Vì chủ quyền biển đảo quê hương: Không chỉ là mưu sinh

11:27 | 23/04/2015
Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2015), mỗi người con đất Việt càng thấm thía nỗi khát khao độc lập - tự do. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, thấm nhuần lời dạy của Người, sau 40 năm giải phóng, dẫu đất nước đã hòa bình, nhưng ngoài kia biển Đông rộng lớn, bờ cõi quốc gia chưa yên. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, ngoài lực lượng nòng cốt là các chiến sỹ, còn có một lực lượng đông đảo ngư dân, họ bất chấp hiểm nguy, ngày đêm bám biển, khai thác ở ngư trường truyền thống mà ông cha để lại.
“Kiểm ngư, Cảnh sát biển, ngư dân không nhân nhượng bất cứ kẻ thù nào”
Ngư dân Lý Sơn kiên định bám biển

Khuôn mặt đen sạm vì gió biển, tiếp chúng tôi trong một quán nhỏ ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ông Dương Hạnh, 60 tuổi, một ngư dân có thâm niên đi biển ở hòn đảo này trầm ngâm: “Trước đây, đi từ cảng cá Lý Sơn ra ngư trường khai thác cá truyền thống ở khu vực Hoàng Sa chỉ mất chừng một ngày rưỡi. Tuy nhiên, vài năm nay, khi Trung Quốc đơn phương dựng lên cái gọi là đường lưỡi bò phi pháp bao trọn gần hết diện tích biển Đông thì việc khai thác cá gặp nhiều khó khăn. Ngư dân phải đi đường vòng, thời gian ra khơi dài gần gấp đôi so với trước”! Ông Dương Hạnh cho hay, trong các chuyến ra khơi không ít lần tàu cá của các ông bị các tàu lạ gây khó dễ, nhưng với quyết tâm bám biển để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng mà tiên tổ để lại, những ngư dân Lý Sơn vẫn tiếp tục ra khơi.

Vì chủ quyền biển đảo quê hương: Không chỉ là mưu sinh

Vì chủ quyền biển đảo quê hương: Không chỉ là mưu sinh

Tàu của ngư dân vẫn ngày đêm bám biển

Quả thật, với ngư dân nói chung, ngư dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng, bám biển không đơn thuần chỉ là mưu sinh mà sâu xa hơn còn góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước. Chiều 16/4, có mặt tại cảng cá Lý Sơn khi một số chủ tàu đang làm lễ tế cho chuyến ra khơi được thuận buồm, xuôi gió, tôi tranh thủ trò chuyện với một số thanh niên về cuộc sống nơi biển khơi. “Nghe nói công việc đánh bắt cá bây giờ khá nguy hiểm, tại sao các anh không chọn nghề khác để làm?”, tôi hỏi. Anh Trần Anh Tuấn mồ hôi nhễ nhại trả lời: Thanh niên như chúng tui, nếu vào Sài Gòn kiếm việc làm không khó. Nhưng tụi tui đã sinh ra trên mảnh đất này, tổ tiên chúng tui đã tạo dựng nên nó, chúng tui phải gắn bó chớ. Đi biển không chỉ để vì cuộc sống mà còn để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Lần ra ngư trường Hoàng Sa nào cũng giáp mặt với tàu, thuyền lạ, nhưng chúng tui không hề sợ”!

Trăm nghe không bằng mắt thấy, trong chuyến đi tác nghiệp tại đảo Lý Sơn, đoàn nhà báo Hà Nội tiếp cận được một trường hợp tàu cá Việt Nam trong khi đang khai thác tại ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa chạy cách đảo Tri Tôn khoảng 20 km, thì bị một tàu lạ đâm khiến thuyền viên Phạm Quốc Dũng, 43 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải, Lý Sơn bị vỡ bàng quang, có nguy cơ phải mổ thận. Trong lúc các y tá đưa thuyền viên Dũng vào đất liền điều trị, mặc dù đau đớn, song anh Dũng vẫn chia sẻ với các PV về lòng quả cảm quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc: Tôi đã 3 lần bị tàu lạ đâm, va. Sau khi chữa trị xong, sức khỏe trở lại bình thường, tui và các đồng nghiệp vẫn quyết tâm bám biển”.

Đúc kết tình yêu quê hương của người dân nơi đây, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tài Luân, Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn nhấn mạnh: Mưu sinh bằng khai thác cá ở biển chiếm đến 65% dân số huyện. Khai thác cá là nghề chính của bà con, nhưng với người dân Lý Sơn, tinh thần thượng tôn dân tộc đã ăn vào máu họ từ bao đời. Ở hòn đảo này, người dân luôn có ý thức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này