Những quy định khiến doanh nghiệp vận tải kêu khó!

11:10 | 23/04/2015
Vừa qua, tại hội nghị  trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức, các doanh nghiệp vận tải  đã thẳng thắn đưa ra những điểm chưa thỏa đáng tại một số quy định trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ban hành ngày 10/9/2014 và  Thông tư 63/2014/TT-BGTVT dù sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2013/TT-BGTVT trước đó nhưng lại bất cập hơn quy định cũ. 
Nhiều doanh nghiệp còn đối phó
Doanh nghiệp vận tải biển gặp khó
Ba đoàn kiểm tra giá cước vận tải cả nước: Chỉ một DN bị phạt

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Trường, cho biết, vận tải vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi) đang là tồn tại của tỉnh. Các loại xe vận tải HoWo của Trung Quốc trước đây khi chưa có việc kiểm soát tải trọng thì trung bình mỗi xe chở được hơn 20m3 vật liệu xây dựng. Hiện nay do chủ trương kiểm soát tải trọng thì xe tải 3 chân chỉ được phép chở 6m3 vật liệu, xe 4 chân được chở 8m3. Trong khi đó, tỉnh Hà Nam chủ yếu cung cấp vật liệu xây dựng cho cho Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, nếu mỗi xe chở 6-8m3 thì khi đến các địa điểm trên giá vận chuyển sẽ đội lên.

Những quy định khiến  doanh nghiệp vận tải kêu khó!
Taxi trên địa bàn Hà Nội có niên hạn sử dụng 8 năm tính từ ngày sản xuất

Chia sẻ với LĐTĐ, chủ doanh nghiệp Ngọc Tám, Yên Lâm, Yên Định, Thanh Hóa, cho biết, trước kia, hai chiếc xe tải của doanh nghiệp chuyên chở đá xẻ ra Ninh Bình, Bắc Ninh, mỗi chuyến lãi được hai triệu. Thế nhưng từ ngày thực hiện qui định mới về tải trọng, doanh nghiệp đã phải dừng vận tải ngoại tỉnh vì bị lỗ.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, trước đây, mỗi khi ra văn bản quy phạm pháp luật chỉ có cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tham mưu, tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, đặc biệt là năm 2014, Bộ GTVT luôn có sự trao đổi với DN, các hiệp hội tham gia ý kiến, để cùng xây dựng.

Cũng nỗi niềm, anh Thái lái xe taxi Long Biên bày tỏ, xe taxi anh góp vốn cổ phần với hãng, xe anh lấy khi mới nhập về năm 2013 nhưng chiếu theo qui định mới thì xe của anh chỉ còn 3 năm nữa là hết date, vì hạn sử dụng tính từ ngày sản xuất. “Chạy sao cho thu đủ vốn bây giờ”, anh Thái ngán ngẩm.

Về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cảm thấy bất ổn cho doanh nghiệp taxi. Theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP, niên hạn với xe taxi ở các đô thị như Hà Nội và TP. HCM là 8 năm, tính từ thời điểm sản xuất. Ông Bình cho rằng, một chiếc xe ô tô được sản xuất vào năm 2013, đến năm 2015 mới đưa vào sử dụng lần đầu với hoạt động taxi theo qui định chỉ còn niên hạn 5 năm. “Đây cũng là lý do đợt tết vừa qua, hàng ngàn xe taxi tại Hà Nội và TP.HCM bị dừng hoạt động đột ngột do đã hết niên hạn theo quy định mặc dù vẫn chạy rất tốt. Theo tôi, nên tính niên hạn sử dụng xe taxi theo thời điểm đăng ký sử dụng lần đầu chứ không nên tính theo năm sản xuất”, ông Bình bày tỏ.

Được biết, tại hội nghị trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải do Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức vừa qua, những bất cập trên đã được các doanh nghiệp, các hiệp hội vận tải thẳng thắn đề cập. Theo Chủ tịch Hiệp hội ôtô vận tải tỉnh Điện Biên, Nguyễn Quốc Mạnh, mặc dù ghi nhận thời gian qua, Bộ GTVT đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải kinh doanh, tuy nhiên, việc quản lý đội ngũ lái xe, khám sức khỏe mà Nghị định 86 đã đề cập là chưa sát thực tế, mang tính hình thức, bởi quy trình khám sức khỏe hiện còn rất lỏng, giữa y tế và giao thông chưa gắn kết. “Lái xe ở nhà cũng khám được sức khỏe, một người đi khám cho nhiều người. Chỗ thì 150.000 đồng/lần, chỗ thì 1,5 triệu đồng/lần, chỗ thì đo huyết áp, chỗ không đo. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có thể mua giấy khám sức khỏe cho lái xe với giá rẻ”- ông Mạnh cho hay.

Lê Mai- Hạnh An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này