Bảo vệ người lao động thông qua trợ giúp pháp lý

07:00 | 09/05/2015
Trong khi trình độ nhận thức xã hội, pháp luật của CNLĐ còn hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật lao động và các chế độ chính sách của người lao động vẫn diễn ra phổ biến, việc bảo vệ người lao động thông qua tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật và trực tiếp can thiệp, trợ giúp pháp lý cho NLĐ luôn là một nhiệm vụ quan trọng của tổ chức CĐ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này còn gặp nhiều khó khăn và chưa được đầu tư đúng mức. 
Công đoàn kiên quyết bảo vệ người lao động và doanh nghiệp
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở : Phải chủ động Bảo vệ người lao động

Hỗ trợ pháp lý cho NLĐ

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động, thời gian qua, các cấp CĐ Thủ đô luôn đặc biệt chú trọng công tác này. Trung tâm tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội cùng với tổ TVPL CĐ các quận, huyện, ngành đã tích cực hoạt động, phát huy tốt vai trò của mình thông qua việc tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động với nhiều hình thức đa dạng như tư vấn tại trụ sở đơn vị, tư vấn qua điện thoại, tư vấn lưu động tại doanh nghiệp đồng thời chủ động, tích cực tham gia giải quyết các xung đột pháp lý trong quan hệ lao động, hỗ trợ pháp lý cho người lao động.

Điển hình cho hoạt động của các tổ tư vấn pháp luật cấp quận, huyện phải kể đến tổ tư vấn pháp luật của LĐLĐ quận Ba Đình. Ông Nguyễn Đức Vinh- tổ trưởng tổ tư vấn pháp luật LĐLĐ quận Ba Đình cho biết, ngoài việc tuyên truyền, tư vấn, phổ biến pháp luật cho NLĐ, các thành viên tổ tư vấn pháp luật của LĐLĐ quận còn trực tiếp tham gia vào đoàn kiểm tra liên ngành của quận, phối hợp kiểm tra việc thực hiện Bộ Luật Lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn quận, tham gia giải quyết các tranh chấp lao động ngay từ khi mới phát sinh; hỗ trợ pháp lý cho người lao động.

Bảo vệ người lao động thông qua trợ giúp pháp lý
Cán bộ LĐLĐ Thành phố tư vấn pháp luật cho CNLĐ KCN Bắc Thăng Long

Năm 2014, tổ tư vấn pháp luật LĐLĐ quận Ba Đình đã hỗ trợ nhiệt tình cho một người lao động trong quá trình khởi kiện doanh nghiệp vi phạm chế độ chính sách ra tòa án. Đó là trường hợp chị Đào Thị Mai Anh (trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình, HN). Ông Nguyễn Đức Vinh kể: chị Mai Anh giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn kể từ tháng 9/2009 tại Cty TNHH Ý Tưởng Đẹp, quận 3, TPHCM, chi nhánh Hà Nội. Đến tháng 12/2013, do không chấp nhận mức lương trả thấp hơn mức thỏa thuận và đã trả trước đây, chị Mai Anh bị Cty chấm dứt HĐLĐ, đồng thời không trả sổ BHXH và làm các thủ tục, chế độ khi chấm dứt HĐLĐ. Tháng 11.2014, LĐLĐ quận Ba Đình mới nhận được đơn “cầu cứu” của chị, khi đã gần hết thời hiệu khởi kiện. Mặc dù chi nhánh không nằm trên địa bàn quận và cũng không có tổ chức CĐ, thế nhưng tổ tư vấn pháp luật của quận vẫn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ chị khởi kiện. Sau rất nhiều khó khăn, đến nay TAND quận đã thụ lý và tiếp tục giải quyết.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Vinh, không chỉ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người lao động, LĐLĐ quận Ba Đình mà trực tiếp là tổ tư vấn pháp luật còn luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho cho cả người sử dụng lao động để giữ cho mối quan hệ giữa hai bên hài hòa, ổn định. Chẳng hạn, vào tháng 10/2014, văn phòng đại diện của Cty TNHH MENARINI (Singapore) tại Hà Nội có ý định cắt giảm 9 lao động với lý do “biến động thị trường cùng một số khó khăn trong hoạt động kinh doanh”. Vì ở Cty chưa thành lập tổ chức CĐ nên đơn vị đã cử đại diện đến LĐLĐ quận để được tư vấn cách giải quyết… “Sau khi nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, tổ tư vấn pháp luật của LĐLĐ quận đã hướng dẫn Cty thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, đồng thời động viên ban lãnh đạo Cty tạo điều kiện cho 2 lao động đã làm việc lâu dài ở Cty, có hoàn cảnh khó khăn, được bồi dưỡng chuyên môn khác và tiếp tục làm việc tại Cty. Các trường hợp còn lại được thực hiện đầy đủ các chế độ theo đúng quy định"- ông Nguyễn Đức Vinh cho biết.

Cần được chú trọng, đầu tư đúng mức hơn

Có thể nói hoạt động của tổ tư vấn pháp luật LĐLĐ quận Ba Đình cùng với các tổ tư vấn pháp luật từ thành phố tới cơ sở nói riêng, công tác tư vấn pháp luật cho người lao động ở thủ đô nói chung đã đóng góp tích cực đến việc nâng cao nhận thức của CNLĐ, có tác động to lớn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhiều tập thể và cá nhân trong quan hệ lao động, giảm các cuộc ngừng việc tập thể.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thu Hương - Phó GĐ Trung tâm Tư vấn pháp luật CĐ Hà Nội - công tác tư vấn pháp luật cho người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có nơi, có lúc còn chưa quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí cho công tác tư vấn pháp luật; trình độ nghiệp vụ và hiểu biết pháp luật của mạng lưới tư vấn cơ sở còn hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật còn mỏng; địa điểm tư vấn của các tổ TVPL không thuận lợi…

Còn ông Nguyễn Đức Vinh thì cho rằng, hầu như ở tất cả các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, CĐ ngành… cán bộ làm công tác chính sách đều kiêm nhiệm luôn cả các hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia nhiều hoạt động khác như tổ chức, tuyên giáo, BHLĐ, kiểm tra... Thường các cán bộ này cũng đồng thời là hòa giải viên lao động của các quận, huyện nên khối lượng công việc rất lớn, hoạt động nghiệp vụ đan xen, vì thế khó có điều kiện chuyên sâu. Đối với một số tổ tư vấn pháp luật cấp quận huyện, điều kiện cơ sở vật chất còn chật hẹp, nghèo nàn, phương tiện làm việc thiếu thốn cản trở không nhỏ đến chất lượng tư vấn pháp luật.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tư vấn pháp luật, bà Vũ Thu Hương cho rằng trước hết cần tạo chuyển biến về nhận thức của chủ sử dụng lao động và NLĐ về sự cần thiết của việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho CNLĐ. Tăng cường phân cấp và quy rõ trách nhiệm cho từng cấp CĐ trong việc tổ chức hoạt động tư vấn, đánh giá hiệu quả về công tác này. Còn ông Nguyễn Đức Vinh thì đề xuất mặc dù về tổ chức bộ máy của trung tâm tư vấn pháp luật là hoàn toàn độc lập, nhưng cần phân biệt ra thành hai nhóm công việc cụ thể. Đó là nhóm các hoạt động tư vấn về các nội dung dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, thương mại… thì được thực hiện theo hình thức dịch vụ có thu phí để tăng thêm nguồn thu cho các hoạt động của trung tâm.

Các hoạt động mang tính chất CĐ thì phải coi như là một bộ phận của công tác CSPL chuyên về các vấn đề LĐ và được tham gia vào các hoạt động tố tụng, như vậy nâng cao trách nhiệm và phát huy được năng lực, sở trường của tư vấn viên pháp luật. Ngoài ra, ông Vinh cũng kiến nghị LĐLĐ Thành phố cần quan tâm chỉ đạo các CĐ cấp trên cơ sở tạo điều kiện hơn nữa, có văn bản hướng dẫn và quy định các chế độ hỗ trợ về thời gian, vật chất cho các tổ tư vấn pháp luật CĐ cấp trên cơ sở có điều kiện hoạt động.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này