Khốn quẫn vì công ty đa cấp

12:08 | 16/04/2015
Sau khi báo Lao động Thủ đô số 40, ra ngày 2/4/2015 có bài “Bán hàng đa cấp hành xử như xã hội đen” phản ánh vụ việc Vũ Thị Tuyết Nhung, sinh viên Trường ĐH Công nghệ Đông Á vì tin lời đường mật nên đã “sập bẫy” Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Vietnet) chuyên kinh doanh đa cấp. Nhung đã được nhân viên công ty dẫn đến tiệm cầm đồ đặt chứng minh thư, thẻ sinh viên lấy 9 triệu đồng (lãi 7 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày) để lấy tiền mua hàng. Khi biết mình bị lừa, Nhung muốn rút khỏi hệ thống, nhưng đã bị một nhóm nhân viên của công ty hành hung dã man.
Bán hàng đa cấp hành xử như xã hội đen
42 năm tù cho các đối tượng kinh doanh đa cấp

Mới đây, báo Lao động Thủ đô tiếp tục nhận được phản ánh về việc Nguyễn Thị D, sinh viên năm 2 Trường ĐH Thương mại, cũng vì “ sập bẫy” Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam nên đã uống thuốc tự tử.

“Sập bẫy”, nữ sinh uống thuốc ngủ tự tử

Gần 1 tuần được cấp cứu kịp thời do uống thuốc ngủ tự tử, dù được gia đình, bạn bè, nhà trường động viên nhưng Nguyễn Thị D, vẫn hoang mang, sợ hãi. Ngay cả khi, ngồi trò chuyện với chúng tôi tại trường, xung quanh có thầy cô an ủi, nhưng D vẫn run sợ.

Với giọng sợ hãi, đứt quãng, nên phải khó khăn lắm chúng tôi mới chắp nối được câu chuyện của D. D. sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo huyện Kinh Môn, Hải Dương. Chính vì vậy, D. luôn phấn đấu học thật tốt và kiếm việc làm thêm, giúp đỡ bố mẹ. Trong quá trình học tại trường đại học, D. quen và chơi với một người tên Linh, quê Hà Tĩnh. Biết D. có nhu cầu tìm việc làm, ngày 23/3/2015 Linh đã đưa D. đến Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam. Tại đây, D. gặp người đàn ông tên Vũ, làm quản lý và cũng là cấp trên của Linh. Sau khi nói chuyện riêng với Vũ, D. được dẫn đến gặp một nhóm người để “bổ trợ” kiến thức kinh doanh. “Những người này ăn mặc sành điệu, chải chuốt, thi nhau nhồi vào đầu D. suy nghĩ phải thương bố mẹ, có khát khao làm giàu và hướng em tham gia vào công ty. Nếu em tích lũy được 5680VI, tương đương 8.450.000 đồng thì sẽ trở thành nhân viên chính thức của công ty”, D. kể.

Khốn quẫn vì công ty đa cấp
Cẩn trọng với các chiêu trò của công ty bán hàng đa cấp
Theo quy định tại điều 48 Luật Cạnh tranh năm 2004, việc yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, mua sản phẩm hàng hóa ban đầu để vào hệ thống kinh doanh đa cấp là hành vi “bán hàng đa cấp bất chính”. Hành vi này có thể bị xử lý theo khoản 3, điều 36 Nghị định 71/2014/NĐ – CP ngày 21/7/2014 về doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị phạt từ 60 – 100 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đa cấp; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được; buộc cải chính công khai. Khi phát hiện những sai phạm trên, mọi người có thể đến công ty đòi lại tiền đã đóng hoặc trả lại sản phẩm. Trong trường hợp doanh nghiệp không chấp thuận thì mọi người nên thu thập chứng cứ, gửi các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý, cụ thể là Cơ quan Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương hoặc Sở Công thương, tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp bán hàng đa cấp đóng trụ sở.

Cũng theo D., trong quá trình nghe mọi người “hướng dẫn làm giàu”, em như bị mụ mị, rối loạn, không định hướng được. Khi em nói không có tiền để mua sản phẩm và không muốn tham gia thì được một số nhân viên “động viên” và hướng dẫn cách “xoay tiền”. Dù rất hoang mang, lo sợ, nhưng em không thể về được vì bị mọi người giữ lại.

“Bị “nhồi não” bằng những phương thức làm ăn, em như bị thôi miên nên đã đi theo các anh chị nhân viên của công ty sang một tiệm cầm đồ, cho vay nặng lãi ở phố Doãn Kế Thiện để đặt chứng minh thư và thẻ sinh viên lấy 9 triệu đồng với lãi suất 6 nghìn đồng/1 triệu/1 ngày. Sau khi ký xong giấy vay tiền, em không được giữ bản nào mà bị dẫn về công ty để ký hợp đồng và nhận sản phẩm gồm canxi, dầu cá, sâm, đông trùng hạ thảo với giá 8. 450. 000 đồng. D. chia sẻ.

Công an vào cuộc điều tra

“Về nhà, biết mình bị lừa nên em rất sợ hãi và hoảng loạn. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, sợ bị chủ tiệm cầm đồ thông báo cho gia đình, nhà trường và hành hung nên trong lúc quẫn trí em đã uống thuốc ngủ tự tử. Rất may, khi thấy em có biểu hiện buồn nôn, lịm người, mất kiểm soát, bạn cùng phòng phát hiện, móc họng và đưa vào bệnh viện cấp cứu”, D. kể.
Trao đổi với phóng viên Lao động Thủ đô, thầy Lê Đình Tân, phòng Công tác chính trị sinh viên, Trường ĐH Thương mại cho biết: Hiện nhà trường đã nắm được việc một số sinh viên của trường “sập bẫy” công ty đa cấp nên phải đặt chứng minh thư, thẻ sinh viên.

Hiện, nhà trường mới nhận được phản ánh của 3 em. Các em đều có tâm lý hoảng loạn, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực như bỏ học, uống thuốc ngủ tự tử. Nhà trường đã gửi thông báo đến từng lớp, từng khoa để tổng hợp số sinh viên tham gia vào đường dây kinh doanh đa cấp để có hướng giải quyết. Đồng thời thông báo đến công an, để điều tra làm rõ có hay không việc ép sinh viên tham gia vào kinh doanh đa cấp, cho vay nặng lãi.

Theo ông Dương Đức Thuận, Trưởng Công an phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm: Hiện tại công an phường đã nhận được đơn thư phản ánh của một số sinh viên liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi đang tiến hành điều tra làm rõ.

Cũng theo ông Thuận, trước đây công an phường cũng đã nhận được một số đơn của sinh viên và người dân liên quan đến việc bị Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam “dụ” vào kinh doanh đa cấp. Việc xác định có hay không việc ép sinh viên phải đặt thẻ sinh viên, chứng minh thư với lãi suất cao là rất khó. Lý do là bởi các em không có giấy tờ liên quan, nên chủ tiệm chối bay chối biến, khiến việc điều tra gặp khó khăn.

Cần tuyên truyền để ngăn chặn

Hoạt động đa cấp ở Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu biến tướng thành những hành vi lừa đảo tinh vi. Để hạn chế thực trạng nhức nhối này rất cần sự tuyên truyền cho người dân hiểu đúng.

Các công ty bán hàng đa cấp lừa đảo người dân là phạm luật nhưng một nguyên nhân không thể không nhắc tới chính là tâm lý hám lợi của người dân. TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó trưởng khoa Xã hội học (Học viện Báo chí tuyên truyền) cho biết: "Nhân viên tư vấn của các công ty bán hàng đa cấp thuyết phục người khác đứng ra môi giới mua hàng và hứa trả thưởng cho họ bằng nguồn lợi lớn. Khoản lợi đó được tính toán cụ thể, được minh chứng bằng những cá nhân, nhân vật, đã làm cho nhiều người choáng ngợp.

Vì thế, nhiều người dễ dàng bị biến thành những công cụ lừa đảo. Thực ra các công ty đa cấp làm ăn thiếu trung thực không tạo lợi nhuận từ việc kinh doanh mà chủ yếu dùng tiền người sau trả cho người trước còn những người tham gia vì xót số tiền đã trót đóng nên buộc phải đi lôi kéo những người khác để mong gỡ lại tiền...”
Trước hàng loạt cạm bẫy mà nhiều người, đặc biệt là giới trẻ dễ sa chân vào thì những cảnh báo kịp thời từ phía các bậc phụ huynh, nhà trường, những người có tâm đức là điều vô cùng cần thiết.

Theo kinh nghiệm từ ban tuyên truyền Hội Sinh viên – Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nhận thấy các thủ đoạn lừa đảo từ hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng biến tướng tinh vi mà con mồi chủ yếu là những sinh viên mới nhập học nên ngay từ đầu năm học, song song với những hoạt động chào đón các tân sinh viên, ban cán sự của hội luôn chú trọng công tác hướng dẫn, cảnh báo nhằm chia sẻ thông tin để các bạn chủ động phòng tránh”.

Tuệ Liên

Ngô Hùng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này