Hướng dẫn kiểm tra, xử phạt trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật

08:56 | 05/05/2015
Để công tác quản lý trật tự xây dựng dần đi vào nề nếp, toàn diện trong nhiều lĩnh vực, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành các văn bản hướng dẫn cho lực lượng Thanh tra xây dựng trong việc kiểm tra, xử phạt các công trình vi phạm về hạ tầng kỹ thuật. 
Kiểm tra việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng
Phải dựa vào đặc thù hạ tầng kinh tế

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2015 tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường và tập trung hơn nữa thực hiện 3 nội dung của Chỉ thị 01/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2015” với 3 nội dung chính gồm: Trật tự và văn minh đô thị; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Để tăng cường công tác quản lý, Sở Xây dựng hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố theo quy trình, thủ tục pháp luật quy định.

Đối với quy trình, thủ tục kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, ngày 13/4/2015 Sở Xây dựng đã ban hành hướng dẫn số 3006/HD-SXD về việc hướng dẫn quy trình, thủ tục kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Theo đó, các hành vi vi phạm trong vệ sinh môi trường, quản lý hạ tầng kỹ thuật gồm: Tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi VLXD xuống các khu vực xung quanh hoặc để VLXD không đúng nơi quy định (vi phạm khoản 1, điều 13; khoản 1, điều 27 Nghị định 121/2013/NĐ-CP). Vi phạm quy định về thu gom, vận chuyển, đổ rác thải, phế thải xây dựng và xử lý chất thải rắn thông thường (quy định tại điều 47, Nghị định 121/2013/NĐ-CP và Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND của TP Hà Nội, ban hành quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn).

Hướng dẫn kiểm tra, xử phạt trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật

Vi phạm trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại nhiều KĐT
kéo theo các hệ lụy lụt lội mỗi khi mùa mưa đến.

Các dự án thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết vệ sinh môi trường mà chủ đầu tư không thực hiện (theo Thông tư 26/2011/TT-BTNMT ngày 03/6/2011 của Bộ TN&MT về quy định chi tiết một số điều của Nghị đinh 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, cam kết bảo vệ môi trường). Đối với những công trình không có hoặc có hàng rào công trường nhưng không đảm bảo theo quy định (chắc chắn, kín khít; đảm bảo mỹ quan đô thị; chiều cao tối thiểu là 2m; nằm trên phạm vi đất thuộc quyền sử dụng của chủ đầu tư, nếu ra ngoài phạm vi đất phải có sự chấp thuận của cơ quan, cá nhân quản lý sử dụng đất đó). Các phương tiện vận chuyển VLXD khi ra khỏi công trường không được rửa sạch gây bẩn đường phố, mất mỹ quan đô thị; nhà thầu không dọn dẹp ngay vật liệu rơi vãi, trả lại hè, đường phố, lối đi sạch sẽ sau mỗi lần trung chuyển VLXD, phế thải xây dựng….

Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý hạ tầng kỹ thuật được quy định như sau: Hành vi vi phạm quy định về cấp nước, thoát nước, quy định tại điều 41, điều 42, điều 43, điều 44, điều 45 và điều 46 Nghị định 121/2013/NĐ-CP bao gồm: Khai thác nước ngầm phục vụ thi công dự án khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; vứt chất thải gây ô nhiễm, đào, bới và các hoạt động gây ô nhiễm khác trong khu vực an toàn giếng khai thác nước ngầm.

Xây dựng các công trình trong khu vực vệ sinh an toàn nguồn nước mặt; tự ý đục tuyến ống nước thô và đường ống truyền tải nước sạch. Ngoài ra, những hành vi vi phạm trong quản lý hạ tầng kỹ thuật còn quy định đối với việc sử dụng nước trước đồng hồ đo nước; làm sai lệch, tự ý thay đổi vị trí, kích cỡ đồng hồ đo nước; gỡ niêm phong, niêm trì của thiết bị đo nước. Làm hư hỏng, dịch chuyển tuyến ống, thiết bị kỹ thuật trong mạng lưới cấp nước; tự ý đấu nối đường ống cấp nước, thay đổi đường kính cấp nước. Không cung cấp hoặc có cung cấp nước sạch sinh hoạt nhưng không đảm bảo theo hợp đồng cấp nước. Đổ đất, đá, vật liệu, rác xuống sông, hồ, kênh, mương, hố ga, cống, rãnh thoát nước làm cản trở dòng chảy; xả chất độc hại vào hệ thống thoát nước công cộng, hay tự ý đấu nối vào hệ thống thoát nước…

Theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, công chức thuộc các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã khi phát hiện vi phạm trong việc áp dụng các quy chuẩn, kỹ thuật về xây dựng trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường thuộc địa bàn được phân công, theo dõi, phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính. Đồng thời, yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm ngừng ngay hành vi vi phạm và tự khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Đối tượng bị lập biên bản vi phạm hành chính là các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trên địa bàn TP Hà Nội. Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đã được quy định tại điều 59, Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ. Đối với nội dung biên bản, cần nêu rõ nội dung, hành vi vi phạm và biện pháp xử lý và tuân thủ các quy định tại điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về “lập biên bản vi phạm hành chính”.

Đối với thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với một số vi phạm hành chính có tình tiết phức tạp, thời gian ra quyết định xử phạt có thể kéo dài 30 ngày hoặc 60 ngày, được quy định cụ thể tại điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cần chuyển hồ sơ và đề xuất với Chủ tịch UBND TP; Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng thẩm quyền.

T.S

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này