Chuyện người “liệt sĩ” câm tìm lại gia đình sau gần 10 năm nhận giấy báo tử

05:47 | 28/04/2015
Sau gần 10 năm sống với danh nghĩa là “liệt sĩ” mà không biết, người lính già Nguyễn Ngọc Khoát đột ngột trở về trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình. Thế nhưng ít ai ngờ, để có được sự trở về kỳ diệu ấy, người lính già phải nhờ vào sự giúp đỡ của một cựu chiến binh mù là Trần Văn Vui, quê ở Bắc Giang. 
Mong sớm trả lại tên cho các liệt sĩ vô danh

Sự thật như mơ

Ngày vợ chồng ông Khoát tập tễnh cùng người bạn mù của mình tìm về quê hương và gia đình là một ngày không bao giờ quên. Nhớ lại giây phút ấy bà Thu kể lại: “Khi nhìn thấy ông Khoát trở về, cả gia đình vui mừng khôn xiết. Mà không mừng sao được, ông ấy đã có giấy báo tử gần 10 năm trời. Ngày về của ông Khoát ngày đó ly kỳ lắm. Ông ấy bị câm nhưng khi tìm đường về quê lại được một người bạn mù đưa đường, hỏi lối”.

Bà Thu cho biết, ông Khoát nhập ngũ khi vừa bước sang tuổi 17. Ở cái tuổi “bẽ gãy sừng trâu”, ông Khoát nhanh chóng được nhận về đơn vị đặc công thuộc Tiểu đoàn Đặc công 408 ở Gia Lai – Kon Tum. Trong một lần đi trinh sát đánh đồn địch ở thị trấn Đắk Hà – Kon Tum, đội của ông Khoát bị quân địch phục kích, đánh úp. Đồng đội của ông bị hi sinh nhiều, ông Khoát bị địch bắt làm tù binh và đầy ra đảo Phú Quốc. Khi đơn vị quay lại tìm kiếm nhưng không thấy ông Khoát, họ nghĩ ông đã hi sinh. Sau đó họ đã lập cho ông một ngôi mộ gió ở nghĩa trang Đăk Hà, để tưởng nhớ người “liệt sĩ” này.

Chuyện người “liệt sĩ” câm tìm lại gia đình sau gần 10 năm nhận giấy báo tử
Người vợ hạnh phúc khi nghĩ lại những ngày tháng đã qua

Cũng theo bà Thu, trên giấy báo tử của ông Khoát mà gia đình nhận được ghi ngày mất của liệt sĩ là 24/03/1968. Nhưng thời điểm gửi giấy báo tử về địa phương lại trùng với dịp Tết nguyên đán, vì thế UBND xã đã thống nhất hoãn lại ngày đưa giấy báo tử cho gia đình. “Mẹ chồng tôi kể rằng, phải sau tết gần nửa tháng gia đình mới chính thức nhận được giấy báo tử từ đơn vị của ông ấy chuyển về. Hôm nhận được giấy báo tử của ông Khoát gia đình đau xót lắm. Nhưng không hiểu sao như có linh tính gì đó, mọi người đều có chung cảm giác rằng ông Khoát chưa chết. Thế rồi niềm tin đã thành hiện thực, đúng 7 năm sau khi nhận được giấy báo tử thì ông Khoát trở về”, bà Thu kể lại.

Ngày trở về của người từng được coi là “liệt sĩ” thấm đầy nước mắt. Bởi xét trên mọi phương diện, ngoài giấy báo tử, những đồng đội đã từng tham gia chiến đấu với ông đều nghĩ ông Khoát đã hi sinh. Chính bản thân ông Khoát cũng không thể tin rằng, mình lại có thể sống sót sau trận chiến ác liệt năm 1968. Do không nói được, ông Khoát viết ra giấy: “Thời điểm đó tôi không còn nhớ được gì cả, có chăng chỉ là những kỷ ức nát vụn, chắp vá. Và rồi những ký ức ấy đã được một người cựu chiến binh mù, cụ thể hóa bằng việc giúp tôi tìm đường trở về. Đó mãi là kỷ niệm mà cả cuộc đời này tôi chẳng thể quên”.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Cũng theo ông Khoát viết lại, sau khi bị giặc phục kích ông bị thương nặng ở đầu, hở não và bất tỉnh tại trận. Nhằm khai thác thông tin của quân đội ta, bác sỹ của quân đội Mỹ đã cứu sống ông bằng cách phẫu thuật lấy một phần da ở mông, sau đó nuôi và cấy ghép lên phần da đầu đã mất. Ông Khoát được chăm sóc theo diện đặc biệt. Tuy nhiên, ý đồ của chúng không thành hiện thực bởi từ lúc bị thương ở đầu, ông Khoát không thể nói được nữa.

Năm 1973, hiệp định Paris được ký kết, hòa bình lập lại, hai bên trao trả tù binh, ông Khoát được đưa về Trại điều dưỡng thương binh Thanh Hoá. Chính ở nơi này, ông đã gặp người thương binh cùng quê Bắc Giang là Trần Văn Vui, ông Vui bị mù hai mắt. Thế nhưng, hai ông lại nói chuyện với nhau rất tâm đầu ý hợp dù rất khó khăn. Ông Khoát muốn tâm sự điều gì phải viết ra giấy và nhờ bà Thu, người chăm sóc ông ở trại điều dưỡng (sau này trở thành vợ ông Khoát) đọc giúp lại cho ông Vui nghe. Cứ thế hai ông “nói chuyện”, tâm sự với nhau những câu chuyện không đầu, không cuối về những ngày trong chiến trường. Trong câu chuyện ấy, ông Vui ghép lại những ký ức của ông Khoát, rồi quyết định cùng người được cho là “liệt sĩ” tìm lại gia đình, tìm lại quê hương bản quán.

Chuyện người “liệt sĩ” câm tìm lại gia đình sau gần 10 năm nhận giấy báo tử
Bà Vũ Thị Thu hạnh phúc bên người chồng từng là “liệt sỹ”

Sau nhiều ngày hỏi han, tìm đường, đầu năm 1976, ông thương binh mù và ông thương binh câm, tập tễnh dẫn nhau tìm về làng Thủ Dương nơi chôn nhau cắt rốn của ông Khoát, trong sự ngỡ ngàng hòa lẫn niềm vui khôn xiết của gia đình, bạn bè, hàng xóm... Ông Khoát viết trên giấy: “Nhìn thấy ngôi nhà cũ gắn bó cả tuổi thơ, rồi những gương mặt thân thuộc, tôi mang máng nhớ ra điều gì đó. Cảm giác gần gũi và thân quen lắm. Thế rồi tôi thấy những người trong gia đình ôm chầm lấy chúng tôi, rồi khóc. Trong giây phút hội ngộ đầy cảm xúc ấy, tôi chợt nhận ra đó chính là gia đình của tôi, là cha mẹ tôi... Từ một người mang danh là “liệt sĩ”, gần 10 năm sau tôi đã quay trở về. Bản thân tôi khi nhớ lại những ngày gian khó trước đây, cũng không thể nghĩ rằng, điều thần kỳ ấy lại đến với mình. Cũng may tôi đã gặp được đồng chí Vui, mắt ông ấy mù nhưng tấm lòng thì lại trong sáng. Nhờ có ông ấy, tôi đã trở lại là chính tôi. Ơn nghĩa này, tôi khắc sâu cho đến muôn kiếp”.

Không chỉ tìm lại được gia đình, tìm lại được chính con người mình ở Trại điều dưỡng Thanh Hóa. Mà ở đó, người “liệt sĩ” Nguyễn Ngọc Khoát còn tìm được niềm hạnh phúc cho riêng mình. Sau những câu chuyện mà bà Thu giúp ông Khoát đọc lại cho ông Vui nghe, trong lòng người phụ nữ ấy đã có tình cảm với ông Khoát từ lúc nào không hay. Nhớ lại thời điểm ấy, bà Thu chia sẻ đầy hạnh phúc: “Qua những dòng tâm sự của ông ấy, tôi đã yêu từ lúc nào mà chẳng hề hay biết. Chỉ biết rằng, khi ấy nếu một ngày tôi không được đọc tâm sự của ông ấy, thì trong lòng như thiếu vắng một điều gì đó. Thế rồi một ngày tình cơ chúng tôi đi dạo trên bãi cát, ông Khoát bất ngờ kéo tay tôi ngồi xuống rồi viết dòng chữ “Em bằng lòng lấy anh nhé” rồi ôm chầm lấy tôi... Thế là chúng tôi nên duyên chồng vợ”.

Sau khi gia đình yên ổn, ông Khoát quyết định đi tìm lại người đồng đội cũ, người đã từng tham gia trận chiến với ông vào năm 1968, đó là cựu binh Đỗ Xuân Giác. Chính ông Giác cũng là người bao năm qua vẫn hương khói cho phần mộ của “liệt sĩ” Khoát. Tuy nhiên, niềm vui ngày gặp mặt sau 45 năm chờ đợi đã không thành hiện thực, bởi khi ông Khoát tìm đến gia đình người đồng đội tận nghĩa ấy, cũng là lúc ông phải vuốt mắt tiễn đưa đồng đội về cõi vĩnh hằng. Thế nhưng, hơn ai hết ông Khoát hiểu, dù hai ông có gặp nhau hay không, thì tình đồng chí sẽ mãi mãi là tình cảm bất diệt dù xa cách nghìn trùng.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này