Vấn đề bạn đọc quan tâm: Những tiêu chí xét tuyển học sinh vào lớp 6

11:10 | 23/04/2015
Trước sự lo lắng của phụ huynh học sinh về cách thức tuyển sinh lớp 6 tại một số trường chất lượng cao, công bố mới nhất của Sở GD-ĐT tại cuộc họp báo chiều ngày 21/4 khẳng định, không tạo thêm áp lực cho học sinh bằng phương pháp thi IQ, EQ nên tất cả các trường THCS trên địa bàn Thủ đô đều phải thực hiện tuyển sinh xét tuyển, trong đó ưu tiên xét tuyển theo tuyến địa bàn và công khai minh bạch việc xét tuyển.
Thành Ủy Hà Nội vẫn “chốt” phương án không thi tuyển lớp 6
Tuyển sinh lớp 6: Vẫn rối như canh hẹ

Chỉ 9/ 623 trường đăng ký tuyển sinh cao

Lịch tuyển sinh các lớp đầu cấp của Hà Nội -Lịch tuyển sinh vào mầm non, lớp 1 và lớp 6 diễn ra từ 1/7 đến 15/7, tuyển bổ sung từ 17/7 đến 19/7. -Tuyển sinh vào lớp 10 THPT với lớp 10 không chuyên sẽ thi tuyển vào ngày 11/6, nhập học từ 27/6 đến 29/6, tuyển bổ sung từ 5/7 đến 6/7.Với lớp 10 chuyên sẽ thi tuyển trong các ngày 11, 12, 13/6; nhập học từ 25/6 đến 27/6, tuyển bổ sung từ 29/6 đến 30/6.

Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, các năm trước, Hà Nội chỉ có 9/ 623 trường THCS trên toàn thành phố có nhu cầu đăng ký tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu được giao nên phải tổ chức thi tuyển lớp 6.

Từ khi có yêu cầu của Bộ về việc cấm thi tuyển thì một số trường đã xây dựng được phương án tuyển sinh bằng xét tuyển như Cầu Giấy, Lê Lợi, Nam Từ Liêm. Do vậy chỉ còn Trường Lương Thế Vinh, Marie Curie, Nguyễn Tất Thành, Hà Nội-Amsterdam đề cập phương án xét tuyển kết hợp với đánh giá năng lực. Tuy nhiên, sau khi Bộ ban hành công văn 1258, yêu cầu tất cả các trường THCS thực hiện nghiêm túc không tuyển sinh vào lớp 6, Sở GD-ĐT đã đề nghị trường có số lượng HS đăng ký vượt quá nhiều chỉ tiêu phải xây dựng đề án khả thi về tuyển sinh phù hợp với đặc điểm trường mình. Căn cứ vào đó, Sở mời các chuyên gia, nhà khoa học và dư luận, nhân dân, cha mẹ HS tham khảo ý kiến. "Chúng tôi nhận thấy có 3 trường có khả năng thử thí điểm là Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh và Marie Cuire đề xuất phương án đánh giá năng lực người học và xét tuyển trên cơ sở các bài test IQ, EQ.

Vấn đề bạn đọc quan tâm: Những tiêu chí xét tuyển  học sinh vào lớp 6
Hà Nội sẽ thực hiện tuyển sinh xét tuyển vào lớp 6.

Song xét thấy đây là phương pháp tốt nhưng còn mới, chưa được phổ biến rộng rãi trong dư luận cũng như phụ huynh HS, tạo áp lực mới cho HS khi thay vì học toán, văn, ngoại ngữ lại đi học để làm sao làm được các bài test IQ, EQ", ông Đại lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi quyết định không đồng ý cho 3 trường trên tuyển sinh theo cách riêng và sự ra đời của công văn “hỏa tốc” yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển, tuyệt đối không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học.

Có tránh được tiêu cực khi xét tuyển?

Ông Quốc Anh Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (Hà Đông): "Chúng tôi dựa trên kết quả học tập 5 năm ở bậc tiểu học của HS và tích điểm. Bên cạnh đó còn có nhiều cuộc thi khác như Olympic tiếng Anh, giải toán trên mạng Interrnet, văn nghệ, thể dục thể thao.... đều được tích điểm, tính điểm. Sau đó trường lấy từ cao xuống thấp và công bố cho PHHS biết. Tất cả đều rõ ràng, minh bạch. Hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ làm việc theo đúng lộ trình Sở chỉ đạo xuống phòng, phòng chỉ đạo xuống trường". Bà Kim Anh Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy: “Chúng tôi sẽ xét trên học bạ của HS, không xét định tính, cảm tính mà quy ra điểm. Khi xét tuyển sẽ lấy từ trên cao xuống thấp. Phương án quy đổi như thế nào thì trường đang xây dựng để trình Phòng GD quận, UBND quận phê duyệt, sau đó sẽ công khai minh bạch để người dân và xã hội biết. Về phạm vi xét tuyển, sẽ chờ văn bản chỉ đạo của Sở"

Trước thắc mắc về căn cứ xét tuyển bằng học bạ, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT cho biết, căn cứ để xét học sinh lớp 5 vào lớp 6 từ trước đến nay vẫn dựa vào hồ sơ của học sinh gồm: Học bạ, sổ liên lạc, sổ ghi nhận xét của giáo viên theo dõi thi đua khen thưởng. “Trong bộ hồ sơ xét tuyển có nhiều vấn đề cần xem xét chứ không chỉ có thông tin đạt hay không đạt ở học bạ của học sinh như một số ý kiến phản ánh. Ngoài ra, Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT cũng đặt ra quy trình đánh giá chặt chẽ học sinh gồm đánh giá đạt chuẩn kiến thức từng môn, quá trình hình thành phát triển năng lực, quá trình hình thành phẩm chất.

Ngoài đánh giá thường xuyên, có đánh giá hàng tháng, học kỳ I, học kỳ II. Cùng với nhận xét có chấm điểm, mặc dù điểm số chỉ là căn cứ đối chiếu nhận xét của giáo viên. Bên cạnh đó, để xét lên lớp và chuyển cấp thì hiệu trưởng trường tiểu học phải phối hợp với giáo viên THCS tham gia giám sát kiểm tra, chấm bài. Sự phối hợp 2 cấp rất chặt chẽ để chuyển cấp. Như vậy trong bộ hồ sơ của một HS để xét chuyển cấp dựa trên 3 cơ sở: HS thực hiện đạt chuẩn kiến thức chương trình của Bộ quy đinh đối với từng môn hoàn thành hay chưa; quá trình hình thành và phát triển năng lực của HS đạt hay chưa đạt; quá trình hình thành phát triển phẩm chất của HS đạt hay chưa đạt. Các yếu tố này bao quát được cả về trí lực, học lực, đạo đức của HS”, ông Dũng phân tích.

Trả lời vấn đề làm cách nào để tránh tiêu cực khi xét tuyển bằng học bạ, ông Phạm Văn Đại cho biết: “Các trường phải thực hiện công khai minh bạch để dân biết, theo dõi, kiểm tra nhằm tránh tiêu cực trong xét tuyển. Hà Nội khẳng định tất cả học sinh trên toàn thành phố đều được vào học THCS”.

Về phạm vi xét tuyển, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm, trước hết ưu tiên HS trên địa bàn. Sau đó, nếu còn chỉ tiêu thì có thể mở rộng. Hà Nội kiên quyết không để xảy ra điểm nóng về công tác tuyển sinh, phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Chậm nhất ngày 30/5, toàn bộ kế hoạch về công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp của các quận huyện, thị xã sẽ được công khai tên cổng thông tin điện tử của Sở. Năm nay, số lượng học sinh vào lớp 1 dự kiến trên 135.000 HS, lớp 6 là trên 102.000 HS.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này