Nghĩa An, qua tìm hiểu của nhóm phóng viên, đối diện bên kia sông Đào là người dân đội 7, 8 thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản cũng bị ảnh hưởng vì sự ô nhiễm môi trường do công ty này gây ra.

Trước phản ánh của dân, tháng 5/2012, Sở TN và MT tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Chi cục BVMT phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), Phòng TN và MT huyện Nam Trực và UBND xã Nghĩa An kiểm tra, xác minh thực tế vi phạm của Cty TNHH Tùng Dương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Tùng Dương mới có giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại do Tổng cục Môi trường cấp lần đầu vào ngày 10/2/2015. Như vậy, trong thời gian từ 8/2008 – 2/2015, Công ty TNHH Tùng Dương không có giấy phép hành nghề nhưng vẫn hoạt động?. Đó còn là chưa kể, dù đã được cấp phép, nhưng hiện nay tình trạng ô nhiễm vẫn còn. Vậy việc cấp phép đã đúng trình tự, đúng tiêu chuẩn về đánh giá tác động môi trường hay chưa?

“Chúng tôi đang đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh giấy phép này. Trước khi cấp giấy phép cho công ty Tùng Dương thì nhóm tư vấn kỹ thuật của Tổng cục Môi trường đã làm việc thời gian nào, gồm những ai… đã đánh giá tác động môi trường của Công ty Tùng Dương như thế nào? Trong trường hợp nào thì có thể rút giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại?...”, ông Nguyễn Khắc Cứ một cựu chiến binh ở đây cho biết.

Thượng tá Hoàng Thọ Tùng – Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nam Định cho biết: “Cách đây mấy ngày Công ty TNHH Tùng Dương đã mời các cơ quan chức năng đến giới thiệu giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại”. Khi được hỏi về việc từ năm 2008 đến trước thời điểm 2/2015, Công ty TNHH Tùng Dương có được phép hoạt động không thì ông Tùng trả lời “Chắc chắn là không”. Ông Tùng khẳng định, Phòng Cảnh sát môi trường lập biên bản xử phạt Công ty TNHH Tùng Dương 4 lần vì vi phạm ô nhiễm môi trường, trong đó, lần cao nhất là 200 triệu đồng.

Đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành kiểm tra việc vận hành của Cty TNHH Tùng Dương có thực sự đảm bảo môi Trường hay vẫn đang gây ô nhiễm làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Sơn Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này